Biên phòng - Mùa dịch thứ 4 năm Covid-19 thứ 2, đồng đội của chúng tôi vẫn miệt mài nơi chốt vắng. Mọi khó khăn đã dần được khắc phục khi các tổ, chốt cơ bản được kiên cố hóa để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lính nơi rừng thiêng nước độc. Những lực lượng được tăng cường lên chốt như Công an, Quân sự địa phương, Dân quân tự vệ… đã khiến cho màu áo lính trên vành đai chống dịch nơi biên cương đa dạng hơn, vui mắt hơn và chia sẻ, đỡ “gánh nặng đường dài” cho nhau được nhiều hơn.
Vừa tất bật lập danh sách những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ ứng trực tại gần 2.000 điểm chốt Biên phòng, đồng nghiệp của tôi, Đại úy Vũ Minh Phương, Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP vẫn bật nhạc nho nhỏ. Câu hát thoảng qua “anh phiêu du, có tim em là nhà” khiến tôi bất giác nghĩ đến tình yêu và sự hi sinh, chịu đựng của những người vợ lính giữa thời bình.
Tôi tự hỏi, nếu không có những người phụ nữ dám dấn thân, dám yêu và hi sinh vì tình yêu như các chị, thì liệu những người đàn ông áo lính đang mê mải nơi thao trường, bãi tập nắng rát, giữa đường biên sương giăng tuyết phủ hay trùng khơi ngàn trùng sóng vỗ kia có thể hoàn toàn an tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được không? Câu trả lời vẫn là có, nhưng cái sự có ấy nó sẽ trĩu buồn hơn và xót xa hơn.
Đến với BĐBP Sơn La, chúng tôi được nghe kể về một người mẹ, người vợ lính Biên phòng giỏi việc nước, đảm việc nhà. Chị Phạm Thị Dinh ở tổ 1, phường Chiềng An, thành phố Sơn La không chỉ nổi tiếng là một cô giáo vùng cao tận tụy, mà còn là một hậu phương có “thâm niên” 27 năm vững vàng. Năm 1994, cô giáo Dinh nên duyên với anh quân y Biên phòng Tạ Đức Mạnh ở xã biên giới Chiềng Tương thuộc huyện Yên Châu. 14 năm sau, do điều kiện công tác, gia đình của họ chuyển về thành phố, anh vẫn công tác tại Đồn Biên phòng Chiềng Tương, còn chị chuyển về dạy tại Trường Tiểu học Lóng Phiêng A, xã Lóng Phiêng.
Đồng lương ít ỏi của anh quân nhân chuyên nghiệp và cô giáo vùng cao chỉ vừa đủ nuôi hai con ăn học, chị Dinh tranh thủ tăng gia tại nhà, tại trường, vừa cải thiện bữa cơm cho gia đình và bữa cơm cho đàn em thơ trên bản nhỏ. Hai cậu con trai lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của người mẹ tảo tần, đều mong ước trở thành bộ đội.
Sau 27 năm về chung một nhà với lính Biên phòng, chị Dinh giờ đã là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lóng Phiêng A, được các giáo viên, học sinh và bà con vùng biên yêu quý. Chị tự hào vì mình là vợ của một Thiếu tá quân y và là mẹ của một Trung úy trinh sát quân hàm xanh. Con trai lớn của chị là Trung úy Tạ Đức Hải, đang công tác tại Đồn Biên phòng Phước Tân, BĐBP Tây Ninh, là một cán bộ gương mẫu. Suốt 2 năm qua, chồng và con của chị Dinh đã cùng đồng đội trực chiến tại đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Chị tâm sự: “Trong những ngày này, cả gia đình mỗi người một nơi, những bữa cơm luôn thiếu vắng các thành viên. Qua điện thoại, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng để chung tay phòng, chống dịch”. Ánh mắt rạng rỡ của chị vẫn sáng ngời, như cô giáo trẻ ngày nào chọn người lính Biên phòng làm chồng, như thể nỗi nhớ thương, lòng tin yêu và niềm tự hào về chồng, con mình nơi biên giới chưa bao giờ vơi cạn.
Một người vợ lính khác mà chúng tôi muốn được sẻ chia là chị Lê Thị Thu, vợ của Thiếu tá Hoàng Minh Thiết, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị. Trong một đêm tuần tra giữa cái nóng quay quắt của gió Lào, anh đã kể cho chúng tôi nghe về mối tình đẹp nhưng trắc trở của mình. Người lính quê ở miền đất Triệu Vân ấy đã bén duyên cùng cô thôn nữ xã bên và họ nên duyên vào năm 2013. Nhưng thật không may, họ bị hiếm muộn. Người vợ thủy chung, đôn hậu ấy vẫn kiên trì giữ lửa hôn nhân, động viên anh cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Mãi tới năm 2019, trời không phụ lòng người, chị sinh được hai thiên thần nhỏ một trai, một gái, mang tên Hoàng Lê Thanh Tâm và Hoàng Lê Minh Tâm.
Vậy nhưng, thử thách vẫn chưa dừng lại đối với người mẹ ấy. Dịch bệnh bùng phát, người chồng căng mình trên biên giới, còn chị xoay như chong chóng với công việc và chăm sóc con thơ. Bé trai mắc bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe rất yếu, cần phải phẫu thuật sớm cũng một tay chị đưa đi thăm khám ở nhiều bệnh viện. Khi bé được mổ tim thành công và xuất viện, anh cũng không thể về đón con. Trăm sự ở nhà lại dồn lên vai vợ và ông bà nội ngoại. Mỗi lần chồng gọi điện về, chị Hoa lại để cận màn hình để cha con nhìn rõ mặt nhau, còn bản thân rơm rớm nước mắt khi nghe anh dặn dò con nhỏ: “Con ơi ngoan nhé, hết dịch ba sẽ về!”.
Mà chẳng nói đâu xa, Đại úy Vũ Minh Phương mà tôi nhắc đến ở đầu bài viết cũng là một người vợ lính như thế. Chồng Phương hiện công tác tại Đồn Biên phòng Bát Xát, BĐBP Lào Cai nên kể từ ngày cưới đến nay, đôi vợ chồng lính này chả khác vợ chồng ngâu là mấy. 8 năm bộ đội “chồng” công tác xa nhà là 8 năm bộ đội “vợ” vừa tất bật với nhiệm vụ chuyên môn, chăm lo hai bên nội ngoại và nuôi dạy hai cậu con trai trứng gà, trứng vịt.
“Có những tình yêu mang tên Tổ quốc. Có những trái tim mang tên thủy chung. Có những nỗi nhớ mang tên hậu phương. Và có những chàng trai mang tên người lính...”. Đồng đội của chúng tôi vẫn đang ngày đêm trên chốt, lăn lộn trong những khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, để lại những lo toan cuộc sống trên đôi vai mềm của người vợ chốn hậu phương. Chỉ mong dịch bệnh chóng qua, thiên tai giảm bớt để những “vọng phu thời bình” có nhiều thêm những đêm được gối đầu tay, những ngày quấn quýt đưa nhau đi chợ, cùng nhau sửa lại cánh cổng, rào lại mảnh vườn cho tổ ấm bình dị của họ và có nhiều thêm những bữa cơm gia đình đông đủ. Và cầu chúc cho những người phụ nữ chân yếu, tay mềm ấy sẽ luôn vững vàng như điểm tựa bất khả xâm phạm của người lính Biên phòng.
Đặng Tuệ Lâm