Biên phòng - Những ngày mưa gió cuối tháng 12-2017, đoạn đường từ cửa khẩu A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế sang bản Ka Lô của nước bạn Lào càng trở nên lầy lội. Nhưng sự khó khăn đó không làm cách ngăn lòng hướng về Ka Lô. Dẫn đầu đoàn công tác sang thăm và tặng quà cho dân bản, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu quyết tâm “phải cố gắng đi qua thăm đồng bào, xe 1 cầu không đi được thì đi xe 2 cầu”.

Vào những ngày Đông lạnh giá, đứng từ cửa khẩu A Đớt nhìn sang, phía Lào mù mịt trong mây phủ. Thỉnh thoảng mới có bóng người co ro trong giá rét, trên người chỉ khoác một manh áo mỏng đi sang Việt Nam để mua thực phẩm và hàng tiêu dùng. Từ bản Ka Lô của bạn sang Việt Nam, quãng đường tương đối thuận lợi, người dân tiếp cận với nguồn hàng hóa, dịch vụ phong phú. Từ Ka Lô đi sâu vào trong để đến trung tâm huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông thì phải vượt chặng đường hàng trăm km.
Đối với đồng bào và chính quyền huyện A Lưới, bản Ka Lô bên nước bạn giống như “người anh em” vẫn đang sống cuộc đời nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, huyện A Lưới đã nhiều lần tổ chức hỗ trợ cho bản Ka Lô các loại gia súc, gà giống, ngô lai VN 10 F1, bình bơm thuốc chăm sóc cây, giống ớt chỉ thiên, xây dựng cầu Ka Lô... BĐBP Thừa Thiên Huế đã cử cán bộ, chiến sĩ sang bạn tổ chức xây dựng cho đồng bào 42 căn nhà hữu nghị và một trường học rộng 90m2.
Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết, chuyến đi này, đơn vị mang tiền hỗ trợ thường xuyên sang cho 3 cháu. Đường đi lại khó nên gửi luôn 2 tháng.
Sáng 26-12, từ khi đoàn xe đi qua cửa khẩu A Đớt, sóng điện thoại tắt ngấm và những con đường lầy lội bắt đầu hiện ra. Từ cột mốc đại 666 đến Đồn Công an Lào và Đại đội bảo vệ biên giới 531 của bạn có đoạn đường ngắn trải bê tông, khổ rộng chưa đầy 2m. Hết đoạn đường này, đoàn xe bắt đầu vào cung đường bùn lầy và vượt qua con suối từng nhiều lần suýt cuốn trôi xe của anh em Biên phòng sang công tác. Thượng tọa Thích Tâm Phượng, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo huyện A Lưới, thành viên trong đoàn chép miệng nói: “Qua đây mới thấy, bên mình bây chừ là sướng rồi, bà con bên ni cực quá”.
Đoàn công tác đến thăm và tặng quà cho 2 đơn vị đầu tiên ở biên giới là Đồn Công an Tà Vàng và Đại đội bảo vệ biên giới 531. Doanh trại công an và quân đội chỉ là một dãy nhà cấp 4, còn lại là toàn bộ nhà tạm, tường bằng phên trát đất. Đối diện đơn vị là một xóm gia binh với những ngôi nhà tạm, trong đó có vài căn nhà xiêu vẹo.
Trung tâm của bản Ka Lô là một ngôi trường nằm trên gò đất cao, đối diện với bản Ka Lô đang chìm trong cảnh bùn lầy ngập ngụa khắp lối. Những chiếc xe vẫn còn nóng hổi hơi máy sau khi vượt qua quãng đường bùn lầy dài 10km. Vậy nhưng đến điểm cuối cùng là sân trường của bản Ka Lô thì cả đoàn xe đều đầu hàng trước con dốc nhỏ trơn trượt ngay trước cổng trường.
Chị Dương là người dân bản cho biết, đêm qua, mọi người đã thức trắng để làm đám ma tiễn đưa một người thân trong bản. Bản nhỏ, mọi người sống quây quần nên khi nhà ai có chuyện buồn thì cả bản tới để chia sẻ. Chị vui mừng đón đoàn sang thăm và thể hiện bằng cách bê đến một rổ củ mì và thơm (dứa) mời mọi người.
Trong chuyến công tác sang bản Ka Lô, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu đã chỉ đạo “nóng” tại chỗ đối với một số ngành cùng đi, trong thời gian tới, tổ chức phối hợp với BĐBP khảo sát để hỗ trợ cho bản Ka Lô về kỹ thuật nông nghiệp, chú trọng vào việc trồng ngô, đầu ra thì huyện sẽ lo cho bà con. Vấn đề thứ 2 là xây dựng bể chứa nước sạch để bà con có nguồn nước sử dụng đảm bảo vệ sinh; để các em đến trường không còn lem luốc bùn lầy và vui chơi trên khoảnh sân lầy lội. Đồng chí Bí thư cũng chỉ đạo lập phương án bê tông hóa sân trường.
Hà Anh