Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Có chúng tôi, người lính trong lòng dân

Biên phòng - Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay cùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng đã phát động đợt thi đua đặc biệt “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid 19". Theo đó, đã có nhiều cuộc xuất quân tăng cường lực lượng quân y vào miền Nam với khí thế khẩn trương, sôi nổi và với quyết tâm cao nhất của người lính.

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 BĐBP thành phố Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái sang) thăm, động viên các cán bộ quân y do Bộ Tư lệnh BĐBP điều động tăng cường cho BĐBP thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thắng

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang trải qua giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vô cùng phức tạp kể từ đầu tháng 5-2021 đến nay. Tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị với người dân đều đang đối diện với những khó khăn chồng chất. Các lực lượng tuyến đầu làm việc hết sức mình không quản ngày đêm. Mệnh lệnh sống còn trong lúc này là phải quyết khống chế được dịch bệnh. Đó không chỉ là quyết tâm và mục tiêu cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh, của các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, mà còn là nhiệm vụ của cả đất nước.

Vì vậy, quyết định đưa Quân đội cùng phối hợp với các lực lượng chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là vô cùng đúng đắn và cần thiết.

Bởi, ngay từ giai đoạn đầu dịch bùng phát ở Việt Nam, Quân đội luôn là đội quân nòng cốt, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch trên phạm vi cả nước với nhiều lực lượng, phương tiện, nhiều biện pháp quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả. Quân đội đã và đang đảm đương hàng loạt nhiệm vụ, từ kiểm soát biên giới, vận hành các khu cách ly tập trung, thực hiện khử khuẩn, tiến hành công tác hậu cần, tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân, cho tới sàng lọc, điều trị và hỗ trợ hậu sự cho bệnh nhân tử vong.

Bộ đội vốn luôn được người dân tin yêu. Họ hành động vì nghĩa vụ, vì đất nước cần họ chứ không phải theo lựa chọn hoặc điều kiện. Họ lấy sự chính quy, thống nhất và kỷ luật của Quân đội để phụng sự nhân dân, từ những việc lớn như đánh giặc, cứu người, đến gặt lúa, dựng nhà, dọn dẹp, chuyển đồ, đỡ đẻ...

Suốt gần 2 năm qua, hơn 1.900 tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 đã kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đã căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, từ biên giới, hải đảo đến khu cách ly, từ bệnh viện đến nhà hỏa táng... Họ chia cơm sẻ áo, nhường dân nơi ăn, chốn ở, vác tăng võng vào rừng; xông pha chống chịu mọi tai ương để bảo vệ nhân dân.

Không chỉ lực lượng nơi tuyến đầu, nhiều quân khu, quân đoàn, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành đã có cách làm sáng tạo, mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân - dân "cá nước" như hiến máu tình nguyện, tổ chức các “Gian hàng 0 đồng”, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp giúp nhân dân thu hoạch nông sản tại vùng dịch bệnh...

Đặc biệt, hình ảnh những chiến sĩ trẻ vừa kết thúc khóa huấn luyện, tay xách nách mang mớ rau, mớ tép, túi hành... đến từng nhà người dân trong khu phong tỏa... gây ấn tượng đẹp trong lòng dân. QĐND Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Vì thế, Quân đội không chỉ làm nhiệm vụ chính yếu là huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp nhân dân vượt qua dịch bệnh, thiên tai, thảm họa. Việc Quân đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lần này chính là sự tiếp nối của tinh thần gắn bó mật thiết giữa quân và dân Việt Nam trong lịch sử.

Tính chung đợt 4 này, có khoảng 10.000 cán bộ, chiến sĩ, phương tiện trong lực lượng Quân đội hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Động viên các đội quân Nam tiến vì nhiệm vụ cao cả, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Bộ đội sẽ chủ động đến với dân chứ không chờ dân khó khăn phải tìm đến bộ đội”.

Dẫu biết khi lên đường vào tâm dịch là phải đối diện với khó khăn, thử thách và cả hiểm nguy, thế nhưng, hàng trăm lá đơn tình nguyện vẫn được viết nên bằng bầu nhiệt huyết nóng bỏng. Trong số đó, có những người hiếm muộn chưa một lần được làm cha, có người hoãn cưới đến 2 lần, có người vợ sinh con chưa về thăm, có người bố mẹ mất chỉ lập bàn thờ vái vọng từ điểm chốt... Nay, các anh lại sẵn sàng lên đường chia lửa với quân và dân miền Nam với tâm thế: Đây là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình, nêu cao tinh thần quyết tâm, phát huy phẩm chất đạo đức của người lính.

QĐND Việt Nam có 3 chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Cả 3 chức năng này đã được thể hiện rõ rệt trong đợt dịch thứ 4, khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những buổi lễ xuất quân chính là biểu hiện cho tinh thần sẵn sàng chi viện cho các điểm nóng của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, QĐND Việt Nam đang là lực lượng quan trọng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những người lính đó, họ là ai? Trước tiên, họ là công dân nước Việt Nam, sau đó, họ là con, là cháu, là anh, là em, là chồng, là cha... của hàng triệu gia đình. Điều khác biệt ở đây là gì? Là khi đã chọn ngôi sao trên mũ, quân hàm đeo trên vai, người lính đã chọn cho mình một nghề cao quý: Nghề bảo vệ Tổ quốc.

Thu Hòa

Bình luận

ZALO