Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 08:45 GMT+7

Cô giáo Lò Thị Kim tâm huyết bảo tồn văn hóa Thái

Biên phòng - Là giáo viên dạy Văn của Trường Trung học cơ sở Thanh Xương (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), cô giáo Lò Thị Kim có niềm đam mê, tâm huyết sâu nặng với di sản văn hóa Thái của cha ông mình. Để góp phần bảo tồn vốn quý của dân tộc, cô đã đứng ra mở lớp truyền dạy chữ Thái tại cộng đồng. Cô cũng đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn Văn hóa dân gian dân tộc Thái - Điện Biên với nhiều chương trình hoạt động giao lưu, bảo tồn văn hóa bổ ích, thiết thực, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc.

Cô giáo Lò Thị Kim dẫn chương trình trong buổi Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian lần thứ Nhất tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: Ngọc Ánh

Yêu quý di sản văn hóa dân tộc nên đi đâu, làm gì, cô giáo Lò Thị Kim cũng để ý, quan sát cuộc sống xung quanh để cảm nhận cái hay, cái đẹp trong nếp ăn, nếp ở, trong giao tiếp ứng xử, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hằng ngày của cộng đồng người Thái. Từ đó, cô có những lời góp ý chân thành, những bài viết tâm huyết chia sẻ trên diễn đàn các trang mạng xã hội như: “Tự hào vì tôi là người Thái”; “Dân tộc Thái Việt Nam”, được hàng ngàn người Thái trên cộng đồng mạng theo dõi, quan tâm, bình luận, chia sẻ.

Cô Lò Thị Kim tâm sự, dân tộc Thái có một kho tàng vô giá về di sản văn hóa dân gian mà không phải ai là người Thái cũng hiểu hết chiều sâu giá trị tinh hoa di sản ấy. Từ trong lối sống sinh hoạt, lao động, ăn mặc, ứng xử giao tiếp, lễ nghi sinh hoạt văn hóa, người Thái đều có những chuẩn mực, phép tắc riêng, hướng đến xây dựng một cộng đồng đoàn kết, văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình hội nhập, giao thoa văn hóa đã kéo theo những mặt trái của cơ chế thị trường, làm phai nhạt đi nhiều nét đẹp văn hóa của cha ông. Điều đó khiến trái tim cô đau nhói...

Ngay như bản văn hóa Ten B (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) - nơi cô sinh ra và lớn lên là một bản Thái cổ, nhưng hiện nay cũng chỉ còn khoảng 30/70 hộ còn giữ được nếp nhà sàn. Nhiều con em dân tộc Thái tuy vẫn biết nói tiếng mẹ đẻ nhưng không biết đọc, biết viết chữ Thái cổ, không biết hát dân ca Thái, không thích mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình... Nhiều lễ hội, lễ nghi sinh hoạt văn hóa của cha ông xưa, nay chỉ còn vài người cao tuổi biết hành lễ. Những người trẻ hầu như ít ai nắm được các lễ nghi trong phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Trăn trở trước nguy cơ mai một, thất truyền văn hóa dân tộc, sau khi được tham gia khóa đào tạo chữ Thái theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tổ chức, cô giáo Lò Thị Kim đã đứng ra mở lớp dạy chữ Thái cho bà con ngay tại bản mình. “Khi tôi đi vận động bà con tham gia đăng kí học chữ Thái, nhiều gia đình không muốn cho con em mình đi học. Có người thủng thẳng nói: Không cần thiết! Học chữ Thái làm gì cho mất thời gian. Thà đi học tiếng Anh, học tin học còn thực tế, có ích hơn... Nghe bà con nói vậy, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng lại nghĩ, bà con chưa hiểu thì mình phải giải thích cho mọi người hiểu. Có vài người theo học là sẽ vận động được thêm được nhiều người tham gia” - cô giáo Kim kể lại.

Và đúng như suy nghĩ của cô, sau vài buổi mở lớp, đã có hơn 60 học viên đăng ký tham gia theo học. Trong lớp học chữ Thái còn có mẹ và các cháu nội, cháu ngoại của đại gia đình cũng tình nguyện làm “học trò” của cô giáo Kim. Từ việc mở lớp dạy chữ Thái bước đầu thành công, cô giáo Kim đã có sáng kiến thành lập Hội Bảo tồn và Phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc tỉnh Điện Biên. Chạy đôn chạy đáo lo các thủ tục thành lập Hội mãi không xong, lại chuyển sang phương thức thành lập CLB, cuối cùng, giấc mơ bảo tồn văn hóa truyền thống của cô giáo Kim đã trở thành hiện thực. Ngày 18-10-2017, CLB Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên chính thức ra mắt tại thành phố Điện Biên Phủ. CLB có 65 hội viên tâm huyết tham gia, do cô giáo Lò Thị Kim làm Chủ nhiệm.

Một tiết mục văn nghệ trong Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ do cô giáo Lò Thị Kim cùng các thành viên CLB Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tổ chức. Ảnh: Ngọc Ánh

Mặc dù CLB chính thức “chào đời” trong tháng 10-2017, nhưng trước đó, cô giáo Lò Thị Kim đã phối hợp với một số nhà nghiên cứu dân tộc học, nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân và bà con dân tộc Thái tổ chức thành công buổi Giao lưu văn hóa văn nghệ, dân gian dân tộc Thái lần thứ Nhất tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Buổi giao lưu thu hút hàng trăm người yêu văn hóa Thái từ nhiều tỉnh, thành về tham dự, thưởng thức.

Năm 2018, CLB Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên đã tổ chức thành công Chương trình Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi. Cô giáo Lò Thị Kim cho biết, CLB đã phục dựng lại 6 điệu xòe cổ để biểu diễn trong dịp giao lưu. Ngoài các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ đúng bản sắc của dân tộc Thái, CLB còn tái hiện các nghi thức trong Lễ buộc chỉ cổ tay của người Thái và một số nghi lễ khác.

Tại các lễ hội, ngày hội văn hóa tại tỉnh Điện Biên, các thành viên trong CLB của cô giáo Kim đều tham gia với nhiều tiết mục đặc sắc, phong phú. Mới đây, cô giáo Kim cùng các thành viên trong CLB đã khai trương Nhà hàng Hoa Ban tại thành phố Điện Biên để giới thiệu những đặc sản ẩm thực văn hóa Thái và những tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khi khách có nhu cầu giao lưu thưởng thức văn hóa tinh thần.

Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạm lắng, cô giáo Lò Thị Kim cùng các thành viên trong CLB lại cùng nhau tập múa, tập hát để sẵn sàng biểu diễn, giao lưu khi dịch được khống chế.

Những việc làm tâm huyết với văn hóa Thái của cô giáo Lò Thị Kim được cộng đồng người Thái ở Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng trân trọng và ủng hộ.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO