Biên phòng - Sau Saudi Arabia, ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày đã đến Tel Aviv, bắt đầu chuyến thăm Israel trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông và châu Âu kéo dài 9 ngày. Chuyến đi không chỉ xây dựng mối quan hệ hợp tác, khôi phục lòng tin giữa Mỹ với các đồng minh chủ chốt ở khu vực mà quan trọng hơn, Mỹ muốn chuyển thông điệp về sự “kiến tạo” một Trung Đông mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Israel Reuven Rivlin ngày 22-5, Tổng thống Donald Trump khẳng định có nhiều lý do để hy vọng rằng khu vực Trung Đông sẽ đạt được hòa bình và sự ổn định. Ông Donald Trump nêu rõ, các nước Trung Đông đang có cơ hội "hiếm hoi" để có thể mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng, song điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước bắt tay hợp tác.
Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng, những gì xảy ra tại Iran đã khiến các quốc gia khác trong khu vực hướng về Israel. Ông khẳng định, Tehran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời lên án nước này hậu thuẫn “những phần tử khủng bố”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Israel, ông Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Benjamin Netanyahu, cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem. Các cuộc hội đàm tập trung vào những nỗ lực nhằm nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine vốn đình trệ từ tháng 4-2014. Ông Trump cũng đi thăm Bức tường phía Tây ở Jerusalem, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới đây khi còn đương nhiệm.

Trung Đông luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng của Mỹ với khu vực này có phần bị suy giảm trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Chính vì thế, với một tổng thống luôn thể hiện nhiều sự khác biệt, ông Donald Trump đã lựa chọn những điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên là 2 nước Trung Đông, Arabia Saudi và Israel. Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến thăm Trung Đông trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Điều này mang một ý nghĩa biểu tượng lớn về ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, cho thấy xu thế chuyển hướng “tái cân bằng” trong các mối quan hệ quốc tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cùng với Đông Á và châu Âu, mối quan tâm của chính quyền Mỹ với Trung Đông sẽ tạo nên sự cân bằng giữa 3 trọng tâm chiến lược của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ muốn “kiềm chế” Iran sau khi nước này được “cởi trói” khỏi các lệnh trừng phạt cách đây hơn 2 năm. Hơn nữa, duy trì quan hệ với Israel có thể giúp Mỹ tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề Israel và Palestine.
Đối với Israel, Tel Aviv cũng “thấp thỏm” thăm dò chính sách của Mỹ dành cho các đồng minh Trung Đông kể từ khi ông Trump đắc cử. Và vì thế, chuyến thăm lần này của ông Trump có thể coi là lời giải mã cho những lo lắng từ phía Tel Aviv. Để làm “hài lòng” ông chủ Nhà Trắng, trước thềm chuyến thăm, Israel thông báo đã thông qua các biện pháp kinh tế "để cuộc sống thường nhật của người Palestine dễ chịu hơn", sau khi Tổng thống Trump đề nghị "có những bước đi mang tính xây dựng lòng tin" giữa hai bên.
Với những gì được thể hiện trong chuyến công du Trung Đông này, chính quyền Mỹ đang kỳ vọng kiến tạo một nền hòa bình ở Trung Đông, mà ở đó, sự hiện diện của Mỹ sẽ được củng cố hơn.
Thu Uyên