Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 01:19 GMT+7

Hướng tới Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6:

Cơ hội để Bình Liêu quảng bá và phát triển các hoạt động kinh tế, thương mại, du lịch

Biên phòng - Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Bình Liêu đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng huyện phát triển toàn diện về mọi mặt, cùng với các địa phương khác là “phên giậu” vững chắc vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. Nhân dịp Bình Liêu được chọn là nơi diễn ra chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 (sau đây gọi tắt là giao lưu), phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu xung quanh vấn đề giao lưu và phát triển kinh tế biên mậu ở Bình Liêu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh. Ảnh: Thanh Thuận

- Thưa bà, công tác chuẩn bị cho chương trình giao lưu đã được huyện Bình Liêu triển khai như thế nào?

- Theo kế hoạch, huyện Bình Liêu chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình giao lưu. Đến nay, tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu đã cải tạo, nâng cấp sân bãi của khu vực cửa khẩu (nơi dự kiến sẽ đón đoàn Trung Quốc, diễn ra lễ trồng cây hữu nghị giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 2 nước, chương trình diễn tập liên hợp phòng chống tội phạm), chỉnh trang lại khu vực cột mốc 1317 (nơi sẽ diễn ra nghi thức hai bên chào cột mốc biên giới), cũng như các công trình khác trong khu vực cửa khẩu...

Công trình Nhà văn hóa hữu nghị đã được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng ở xã Đồng Văn là món quà mà chương trình giao lưu đã mang đến cho nhân dân các dân tộc nơi đây. Trước đó, huyện Bình Liêu đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng công trình, chỉnh trang lại khuôn viên Nhà văn hóa hữu nghị. Đồng thời, huyện đã đầu tư hạng mục kè, chống sạt lở bên hông Nhà văn hóa hữu nghị. Ngoài ra, còn chỉnh trang lại hệ thống đường bên ngoài cửa khẩu... để phục vụ cho các sự kiện trong chương trình giao lưu.

Huyện cũng đã bố trí lực lượng để đón đoàn, tham gia các hoạt động trong chương trình giao lưu (khoảng 700 người) cũng như tham gia các hoạt động chỉnh trang, trang trí khánh tiết, đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra giao lưu tại địa bàn huyện Bình Liêu.

- Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển kinh tế biên mậu của Bình Liêu?

- Bình Liêu được chọn làm nơi diễn ra chương trình giao lưu là vinh dự rất lớn đối với huyện. Bình Liêu là địa bàn có sự ổn định, cũng như có điều kiện cần thiết để tổ chức được những hoạt động này. Đó là sự đánh giá cao của Bộ Quốc phòng, của tỉnh Quảng Ninh đối với huyện Bình Liêu khi được lựa chọn để tổ chức chương trình giao lưu. Qua đó, các doanh nghiệp thấy được rằng, Bình Liêu là địa bàn có những điều kiện để họ gửi gắm niềm tin, để đầu tư phát triển các hoạt động kinh tế biên mậu cũng như các hoạt động phát triển kinh tế khác trên địa bàn huyện.

Dịp diễn ra chương trình giao lưu cũng là cơ hội để Bình Liêu quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người Bình Liêu, kết hợp với phát triển các hoạt động du lịch.

- Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển. Vậy, huyện Bình Liêu đã có hướng quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu đó như thế nào?

- Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Trong những năm qua, huyện Bình Liêu luôn xác định kinh tế cửa khẩu là kinh tế trọng điểm của huyện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với luân chuyển cơ cấu kinh tế. Huyện đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trên khu vực cửa khẩu, đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như hoạt động kinh tế trên khu vực cửa khẩu. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên khu vực cửa khẩu tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt trong các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; thực hiện một số giải pháp để triển khai các dự án đầu tư phát triển trên khu vực cửa khẩu như: Đầu tư vào kho bãi, đầu tư vào hệ thống trung tâm thương mại, chợ, các công trình khác...

Nếu như cặp cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung (trấn Động Trung, khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) được công bố là cửa khẩu song phương thì ngoài việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, còn có các hoạt động xuất, nhập cảnh nữa. Như vậy, sẽ tạo điều kiện lớn cho huyện Bình Liêu trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, huyện sẽ có điều kiện đón các đoàn khách du lịch lớn qua cửa khẩu, cũng như thực hiện một số hoạt động kinh tế khác... Dự kiến, tháng 6-2021, việc đầu tư các công trình hạ tầng phía cửa khẩu bên Trung Quốc sẽ được hoàn thiện. Huyện Bình Liêu cũng sẽ tiếp tục phối hợp với thành phố cảng Phòng Thành để xúc tiến các hoạt động, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép công bố là cặp cửa khẩu song phương.

Xe chở hàng chờ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Hoành Mô. Ảnh: Huyền Trang

- Thưa bà, so với các khu kinh tế cửa khẩu khác, Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô-Đồng Văn có điểm gì khác biệt để có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đây?

- Để thu hút các doanh nghiệp thì có rất nhiều vấn đề như: Sự quan tâm của chính quyền với việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kinh tế của mình. Huyện Bình Liêu luôn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp như: Chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; các cơ quan chức năng ở khu vực cửa khẩu luôn cố gắng theo chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn...

Trong năm 2020, mặc dù chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Bình Liêu cũng đã có những phương án vừa thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, huyện Bình Liêu cũng đã chủ động liên hệ với phía Trung Quốc để có những cuộc hội đàm, trao đổi, bàn biện pháp tháo gỡ, để đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, cũng có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy các hoạt động thương mại cửa khẩu.

- Kể từ khi được quy hoạch thành lập đến nay, khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn đã có những đóng góp gì đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Liêu?

- Khi các hoạt động thương mại biên giới phát triển sẽ kéo theo các hoạt động khác cũng phát triển theo, như các khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi... hoặc những hoạt động phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ phụ trợ... Thu nhập của người dân khu vực biên giới từ những hoạt động đó cũng được tăng lên. Khu vực biên giới cũng có sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch. Từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch của huyện, giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân biên giới.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Thuận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO