Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 12:36 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Biên phòng - Ngày 11-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững - Những thách thức và động lực mới".

hieu6790
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới". Ảnh: CTV

Phát biểu tại phiên đối thoại chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là diễn đàn hết sức quan trọng để những người làm chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng thẳng thắn trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm về diễn biến kinh tế vĩ mô và thực trạng kinh tế Việt Nam; đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ tháo gỡ những nút thắt và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu đề ra.

“Năm 2017, Việt Nam có mức tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Đồng thời, cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng. Củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Thách thức lớn nhất của chúng ta là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để thoát khỏi bẫy thu nhập thấp, tăng trưởng hằng năm phải ở cận trên đạt 6,7%. Chất lượng tăng trưởng phải nâng lên, năng suất lao động xã hội cao hơn hẳn, các chỉ số môi trường luôn được cải thiện rõ rệt hơn; xã hội yên bình, an ninh an toàn hơn. Mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế phải có cuộc sống tốt hơn cả vật chất và tinh thần. Nền kinh tế phải có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn”. - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh, tế xã hội. Tuy nhiên, không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới, dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo. Nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ... Do đó, tại Diễn đàn này các chuyên gia, các nhà khoa học có sự trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chia sẻ quan điểm sâu sắc về những bài học kinh nghiệm, những mô hình phát triển và động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, từ đó giúp Đảng và Chính phủ tìm ra những sáng kiến, những chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

“Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon chứ không phải là một cuộc chạy nước rút. Những kết quả đạt được trong năm 2017 chỉ là cơ sở để chúng ta có thể tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền móng đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn trong dài hạn” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trong cuộc đối thoại với các đại biểu diễn ra sau đó, trước câu hỏi về các giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, tình trạng biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, thúc đẩy cái cách hành chính, giảm chi phí tốt hơn, từ chi phí đầu tư, chi phí cho doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đặc biệt, xây dựng nền giáo dục quốc gia đổi mới, phù hợp với sự phát triển.

Viết Hà 

Bình luận

ZALO