Biên phòng - Hai năm trở lại đây, Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện các lực lượng vũ trang của quân đội. Tiến trình cải tổ hiện đã bước sang giai đoạn mới khi Trung Quốc công khai các cải cách tổ chức đối với toàn lực lượng quân đội.

Những cải tổ này nhằm tăng cường sự quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với lực lượng quân đội, tăng cường khả năng tác chiến phối hợp và cải thiện khả năng chiến đấu trong các cuộc xung đột khu vực với cường độ cao và trong thời gian ngắn với cự ly xa đất liền. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm cách thức nhằm thúc đẩy sự phát triển của quân đội và các ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện các tham vọng, tạo vị thế vượt trội và mở rộng ảnh hưởng quốc tế.
Trung Quốc có lực lượng quân đội đông nhất thế giới, với khoảng 2,3 triệu quân nhân thường trực, 800.000 người trong lực lượng dự bị và dân quân. Đây là quân thường trực lớn nhất thế giới và gồm 5 lực lượng: lục quân, hải quân, không quân, tên lửa chiến lược và chi viện chiến lược. Trong thời chiến, lực lượng cảnh sát vũ trang sẽ là một nhánh của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Mới đây Trung Quốc thông báo kế hoạch cắt giảm số quân thường trực của lục quân thuộc PLA. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cắt giảm quân số của lục quân xuống dưới 1 triệu quân, cũng là kế hoạch cắt giảm quân số lớn nhất lịch sử nước này. Như vậy, quân đội Trung Quốc sẽ không còn là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới tính theo quân số.
Theo PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cấu trúc quân đội kiểu cũ, với lục quân chiếm thế đa số, sẽ được thay thế sau cuộc cải tổ. Tuy cắt giảm quy mô lục quân nhưng PLA sẽ tăng thêm quân số cho các lực lượng hải quân, tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược, còn lực lượng sẵn sàng chiến đấu của không quân sẽ giữ nguyên. Việc cắt giảm các quân đoàn sẽ ảnh hưởng tới khoảng 200.000 binh sỹ.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chỉ huy của Quân đội Trung Quốc. PLA không chịu sự cai quản của Quốc vụ viện mà chịu sự cai quản của hai Ủy ban Quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương).
Về mặt lý thuyết, tất cả công dân của Trung Quốc có trách nhiệm phải đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thi hành nghĩa vụ quân sự với PLA là tự nguyện. Tất cả công dân 18 tuổi đều phải đăng ký với nhà cầm quyền. Trừ một ngoại lệ dành cho các tân sinh viên đại học là phải tham gia đợt tập huấn quân sự (thường kéo dài một tuần hoặc hơn) trước khi bắt đầu học đại học hoặc sau đó một năm. Thời hạn phục vụ trong lục quân là 36 tháng, trong không quân và hải quân là 48 tháng, trong lực lượng tên lửa chiến lược không ấn định thời hạn.
Lực lượng lục quân của PLA có 1,25 triệu quân nhân chia thành 18 tập đoàn quân, mỗi tập đoàn quân tương đương 1 quân đoàn Mỹ. Mỗi tập đoàn quân gồm từ 2 tới 5 sư đoàn bộ binh và cơ giới. Những lực lượng trên bộ này đa phần để phòng thủ trong nước. Đối với việc triển khai sức mạnh bên ngoài biên giới, Trung Quốc có 3 sư đoàn không vận, 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến.
Hải quân Trung Quốc có 255.000 thủy thủ và 10.000 lính thủy đánh bộ thuộc quân số biên chế. Hải quân PLA chia thành Hạm đội Bắc, Đông và Nam. Họ sở hữu 1 tàu sân bay, 23 khu trục hạm, 52 hộ tống hạm, 49 tàu ngầm tấn công diesel và 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trung Quốc có ít nhất 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin, đại diện cho sức mạnh răn đe của Bắc Kinh trên biển.
Không quân PLA có 330.000 quân nhân thường trực bố trí trong hơn 150 căn cứ của không quân và căn cứ hàng không của hải quân. Không quân PLA và lực lượng hàng không của Hải quân PLA cùng sở hữu 1.321 chiến đấu cơ và máy bay tấn công, bao gồm hàng trăm chiếc J-7, cộng 134 máy bay ném bom hạng nặng và máy bay chở nhiên liệu, cùng với 20 máy bay cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng vận hành hơn 700 trực thăng chiến đấu.
PLA có quân đoàn “Pháo binh thứ 2” – một nhánh độc lập phụ trách các tên lửa thông thường và hạt nhân trên bộ. Lực lượng này có từ 90.000 đến 120.000 nhân viên, chia làm 6 lữ đoàn tên lửa. Quân đoàn Pháo binh thứ 2 có hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường với cự ly bắn xấp xỉ 1.000km, 300 tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường, và ước tính khoảng 120 tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, ước tính ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 vào khoảng 188 tỷ USD, tức bằng khoảng 9% tổng chi phí quân sự toàn cầu và gần bằng một nửa tổng chi phí của châu Á.
Giới phân tích quốc phòng Trung Quốc khẳng định thu nhỏ lục quân và tập trung cho các quân chủng khác sẽ giúp Bắc Kinh tối ưu hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ, tăng cường khả năng thực hiện các chiến dịch ở nước ngoài.
Nguyễn Trung