Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 05:36 GMT+7

Cơ hội thúc đẩy thế giới phát triển bền vững

Biên phòng - Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 là cơ hội lớn để thu hẹp bất đồng giữa các nước và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện nhằm giúp thế giới phát triển bền vững.

3f2a_11a
Toàn cảnh phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters

Từ ngày 24 đến 30-9 đã diễn ra các phiên làm việc của Tuần lễ cấp cao trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 tại New York, Mỹ. Tuần lễ bao gồm hàng loạt sự kiện quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh khí hậu, Phiên thảo luận chung về các mục tiêu phát triển bền vững và Hội nghị thượng đỉnh Y tế toàn cầu...

Hơn 140 nguyên thủ đã cùng tham dự Tuần lễ cấp cao với trọng tâm là giải quyết các bất ổn trên thế giới đã và đang đe dọa đến chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, leo thang xung đột, đây là cơ hội lớn cho các nước ngồi lại với nhau để cùng tìm kiếm giải pháp thu hẹp bất đồng.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Tijjani Muhammad-Bande, ưu tiên của khóa họp là thúc đẩy hòa bình, an ninh và ngăn chặn xung đột; củng cố và tăng cường hợp tác toàn cầu để đẩy lùi thách thức, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là xóa đói giảm nghèo, giáo dục chất lượng và hành động về biến đổi khí hậu.

Còn ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, Đại hội đồng Liên hợp quốc như là một diễn đàn mở rộng duy nhất và không thể thay thế, là nơi quy tụ cả thế giới để cùng giải quyết những bất ổn, giải quyết những thách thức toàn cầu và Tuần lễ cấp cao được tổ chức với mục tiêu đó.

Vấn đề nổi cộm được cả thế giới đang dõi theo từng diễn biến và được các nước đề cập trong Tuần lễ cấp cao đó là những động thái của Mỹ và Iran sau cuộc tấn công phá hoại 2 cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đang đẩy các nước tới “bờ vực” của một cuộc chiến tranh mới. Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn luôn giữ thái độ cứng rắn đối đầu với những áp lực của Mỹ, thậm chí đã sẵn sàng cho chiến tranh. Theo giới chuyên gia, Tổng thống Iran sẽ tiếp tục “không xuống nước”, sẵn sàng đáp trả Mỹ về tình hình căng thẳng ở Trung Đông, cũng như chiến lược của nước này về hạt nhân.

Ngoài ra, tại các phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, giới phân tích dự đoán, nước Mỹ sẽ có những động thái mới liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan sau khi thất bại đàm phán với phiến quân Taliban vào đầu tháng 9 vừa qua. Cùng với đó, đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên được các chuyên gia dự đoán có nhiều khả năng tiếp tục không đạt hiệu quả cao.

Về vấn đề Kasmir, cuộc tranh cãi về vùng lãnh thổ này giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn dường như bế tắc tại kỳ họp này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Iram Khan tiếp tục giữ thái độ căng thẳng, nhất là trước quyết tâm “chiến đấu tới cùng” của Pakistan.

Còn đối với khu vực châu Âu, tâm điểm chú ý là vấn đề Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Trước hạn chót Brexit vào ngày 31-10, Tuần lễ cấp cao này là cơ hội quan trọng để Anh thuyết phục EU đạt được một thỏa thuận có lợi cho các bên. Trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ireland, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) bên lề kỳ họp.

Bên cạnh những vấn đề thời sự chính trị “nóng” trên thế giới, ưu tiên hàng đầu trong kỳ họp năm nay là việc ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan - một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn cầu hiện nay. Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước tiếp tục tìm kiếm cách thức thực thi có trách nhiệm với những cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO