Biên phòng - Hết quý I năm 2019, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế đất nước là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm trên 5,1 tỷ USD (tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2018), với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, 3 tháng đầu năm đạt 58,51 tỷ USD; riêng tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, chỉ số trên phản ánh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi có hiệu lực đã mang đến cơ hội vàng để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần, tìm thêm đối tác xuất khẩu hàng hóa.
Thực tế, cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm mà Việt Nam có ưu thế đã mở rộng hơn tại các thị trường mới trong CPTPP như: Australia, Canada, Mexico, Peru, Colombia...
Ưu thế rõ nhất là thuế suất giảm hoặc được xóa bỏ. Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước trong CPTPP xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78 - 95% số dòng thuế. Với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 - 10 năm và đến cuối lộ trình thuế, sẽ xóa bỏ đến 98 - 100% số dòng thuế.
Đặc biệt, các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sẽ được bỏ thuế nhập khẩu vào các nước, như Canada đã đồng ý đưa thuế nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ từ 7% về 0%. Tương tự, các sản phẩm da giày của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường CPTPP.
Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như chiến lược dài hạn nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Bởi, điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế trong CPTPP là các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối.
Đây là bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước bên ngoài CPTPP, như Trung Quốc, Hàn Quốc... Ví dụ, hàng may mặc chỉ được hưởng ưu đãi thuế khi các công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP, trong khi các doanh nghiệp Việt đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP.
Không chỉ bị kiểm duyệt xuất xứ, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào CPTPP còn phải đối mặt với hàng loạt tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khắt khe như: Bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu. Những quy định này hoàn toàn có thể là rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là hàng nông sản vào CPTPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ.
Bên cạnh đó, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”, nhiều ngành sẽ gặp khó khăn như ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam và nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa với 100 triệu dân cũng vì thế sẽ gia tăng.
Theo các chuyên gia, muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Giải pháp trước mắt là thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nội khối. Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược về tài chính, con người, cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà còn trong tất cả các FTA đang và sắp có hiệu lực.
Thanh Thảo