Biên phòng - Từ đầu năm đến nay, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua của cổ phần của cả nước đạt trên 5 tỷ USD. Ngoài vốn đầu tư đăng ký mới giảm thì cả vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Với 183 dự án được cấp mới trong 2 tháng đầu năm cùng các cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào kết quả phòng chống dịch Covid-19, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Điển hình như các nhà đầu tư Singapore cam kết đầu tư vào Việt Nam hơn 11 tỷ USD.
Theo nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, với việc là một trong những nước thụ hưởng chính của Hiệp định Thương mại đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm nay.
Niềm tin này càng được củng cố sau khi Việt Nam mở cửa lại biên giới và du lịch quốc tế bắt đầu trở lại, các doanh nghiệp đang nhanh chóng phục hồi sau đại dịch để nắm bắt các cơ hội mới trên thị trường. Sự phục hồi của thị trường càng được thể hiện rõ ở con số góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại. Sau giai đoạn dài sụt giảm mạnh, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại đã bật tăng mạnh mẽ trở lại với gần 800 triệu USD.
Theo các chuyên gia, việc đi đúng hướng trong phòng chống dịch và dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA... đã giúp Việt Nam ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI ngay từ đầu năm. Mục tiêu thu hút 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Cùng với việc thực thi Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” ngày càng nhuần nhuyễn hơn, giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư ngoại tin tưởng rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, nguồn vốn này sẽ tăng mạnh vào các tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh ngày càng ổn định hơn và Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng.
Kết quả khảo sát mới nhất từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Việt Nam đã đạt mức cao nhất kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, tăng 42 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát trước đó. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới của Việt Nam. Do đó, 43% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư trong quý I năm 2022.
Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn, nhưng nhiều chuyên gia lưu ý, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.
Để đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập; giải quyết những điểm nghẽn về lao động, thủ tục hành chính và pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như bổ sung quỹ đất sạch; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Hoàng Lâm