Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 10:14 GMT+7

Cô gái Dao Tuyển và con đường ngược chiều tìm hạnh phúc

Biên phòng - Câu chuyện về Chảo Thị Yến, cô gái Dao Tuyển sinh năm 1990 ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đấu tranh thoát khỏi việc phải lấy chồng sớm rồi đi du học tại Đại học Gottingen (Đức) đã từng truyền cảm hứng tích cực để thay đổi cuộc đời của rất nhiều thanh thiếu niên dân tộc thiểu số. Không dừng lại ở đó, cô gái Dao tràn đầy năng lượng này hiện rất thành thạo việc sử dụng mạng xã hội để truyền đi thông điệp sống đẹp, sống có lý tưởng, góp phần bài trừ những suy nghĩ lệch lạc của cộng đồng mạng về phong tục, lối sống của người dân tộc thiểu số.

Hình ảnh gần gũi, dễ mến của cô gái người Dao Chảo Thị Yến trên mạng xã hội. Ảnh: TTH

Chảo Thị Yến cởi mở và chân thành qua từng chia sẻ của cô về niềm hy vọng muốn dùng mạng xã hội để khích lệ sự hiếu học, ham hiểu biết, ý chí và truyền bá phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao. Sinh ra ở một bản làng heo hút tên là Ngám Xá, ở xã Nậm Chạc giáp biên giới Việt – Trung, người Dao cùng với các dân tộc khác như Mông, Giáy ở đây chủ yếu là các hộ nghèo, trẻ em ít học và lao động sớm, kết hôn sớm.

Chảo Yến là đại diện cho thế hệ con em dân tộc thiểu số thời đại mới, đã có thể tiếp cận với giáo dục tốt, nền tảng gia đình có văn hóa. Yến quyết tâm đi ngược chiều trên con đường riêng của mình, không “ở nhà lấy chồng” mà thi vào Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, sau đó giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus và được đào tạo thạc sĩ quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Trường Đại học Gottingen (Đức). Tất cả như một giấc mơ và Chảo Yến bây giờ có thể làm chủ được cuộc sống của mình, suy nghĩ của mình. Em là một cô gái tiến bộ, năng động, thích hoạt động xã hội và đặc biệt là có năng lực thu hút, lan tỏa và tạo ảnh hưởng lên cộng đồng.

Chảo Yến tâm sự: “Cách đây 3 tháng, em phát triển một kênh video ngắn khi em thường xuyên đi làm xa nhà, không quen ai, có nhiều thời gian rảnh hơn. Em tự quay các video, tự đạo diễn, lên kịch bản, tự cắt dựng, chỉnh sửa rồi đăng lên mạng. Tất cả là do em tự học, tự mày mò cách làm. Lúc làm, em chỉ nghĩ muốn câu chuyện của mình đến với những bạn trẻ, đặc biệt là các bạn dân tộc thiểu số. Em cũng muốn giới thiệu văn hoá miền núi, cụ thể là văn hóa của người Dao để người miền xuôi hiểu đúng hơn về người miền núi. Em muốn các bạn dân tộc thiểu số bớt tự ti về nguồn gốc xuất thân của mình, bởi vì tự ti sẽ tạo điều kiện cho người khác kỳ thị, sẽ mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống”.

Chảo Yến hiện đang làm việc cho một tổ chức của Hà Lan tài trợ về nông nghiệp bền vững. Công việc khá bận và em phải tranh thủ nhiều thời gian hơn để thực hiện các mục tiêu truyền thông mà cá nhân mình đã đặt ra. Đầu tiên, Yến chia sẻ về chuyện đi du học của mình, bao gồm chặng đường đi và cách học tiếng Anh. Thứ hai là những hiểu lầm về người dân tộc thiểu số. Những mẹo dân gian của người Dao, thực hành đời sống văn hóa của người Dao.

Đặc biệt là một chuỗi câu chuyện có kịch bản về “câu chuyện chú xe ôm và mẹ tôi”. Đây là một series video ngắn kiểu “khôn ở phố, ngố ở quê” do chính Chảo Yến viết kịch bản, đóng vai chú xe ôm, xong lại đóng vai người mẹ, rồi diễn cả vai chính mình nữa. Những video này còn đòi hỏi khả năng diễn xuất và năng lực nắm bắt kỹ thuật, sự hiểu biết về truyền thông mạng xã hội. “Quan trọng là phải hài hước thì video mới có nhiều người xem và mục đích truyền thông mới đạt được” - Chảo Yến cho hay. Có những video Yến lên kịch bản là chú xe ôm mời người phụ nữ Dao: Bà ơi đi xe ôm không? Người phụ nữ trả lời: Đi xe máy thôi, không ôm đâu. Tìm ra tính đúng đắn của từ ngữ giao tiếp, cách hành xử đúng hằng ngày chỉ qua một vài chi tiết nhỏ là cái tài của Chảo Yến, sự thông minh rất đáng ngạc nhiên của cô gái Dao.

Sau một thời gian ngắn làm video đăng trên mạng xã hội, Yến nhận được rất nhiều lời khen ngợi. “Người lớn thì nói cảm ơn vì giúp họ nhớ về tuổi thơ, còn các bạn trẻ thì cảm ơn vì tiếp thêm động lực cho họ và cũng có những người miền xuôi cảm ơn vì đã giới thiệu văn hóa miền núi cho họ biết hơn. Có các cô, các chú lớn tuổi cũng vào bình luận là “cố giữ gìn văn hoá cháu nhé”. Có người còn kể cho tôi nghe những câu chuyện của họ, nhờ tôi nói cho mọi người biết để tránh, để học. Tôi thấy mình được ủng hộ, được khích lệ nên càng cố gắng hơn. Sắp tới tôi sẽ theo đuổi việc phát triển các câu chuyện trên mạng xã hội, cả video ngắn nữa. Vì còn rất nhiều chuyện để nói. Có những vấn đề khó về văn hóa, lối sống tôi mới chỉ chạm vào một ít, chưa đủ” - Yến chia sẻ.

Chảo Yến là cô gái Dao đầu tiên của xã biên giới đi du học ở châu Âu. Chính cô đã viết và cho ra mắt cuốn tự truyện “Đường ngược chiều - Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” viết về con đường khó nhọc vượt qua mọi rào cản để đi du học. Thấm thía nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, có lúc phải đi làm thuê, bốc vác ở cửa khẩu để ước mơ của Yến được chắp cánh, Yến càng quyết tâm trở thành một ngôi sao sáng trong học tập và cống hiến. Cô được giao tiếp với bạn bè khắp thế giới, học được nhiều phương pháp nâng đỡ các cộng đồng dân tộc thiểu số. Bản thân cô cũng theo đuổi một ngành nghề nắm giữ tương lai của miền núi là nông nghiệp bền vững. Đi từ những điều nhỏ nhất và lấy chính cuộc đời mình làm niềm khích lệ, động viên người khác, Chảo Yến mềm mỏng, kiên trì giải thích, giải nghĩa những điều lựa chọn đúng cho cuộc sống.

Theo dõi Chảo Yến trên mạng có rất nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số không chỉ dân tộc Dao mà còn có các dân tộc thiểu số khác. Họ tìm thấy ở Yến một hy vọng lớn để nỗ lực. Không có điều gì là không thể, kể cả việc xuất thân từ một cô bé chỉ biết nói tiếng Dao, không nói thạo tiếng Việt, tiếng Anh đến việc du học nhiều nước châu Âu và trở về với một tâm thế mới, con người mới, khao khát cống hiến và có tầm tri thức mới, một tấm lòng vì cộng đồng.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO