Biên phòng - Việt Nam đã trải qua gần 90 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Tính đến thời điểm này, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động đã được cải thiện so với 6 tháng đầu năm 2020, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, cả nước có 54,6 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo thống kê, cả nước có tới 31,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập; gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có tăng trưởng về GDP, nhưng cũng lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân tháng của người lao động (5,2 triệu đồng/tháng, giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019). Khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với trên 65% lao động bị ảnh hưởng, giảm thu nhập sâu.
Đáng lo ngại là lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại thời điểm này lên tới hơn 1,2 triệu người (chiếm 2,5%), trong đó, tỷ lệ thất nghiệp và không tham gia học tập hoặc đào tạo ở trong nước của thanh niên lên tới 7,24%.
Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề, nhất là các ngành sử dụng lao động phổ thông. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tạo ra các sản phẩm mới...
Tuy nhiên, về lâu dài, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế cần một chiến lược đào tạo lao động phù hợp, thích ứng tốt với những biến động phức tạp không lường trước. Các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại lực lượng lao động, dẫn tới một bộ phận lao động bị mất việc làm.
Các chuyên gia cảnh báo, có khoảng 49% công việc hiện nay sẽ biến mất trong 20 năm tới. Những ngành nghề đang phát triển trong thời điểm hiện tại chưa chắc được lựa chọn trong tương lai. Thách thức này đòi hỏi ngành đào tạo nhân lực phải thay đổi, thích ứng để đào tạo ra những lao động đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Có thể thấy, dịch Covid-19 chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động thay đổi suy nghĩ, cách thức làm việc để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia lao động, để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.
Thế nên, gói hỗ trợ lên tới 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp của Chính phủ để đào tạo lại cho khoảng 1 triệu lao động thực sự là “cú huých” phục hồi thị trường việc làm và lao động. Nếu người lao động biết đổi mới, nâng cao kỹ năng và ứng dụng công nghệ mới thì có thể dễ dàng thích ứng với nhu cầu của xã hội cũng như vượt qua khó khăn mà dịch bệnh gây ra.
Thanh Thảo