Biên phòng - Có biết bao ưu tư mà họ - những bóng hồng trong quân ngũ chỉ giữ cho riêng mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, họ chỉ kể về công việc, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất cứ hoàn cảnh nào, với niềm tự hào là người lính Bộ đội Cụ Hồ. Đó là những nữ chiến sĩ quân hàm xanh công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam.

Tận tụy và thầm lặng
Bước chân vào con đường binh nghiệp đã đối diện với nhiều khó khăn, nhưng đối với phụ nữ lại càng áp lực hơn nhiều. Song, nhiều năm nay, Thiếu tá chuyên nghiệp (CN) Nguyễn Thị Phượng, nhân viên Ban Cán bộ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cần mẫn và tận tụy với công việc làm nhiệm vụ quản lý hồ sơ. Trong nhiều năm qua, chị luôn được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, đánh giá cao và là một trong những quân nhân tiêu biểu về tấm gương vượt khó của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh trong nhiều năm qua.
Vừa cáng đáng nhiều việc có tên và không tên, chị Phượng vừa phải vẹn toàn việc chăm lo cho gia đình khi chồng cũng là quân nhân trong lực lượng, thường xuyên công tác xa nhà. “Sau giờ làm ở đơn vị, mình phải đóng hai vai trò, vừa là mẹ, vừa là cha của hai con. Do công việc đặc thù không thể tính thời gian làm việc trong giờ hành chính nên mình cũng không nhớ rõ đã bao nhiêu lần phải nhờ đến bạn bè, bà con hàng xóm trông con hay đón con giúp khi tan trường” - Chị Phượng tâm sự.
Chồng chị Phượng, Thiếu tá CN Lê Mạnh Cường đang công tác tại Đồn Biên phòng La Êê, đã nhiều tháng cùng anh em cắm chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 nơi miền biên ải. Những cuộc gọi ngắn ngủi ngoài giờ gác, đứt quãng bởi nhiệm vụ kéo dài, sóng điện thoại chập chờn chỉ đủ để hai vợ chồng động viên nhau vài câu, rồi lại quay về với nhiệm vụ.
Câu chuyện khác về Trung úy CN Nguyễn Thị Hiên, vợ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hội là một mảnh ghép khác về người nữ quân nhân đang công tác tại BĐBP Quảng Nam. Anh Hội khi đang công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn thì mắc bệnh hiểm nghèo, ra đi lúc chị Hiên mới 29 tuổi. Được sự quan tâm của tổ chức, chị được tuyển vào BĐBP ngay sau khi anh Hội qua đời. Vượt qua những mất mát, đau thương, không phụ lòng quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo đơn vị, chị trở thành người nữ quân nhân BĐBP.
Đều đặn 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, chị Hiên cùng các chiến sĩ thức dậy với công việc tại bếp ăn đơn vị. Đúng 6 giờ sáng, phòng ăn đã có những mâm cơm tươm tất, nóng hổi đón các cán bộ, chiến sĩ. Không kể mùa nắng, mùa mưa, gió rét, lũ lụt, những cán bộ, nhân viên nấu ăn như Trung úy CN Nguyễn Thị Hiên thường xuyên phải đi sớm về muộn, thức khuya, dậy sớm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chị tâm sự, chị và đồng đội luôn cố gắng chế biến những bữa cơm hợp khẩu vị, các món ăn thay đổi liên tục cho đa dạng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh chất lượng thì cũng phải bày biện sao cho đẹp mắt. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được nhìn thấy đồng đội ăn ngon, ăn hết khẩu phần, qua đó, đảm bảo tốt sức khỏe để học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị.
Năng động trong thời bình
Hưởng ứng Cuộc vận động “Phụ nữ BĐBP đoàn kết, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, trong thời gian qua, trên cương vị là Hội trưởng Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, Thiếu tá CN Trần Thị Kim Sinh đã tham mưu cho đơn vị triển khai và tham gia nhiều mô hình, chương trình đạt hiệu quả cao. Mô hình “Bát cháo tình thương” tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam được chị và đồng đội duy trì suốt thời gian qua, đã cấp 300 suất cháo, 300 hộp sữa hàng tháng cho bệnh nhân.
Ngoài ra, chị còn góp mặt trong chương trình “Tết ấm biên cương - Bánh chưng xanh” tại các đồn Biên phòng nhân dịp Tết cổ truyền; phát động hội viên nhắn tin ủng hộ và tham gia các hoạt động của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Heo đất lòng vàng”...
Thiếu tá CN Trần Thị Kim Sinh cho biết, số lượng hội viên phụ nữ ít (20 hội viên), cán bộ làm công tác Hội đều kiêm nhiệm, nhưng các chị đều tâm huyết với công việc, nhất là công tác xã hội. Do vậy, những năm qua, Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Nam vẫn duy trì tốt các hoạt động thiện nguyện cùng với các hoạt động khác. Từ số tiền nuôi heo đất mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội vận động thêm các nhà hảo tâm và phối hợp với các đơn vị khác tổ chức những chuyến công tác xã hội đến với bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi và đồng bào vùng biên.
Ngoài việc tham gia công tác xã hội, Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Nam luôn quan tâm đến công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em; phát động các phong trào thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới cán bộ, hội viên. Qua đó, các hội viên luôn phấn đấu học tập, tích cực tham gia các hoạt động ở đơn vị, địa phương; thực hiện tốt phong trào thi đua “Phụ nữ BĐBP đoàn kết, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Rất nhiều hành trình được các chị chung tay tiếp nối, giúp lan tỏa hình ảnh người nữ chiến sĩ Biên phòng xinh đẹp, giỏi giang, tận tụy đến với vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn, gian khổ.
Huỳnh Chín