Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Chuyện về những người mang hai dòng máu Việt - Lào

Biên phòng - Định cư ở bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là những hộ dân mang trong mình hai dòng máu Việt Nam - Lào. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình, người dân tự tin lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thiếu tá Lê Minh Tuấn hỏi thăm, trò chuyện với bà Y Cúc trong một lần lên thăm bà con bản Tuộc. Ảnh: Viết Lam

Xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm giữa đại ngàn của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi định cư chủ yếu của người Ma Coong. Để lên được xã biên giới, phải hành trình theo đường 20 Quyết Thắng, xuyên qua di sản thiên nhiên thế giới. Con đường chiến lược, trọng điểm bắn phá của máy bay địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được bê tông hóa hoàn toàn, chạy uốn lượn dưới cánh rừng già nguyên sinh của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Đi cùng chúng tôi, suốt quá trình di chuyển lên xã biên giới, Đại úy Nguyễn Hoài Nam, nhân viên Đội Tuyên truyền, Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Bình chia sẻ: “Giờ đây, cuộc sống của đồng bào Ma Coong ở vùng đất giữa đại ngàn Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thay đổi nhiều lắm. Chính quyền địa phương, BĐBP tuyên truyền nên nhân dân đã từ bỏ những phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng ma ra khỏi đời sống. Bà con cũng không còn sống phụ thuộc quá nhiều vào rừng mà đã quen dần với việc lao động, sản xuất, canh tác, chắt chiu lương thực, thực phẩm, chăm lo cho cuộc sống, cũng như việc học tập của con cái”.

Trong câu chuyện của mình, Đại úy Nguyễn Hoài Nam còn nói rằng, ở xã biên giới Thượng Trạch có một cụm dân rất đặc biệt, nơi định cư của những hộ gia đình mang trong mình hai dòng máu Việt Nam - Lào. Trong vai trò của cán bộ tuyên truyền, anh hiểu rất rõ về từng vùng đất biên giới của địa phương. Quá trình xe di chuyển trên con đường 20 Quyết Thắng, anh chỉ tay lên những sườn đồi do người dân phát làm nương rẫy trồng ngô, trồng nếp, có những hố đất sâu rộng lớn. Anh nói rằng, hố sâu là do bom đạn của kẻ thù rải xuống nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện của quân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng dấu vết những hố bom vẫn còn in hằn đậm nét trên mảnh đất biên giới.

Tại ngã ba đường, xe ô tô dừng lại, có một cán bộ Biên phòng khác đang đứng chờ để đón chúng tôi vào thăm bản Tuộc, nơi định cư của những hộ gia đình mang hai dòng máu Việt Nam - Lào. Người đứng đợi chúng tôi là Thiếu tá Lê Minh Tuấn, nhân viên Trạm quân dân y kết hợp bản 61, Đồn Biên phòng Cà Roòng, là cán bộ BĐBP tăng cường làm Phó Bí thư Chi bộ bản Tuộc, niềm nở chào đón mọi người. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Biên phòng, chúng tôi theo con đường bê tông nhỏ, theo hướng ngược dòng suối A Ky, nước trong vắt vào bản Tuộc.

Thiếu tá Lê Minh Tuấn luôn gắn bó với nhân dân địa bàn và được người dân bản Tuộc tin yêu. Ảnh: Viết Lam

Trên đường vào bản, trong câu chuyện, Thiếu tá Lê Minh Tuấn cho biết, cụm dân cư có 29 hộ/129 nhân khẩu, trong đó, nhiều gia đình có con, cháu mang trong mình hai dòng máu Việt Nam - Lào. Từ dưới chân con dốc nhìn lên đỉnh đồi thấp, bằng phẳng, bản Tuộc rất đẹp, những ngôi nhà sàn kiên cố được bố trí theo hàng dọc, lợp mái tôn đỏ. Ở ngôi nhà tại vị trí trung tâm bản, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng, gió mùa Xuân. Ở bản Tuộc, cán bộ Biên phòng giới thiệu để chúng tôi gặp một người phụ nữ khá đặc biệt - bà Y Cúc, người gốc Lào, sinh ra, lớn lên từ cụm bản Noọng Ma, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Khi được hỏi, bà Y Cúc chia sẻ, trong chiến tranh, quê hương cũng bị bom đạn của Mỹ dội xuống, khiến nhiều người chết, nhà cửa bị tàn phá. Sợ hãi, cô gái trẻ Y Cúc lúc đó đã cùng một số dân bản chọn cho mình cách di tản đi ngược với hướng hành quân của bộ đội Việt Nam và đi sâu vào biên giới tỉnh Quảng Bình lúc nào mà không hề hay biết. Sau đó, Y Cúc ở lại Việt Nam, nên duyên vợ chồng với Đinh Chay, một trai bản người Ma Coong, có với nhau tất thảy 7 người con (gồm 5 trai, 2 gái), rồi định cư tại bản Tuộc cho đến tận bây giờ. Trong 17 ngôi nhà được chính quyền địa phương xây dựng, trao tặng nhân dân ở bản, thì có 6 ngôi nhà thuộc đại gia đình người phụ nữ gốc Lào.

Dạo một vòng quanh bản Tuộc, chúng tôi càng nhận thấy, cụm dân cư biên giới này rất sạch sẽ, phong quang, dường như không có dấu vết của gia súc, gia cầm. Nói về điều này, Thiếu tá Lê Minh Tuấn giải thích: “Dân bản có đàn trâu, bò hàng chục con và nhiều loại gia cầm khác, nhưng được nuôi nhốt ở một địa điểm khác, chứ không đưa về bản”. So với nhiều bản làng khác, những đứa trẻ ở đây dường như được bố mẹ chăm sóc tốt hơn, chúng nói tốt tiếng phổ thông, trò chuyện với người lạ mà không ngại ngùng.

Một điều khá đặc biệt được ghi nhận ở bản Tuộc, đó là các gia đình thực hiện khá tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới. Trong câu chuyện đầu Xuân, ông Đinh Phương, Trưởng bản Tuộc nói rằng: “Ở đây, mọi gia đình đều sống hòa thuận, đoàn kết, một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và BĐBP, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Nhân dân trong vùng gọi bản chúng tôi là bản hạnh phúc là vì thế”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO