Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Cơ chế một cửa quốc gia

Biên phòng - Theo Tổng cục Hải quan, sau hơn 6 năm đi vào vận hành chính thức, số bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) tăng gấp 4 lần, lượng thủ tục hành chính tăng 39 lần, số doanh nghiệp tham gia tăng khoảng 23 lần.

Cụ thể, tính đến ngày 20-9-2021, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với 13 bộ, ngành thực hiện kết nối 235 thủ tục hành chính tham gia NSW và đã tiếp nhận xử lý khoảng 4,1 triệu bộ hồ sơ của gần 49.500 doanh nghiệp tham gia.

Ngành Hải quan cũng tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử với 9 nước ASEAN thông qua Cơ chế một cửa ASEAN. Lũy kế đến thời điểm này, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 412.177 C/O, Việt Nam gửi sang các nước 1.078.404 C/O. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Từ ngày 1-10-2021, Việt Nam kết nối trao đổi chính thức thông tin tờ khai hải quan xuất khẩu điện tử.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, NSW, Cơ chế một cửa ASEAN đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút ngắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D thông qua Cơ chế một cửa ASEAN với 4 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai NSW trong thời gian qua, doanh nghiệp đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh công bố trong các năm từ 2018 - 2020, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì.

Thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng chiếm trên 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chi phí kiểm tra chuyên ngành cao... Thế nên, Chính phủ cần sớm triển khai kết nối, tích hợp Cổng Thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai nghiêm túc NSW, Cơ chế một cửa ASEAN sẽ phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu, làm thỏa mãn mức độ hài lòng của doanh nghiệp.

Do vậy, các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ cần phải xuất trình; công bố bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại; chuyển đổi phương thức kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO