Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 29/03/2023 10:59 GMT+7

Cô đỡ thôn bản tận tâm

Biên phòng - “Nụ cười của những bà mẹ và em nhỏ, niềm vui của buôn làng chính là động lực lớn để tôi gắn bó với công việc của cô đỡ thôn bản” - Chị Y Ngọc, dân tộc Xê Đăng, đến từ thôn Kạch Lớn II, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum chia sẻ.

05i8_5a
Cô đỡ thôn bản Y Ngọc tại Hội nghị biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu năm 2018. Ảnh: Thùy Trang 

Xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện 33km, đường sá đi lại rất hiểm trở. Dân số của xã có hơn 3.100 người, với 100% số dân là dân tộc Xê Đăng. Xã có 10 thôn, trong đó, 7 thôn cần phải có cô đỡ thôn bản vì đường xa xôi, phong tục lạc hậu. Cô đỡ thôn bản Y Ngọc chia sẻ, phụ nữ trong xã khi mang thai thường ít đến cơ sở để khám thai, khi đẻ thì theo tập quán đẻ tại nhà, nhờ người thân đỡ đẻ. Ngoài ra, đồng bào còn nhiều phong tục chăm sóc cho trẻ sơ sinh, trẻ em chưa đúng như: Không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm, ăn bổ sung quá sớm khi mới 2-3 tháng tuổi nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ ốm đau không đưa đến trạm y tế khám và điều trị sớm, không được chữa trị kịp thời nên có trẻ tử vong.

Khi Y Ngọc còn nhỏ, chưa trở thành cô đỡ thôn bản, chị từng chứng kiến những ca sản phụ tử vong rất thương tâm ngay chính tại gia đình. Đã mấy chục năm, gia đình Y Ngọc chưa nguôi ngoai trước cái chết của dì ruột Y Ngọc. Y Ngọc rớm nước mắt khi nhắc về ca sinh nở thương tâm của dì: Ngày đó, thôn chị chưa có cô đỡ thôn bản, người dân cũng như gia đình chị vẫn giữ nguyên tập quán cũ: Đẻ tại nhà với những dụng cụ thô sơ, cắt rốn trẻ sơ sinh bằng nứa và dao.

Ngày dì ruột chuyển dạ, lòng chị tuy nóng như lửa đốt nhưng xen lẫn niềm khấp khởi, hân hoan vì gia đình sắp đón thêm thành viên mới. Nhưng nào ngờ, dì Y Ngọc chuyển dạ, hạ sinh thành công em bé, nhưng chẳng may sót nhau thai sau sinh, khiến sản phụ băng huyết, sau đó tử vong. Theo phong tục của quê hương Y Ngọc, khi người mẹ mất sau sinh, đứa trẻ sơ sinh sẽ bị đè cục đá hoặc cục sắt lên người, nếu sống sót qua 1 đêm thì mới được chăm sóc và nuôi dưỡng. Thành viên mới của gia đình Y Ngọc sau đó sống được 3 tháng thì cũng theo mẹ qua đời. Rồi mấy năm sau đó, chị ruột Y Ngọc cũng qua đời vì sót nhau thai sau sinh nở. Ngày đó thương dì, thương chị, thương cháu nhưng Y Ngọc chưa biết làm thế nào, nói làm sao để mọi người nghe và thay đổi nhận thức, hành động trong tập quán sinh đẻ.

Sau khi học xong phổ thông cơ sở, được nghe về lớp học Cô đỡ thôn bản, Y Ngọc đã mạnh dạn tham gia. Ý định từ lúc còn niên thiếu được nung nấu và giờ là lúc có cơ hội. Từ tháng 4-2009 đến tháng 10-2010, Y Ngọc không quản xa xôi lặn lội về thành phố Hồ Chí Minh, tham gia khóa học Cô đỡ thôn bản trong vòng 6 tháng, tại Bệnh viện Từ Dũ. Được tiếp cận những kiến thức và kỹ năng khoa học, Y Ngọc học tập rất hăng say. Chị tận dụng tối đa thời gian học tại Bệnh viện Từ Dũ với mong muốn, khi về thôn sẽ thực hành tốt. Tại Bệnh viện Từ Dũ, chị cùng rất nhiều chị em là người dân tộc thiểu số được đào tạo về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em và nhiều nội dung khác.

Từ khi đi học về, Y Ngọc đã tuyên truyền cho gia đình, bà con trong thôn, xã dần dần bỏ những tập tục lạc hậu. Y Ngọc còn nhớ những ngày đầu đi bộ cả mười mấy cây số đến tận nhà, gặp những người phụ nữ mang thai đang đi làm rẫy để tuyên truyền về chăm sóc bản thân khi mang thai, an toàn khi sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh, chị đã gặp phải sự phản đối của bà con. Xác định rõ tập tục từ đời cha ông để lại rất khó có thể thay đổi, Y Ngọc luôn kiên trì và phân tích tỉ mỉ, thấu đáo để bà con dần hiểu và thực hiện.

Gần chục năm Y Ngọc làm Cô đỡ thôn bản kiêm nhân viên y tế thôn bản của thôn Kạch Lớn II, xã Đăk Sao, những vui buồn của công việc đối với chị cũng nhiều. Chị nói: “Năm ấy, tôi mới làm Cô đỡ thôn bản. Trên đường đưa con tới trường, tôi được người nhà sản phụ gọi tới rất gấp. Vừa tới nơi, qua thăm khám đã thấy sản phụ bắt đầu sinh nở, bị băng huyết nhiều. Đây là lần thứ 3 sản phụ sinh nở, nên sức khỏe đã yếu, cộng với việc ra rất nhiều máu khiến mặt sản phụ tái nhợt đi. Thiếu thốn dụng cụ y tế, thời gian gấp gáp và tình trạng sản phụ đã vô cùng nguy kịch, nhưng tôi đã xử lý bước đầu rất bình tĩnh và chính xác. Đồng thời, tôi nhờ người gọi cán bộ y tế ở trạm và xe cấp cứu lên giúp. Sản phụ ngay sau đó được chuyển lên tuyến trên và được cứu chữa kịp thời”.

Y Ngọc cho biết: Mỗi năm chị đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến nhà hộ sinh. Riêng năm 2010, chị đỡ đẻ nhiều nhất, khoảng 50 ca. Chị còn hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho bà mẹ và trẻ em. Đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chị còn tư vấn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, góp phần giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tại thôn Kạch Lớn II từ 35% năm 2009 xuống còn 8,7% năm 2017.

Đối với các bà mẹ trong thai kỳ, Y Ngọc đã thăm khám giúp chị em phát hiện thai sớm, kiểm tra sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi, phát hiện những trường hợp thai có dấu hiệu bất thường. Riêng năm 2017, chị đã thực hiện 132 lượt khám thai, phát hiện 2 bà mẹ có nguy cơ, chuyển lên tuyến trên khám và điều trị kịp thời. Y Ngọc còn tích cực vận động các bà mẹ đến trạm y tế để khám thai và sinh đẻ.

Những nỗ lực tuyên truyền, vận động của chị suốt nhiều năm qua đã được đền đáp. Tỉ lệ bà mẹ có thai trên địa bàn đi khám từ 50% năm 2009 tăng lên 93% năm 2017; tỉ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 20% năm 2009 lên đến gần 70% năm 2017. Đó là những con số rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, miệt mài, sự tận tâm và lòng nhiệt huyết của những Cô đỡ thôn bản như Y Ngọc, giữa nơi khó khăn và xa trung tâm huyện như xã Đăk Sao.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO