Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 12:23 GMT+7

Cơ hội tiếp tục đối thoại giữa Nga và Mỹ

Biên phòng - Quan hệ Nga - Mỹ ngày càng tô đậm cách tiếp cận mới có phần cởi mở hơn thay vì “so găng” gay gắt. Dù những hành động đối đầu vẫn đang là những “ẩn số”, song, giới chuyên gia tin rằng, các bên đang có hướng đi phù hợp, đúng đắn để giải quyết bất đồng.

Hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tuần này tại điểm cầu Mỹ. Ảnh: REUTERS

Cần lòng tin

Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm trực tuyến trong khoảng 2 giờ. Sự kiện này thu hút sự quan tâm rất lớn trong dư luận quốc tế. Bởi lẽ, trước hàng loạt diễn biến bất ổn trên thế giới thời gian gần đây liên quan đến an ninh, việc nguyên thủ của hai siêu cường quốc ngồi lại với nhau để cùng thảo luận là một điều không dễ gì có được. Hai nguyên thủ đã thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế; sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến sát khu vực của Nga; tương tác trong an ninh mạng; vấn đề hạt nhân Iran;...

Đặc biệt, nội dung đáng chú ý nhất là sự ổn định chiến lược ở châu Âu khi cả Nga và Mỹ đang nhận thức cần phải ngăn chặn những diễn biến tiêu cực từ đối phương làm gây thiệt hại về lợi ích của mình ngay cả trong hiện tại và tương lai. Dù vẫn còn đó những căng thẳng, song, thế đối đầu giữa hai siêu cường trong cuộc điện đàm mới nhất vẫn được đánh giá là tiếp tục trên đà giảm đi so với nhiều năm trước đây.

Theo công bố của Điện Kremlin (Nga), Tổng thống Putin bày tỏ sự hài lòng về cuộc trao đổi với Tổng thống Biden. Ông Putin đánh giá, cuộc trao đổi này khá thẳng thắn, cởi mở, chi tiết và mang tính xây dựng. Đồng thời, bày tỏ hy vọng, Mỹ sẽ có chung tinh thần đánh giá về cuộc gặp giống Nga.

Về phần mình, sau cuộc hội đàm, Nhà Trắng (Mỹ) bày tỏ quan ngại sâu sắc từ Mỹ và các nước đồng minh châu Âu về những động thái quân sự của Nga tại khu vực. Đồng thời, Nhà Trắng khẳng định, nếu Nga để dẫn đến tình trạng leo thang quân sự, Mỹ và các nước đồng minh sẽ “đáp trả” bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Ông Biden cũng kêu gọi các bên tại khu vực phải giảm leo thang và quay trở lại các biện pháp ngoại giao. Pháp cũng vừa gửi thông điệp cứng rắn cảnh báo rằng, Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả rất lớn, có tầm chiến lược nếu gây bất ổn an ninh tại khu vực. Theo chia sẻ của Tổng thống Putin trước truyền thông quốc tế, Nga có chính sách đối ngoại hòa bình nhưng có quyền bảo vệ an ninh của mình.

Về những diến biến bất ổn đang hiện hữu tại khu vực, Tổng thống Putin bác bỏ các cáo buộc của phương Tây rằng, Nga là “gốc rễ” của mọi vấn đề. Ông Putin nhấn mạnh, không thể đổ lỗi cho Nga trong khi NATO đang có những nỗ lực nguy hiểm để giành giật vị thế, tầm ảnh hưởng tại khu vực, đe dọa đến an ninh Nga. Về việc đối thoại với phương Tây, ông Putin nhấn mạnh rằng, cần phải đạt được những thỏa thuận ràng buộc, đáng tin cậy, đặc biệt là phải loại trừ việc NATO mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực, cũng như triển khai các hệ thống vũ khi tấn công ở các nước láng giềng của Nga.

Sẽ đi đúng hướng?

Theo quan sát chính trị, đối đầu Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Biden không còn là những cuộc “so găng” gay gắt về những vấn đề cụ thể, dễ nắm bắt. Thay vào đó là cách tiếp cận mới khi nguyên thủ của hai quốc gia luôn cho thấy sự cởi mở mỗi khi gặp nhau.

Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng, ông Putin luôn dành những “lời có cánh” để đánh giá về các cuộc thảo luận với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ và các nước đồng minh vẫn duy trì các lời đe dọa, cảnh báo Nga. Song, trên thực tế, với một siêu cường như Nga luôn coi tự lực, tự cường là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của đất nước, dường như những lời cảnh báo trừng phạt, thậm chí là các lệnh trừng phạt được ban hành không thể có tác dụng răn đe, cũng như làm lay chuyển được ý chí và sự đi lên. Bởi lẽ, Nga lâu nay đã sống chung với các biện pháp trừng phạt.

Hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tuần này tại điểm cầu Nga. Ảnh: REUTERS

Dù chưa tường tận năng lực đối đầu của mỗi bên, cũng như cách đối phó với nhau cụ thể có tác động như thế nào, song, dường như phương Tây đang đi vào “lối mòn” trong khi Nga vẫn cho thấy mình là “ẩn số” trước cộng đồng quốc tế. Ở góc độ khác, sự bình thản của ông Putin trước những sức ép khiến dư luận cảm thấy ông có phần “nhỉnh” hơn khi không đưa ra lời đe dọa nhưng vẫn liên tục khiến cộng đồng xuyên Đại Tây Dương phải “nóng mặt”.

Nhiều luồng dư luận phương Tây cho rằng, việc Mỹ rút quân vội vàng ở Afghanistan và để phong trào Taliban dễ dàng nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 8 vừa qua được đánh giá là đã gây ra chấn động đối với khối đoàn kết NATO. Vì vậy, sức ép từ Nga trong việc ổn định chiến lược châu Âu đang diễn ra cũng tiềm ẩn những mối nguy đối với sức mạnh thực tế của liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới này.

Theo giới chuyên gia chính trị, điều Nga muốn hiện nay là NATO phải tránh xa Nga về tầm hoạt động trên thực tế địa lý. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh NATO muốn tạo dựng những vành đai an toàn nhằm kìm hãm những nỗi lo từ Nga. Đây sẽ là một bài toán nan giải kéo theo nhiều kịch bản và diễn biến bất ngờ trong thời gian tới. Dẫu vậy, giới chuyên gia tin rằng, việc hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp trực tuyến cùng thống nhất sẽ sớm tổ chức các cuộc thảo luận ở cấp quan chức của chính quyền hai nước là một triển vọng đáng mừng, tránh những mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO