Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 10:36 GMT+7

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022):

Chuyện về những người con bất tử

Biên phòng - Bà Nguyễn Thị Thanh là một trong những thanh niên xung phong còn sống sót sau trận B52 trưa ngày 2/7/1972, tại hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), nơi đóng quân của Trạm thông tin A69. Theo nhân chứng kể lại, khoảnh khắc đó chỉ diễn ra trong ít phút, nhưng sự tàn khốc của bom đạn kẻ thù đã cướp đi thanh xuân của 13 cán bộ, chiến sĩ đang tuổi 18, đôi mươi. Họ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất để hôm nay đất nước đẹp muôn phần…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình và đoàn viên, thanh niên tại địa phương dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại khu Di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà. Ảnh: Đức Trí

Khúc tráng ca ghi dấu tích anh hùng

Bà Thanh chầm chậm kể lại cùng những giọt nước mắt dường như đã vắt kiệt, hôm đó là Chủ nhật, một ngày Hè nắng lửa trên đất Quảng Bình. Khoảng 13 giờ, sau bữa ăn muộn, một kíp trực máy bảo đảm thông tin liên lạc tại cứ điểm hang Lèn Hà vẫn còn làm việc, 3 chiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực. Khoảng 13 giờ 20 phút, họ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Với họ, những âm thanh ấy đã quá quen thuộc nên ai nấy không hề nao núng. Sau mấy tiếng bom nổ liên tiếp phát ra từ dưới chân lèn, họ nhìn thấy những cột khói đen đùn lên, phủ trùm dãy nhà ăn, nhà ở, hội trường của trạm.

“Bom chỉ điểm, chúng sắp đánh đấy” - tiếng của Trạm trưởng Đàm Văn Trình hét to ở phía dưới lẫn trong tiếng bom nổ. Đồng chí Trình vừa dứt lời, một loạt bom nữa dội xuống, kèm theo những tiếng nổ vang trời, sức ép của bom đạn khiến bộ tổng đài to cồng kềnh trên hang cũng bị xiêu vẹo. Theo phản xạ, cả 3 chị Thanh, Vang, Nghiêm cùng đeo tổ hợp tai nghe, nhào lên chống đỡ khối máy khỏi bị rung lắc. Tiếp đó, một loạt bom nữa dội xuống. Lần này, tiếng nổ nhỏ hơn, nhưng ánh sáng chớp lóa. Khi phát hiện địch thả bom khói chỉ điểm, Trạm trưởng Trình và 2 nhân viên kỹ thuật Lương Văn Chấn, Trần Văn Xây chạy nhào lên hang để hỗ trợ giữ máy, sẵn sàng khắc phục sự cố. Nhưng đến chân lèn, cả 3 người đều bị trúng loạt bom napan và hy sinh.

Thấy 3 nữ chiến sĩ vẫn còn căng sức giữ khối máy đang rung chuyển, chao đảo vì bom đạn, nhân viên nguồn điện Hán Bình Lương đang trực ở ngách hang phía trên cũng vội vàng chạy ào xuống hỗ trợ. Trận mưa bom của kẻ thù ném xuống vẫn không ngớt. Dưới chân lèn, lửa vẫn không ngừng bùng cháy, xen lẫn trong tiếng bom nổ và khói lửa rực trời là tiếng người hô hoán, tiếng con gái kêu la. Lúc đó, nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Thanh định chạy xuống cứu đồng đội thì thấy chị Bùi Thị Lung bị bỏng nặng đang cố lết lên. Một lúc sau, Đại đội phó Quân sự của trạm - anh Nguyễn Văn Hựu, quần áo tơi tả, mặt mũi nhem nhuốc cũng cấp tốc chạy lên, định bụng sẽ tạm giấu chuyện vì sợ mọi người không chịu nổi sự mất mát, đau thương quá lớn này, bởi phía trước vẫn còn nhiệm vụ giữ vững đường dây thông tin liên lạc. Thế nhưng, làm sao có thể giấu được sự mất mát ấy. Họ suýt nhào xuống cùng chị em của mình.

Anh Hựu nghiêm giọng, mỗi phút đứt liên lạc là chiến trường đánh đổi biết bao sinh mạng của đồng đội. Lời thề “Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”, “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”, tất cả vì mục tiêu bảo đảm thông tin liên lạc vẫn còn đó. Họ sực tỉnh, gạt nước mắt, nén đau thương thành hành động, vội nhào tới vị trí tổng đài, bật tất cả các máy, nhưng tất cả đều trơ ra, không một chút tín hiệu. Chỉ còn một đôi âm tần để đấu vào các tổ đường dây, nhưng tín hiệu chập chờn, rất yếu.

Anh Hựu yêu cầu 3 chiến sĩ nữ tiếp tục bám máy, tìm cách liên lạc, còn anh và anh Lương chạy xuống phía dưới lèn tổ chức lực lượng, tìm cách khắc phục đường dây. Sau loạt bom, trạm máy chính bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt. Sau hơn một giờ đồng hồ khắc phục sự cố, đường dây đã được khôi phục, trạm máy trở lại hoạt động. Và từ đó, trạm tiếp tục giữ nhịp thông suốt, kịp thời an toàn bí mật và chính xác cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trận mưa bom vào trưa 2/7/1972 đã làm 13 cán bộ, chiến sĩ của Trạm thông tin A69 hy sinh, trong đó có 3 nam và 10 nữ. Họ đã ngã xuống và nằm lại ngay trên chiến trường, nơi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Sợi chỉ đỏ” giữa biên cương điệp trùng

Sự hy sinh của 13 liệt sĩ tại hang Lèn Hà đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với Trạm thông tin A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134) thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 7/5/2009.

Bà Ngô Thị Long (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), người có mặt ngay sau khi Trạm thông tin A69 bị máy bay địch ném bom chia sẻ trong nước mắt: “Hơn cả mong muốn, bởi sự ghi nhận ấy làm cho Lèn Hà thêm thiêng liêng với người dân xã Thanh Hóa chúng tôi”.

Các em học sinh trên địa bàn được các thầy, cô giáo tổ chức đến tham quan và học tập truyền thống tại khu Di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà. Ảnh: Đức Trí

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, hang Lèn Hà là một trong những điểm di tích lịch sử trong hệ thống Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh. Những năm qua, chính quyền huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với Lữ đoàn 134 xây dựng, trùng tu, tôn tạo một số hạng mục công trình tại khu Di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà nhằm thể hiện tình cảm, lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình, huyện Tuyên Hóa đối với những hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ.

Nơi đây đã xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhà dâng hương, nhà lưu niệm, tái tạo giếng nước, ao cá, cây xanh, cảnh quan khang trang, thay đổi diện mạo một vùng đất linh thiêng. Cùng với đó, đường vào khu di tích dài 10km đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư 2 giai đoạn với tổng số vốn gần 25 tỷ đồng, vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây là công trình nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các anh hùng, liệt sĩ để tương xứng với tầm vóc, giá trị và ý nghĩa lịch sử của khu di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lèn Hà bây giờ được nhắc nhớ mỗi năm, nhất là vào dịp tháng Bảy, người hành hương qua lại đông hơn, miền xuôi lên với Lèn Hà cũng nhiều thêm với nén hương thắm nghĩa, tiếng chuông thắm tình. Tháng Bảy tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc để khắc ghi công lao của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân tộc.

Danh sách 13 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 2/7/1972

1. Đàm Văn Trình (sinh năm 1944), Thượng sĩ, Trạm trưởng, quê ở Hưng Yên.

2. Lương Văn Chấn (sinh năm 1946), Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, quê ở Cao Bằng.

3. Trần Văn Xây (sinh năm 1946), hạ sĩ, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

4. Vũ Thị Lan (sinh năm 1950), Trung sĩ, chiến sĩ, quê ở Thái Bình.

5. Cao Thị Xuyến (sinh năm 1953), Binh nhất, chiến sĩ, quê ở Thanh Hóa.

6. Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1953), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Ninh Bình.

7. Bùi Thị Lung (sinh năm 1954), Binh nhất, chiến sĩ, quê ở Hòa Bình.

8. Trần Thị Loan (sinh năm 1954), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Ninh Bình.

9. Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1955), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

10. Lê Thị Châm (sinh năm 1955), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

11. Ngô Thị Luận (sinh năm 1955), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

12. Hoàng Thị Liên (sinh năm 1956), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

13. Chu Thị Mạnh (sinh năm 1956), Binh nhì, chiến sĩ, quê ở Phú Thọ.

Đức Trí

Bình luận

ZALO