Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 02:54 GMT+7

Chuyện về những chiếc lò đốt rác mini ở Ngọc Côn

Biên phòng - Trên đường đến với xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nơi những người phụ nữ nghèo đã nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, phong cảnh đẹp như một bức họa sơn thủy hữu tình. Từ Ngọc Côn, dòng sông Quây Sơn “vượt biên” chảy vào lãnh thổ Việt Nam rồi uốn lượn qua núi Lũng An, núi Lũng Khuốt, Lũng Qua, Lũng Thoang, Pò Dao, Tôm Đeng… gom nước đổ dạt dào nơi thác tiên Bản Giốc, tạo nên những xóm núi lẩn khuất trong mây và những cánh đồng thơm hương nếp mới.

Đồng chí Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên (hàng đầu, thứ 6 từ phải sang) tặng quà cho phụ nữ nghèo xã Ngọc Côn trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Ảnh: CTV

Bên dòng nước trong lành và giữa thung mây ấy, cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Nùng đã bao đời sống gắn bó bên nhau, trở thành “phên dậu” nơi địa đầu hiểm yếu.

Được biết, Ngọc Côn có hơn 520 hội viên, phụ nữ với thu nhập chủ yếu từ nghề nông, cho nên đời sống còn nhiều bấp bênh. Năm 2018, Ngọc Côn là một trong các xã biên giới được chọn để nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Theo đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cao Bằng, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên tham gia giúp đỡ hội viên, phụ nữ xã Ngọc Côn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như tập huấn, hỗ trợ xây nhà “Mái ấm biên cương”, hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăn nuôi, di dời chuồng trại, vốn sinh kế... Đặc biệt, hoạt động xây lò đốt rác, bếp đun cải tiến ít khói tiết kiệm chất đốt cho người dân Ngọc Côn và đào tạo thợ chuyên trách vận hành lò là một điểm sáng trong bảo vệ môi trường trên biên giới Cao Bằng.

Chị Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng bếp đun cải tiến ít khói và lò đốt rác cho bà con xã Ngọc Côn là bởi nhận thấy ở đây không có bãi rác tập trung và xe thu gom rác thải. Cũng vì lẽ đó, người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi dọc đường, ở mương thoát nước, hồ ao, suối... gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Dự án ý nghĩa này có sự cộng tác, giúp đỡ của chuyên gia trong nghiên cứu lò đốt rác mini, bếp đun cải tiến là ông Đỗ Đức Khôi, Giám đốc Trung tâm Dân số, môi trường và phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam”.

Những ngày khởi đầu dự án, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia, đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Côn, BĐBP Cao Bằng và chính quyền địa phương lựa chọn 3 cán bộ, chiến sĩ, 2 người dân tham gia khóa tập huấn đào tạo nhóm thợ để sau đó, họ trở thành người xây lò đốt rác và bếp đun cải tiến ít khói tiết kiệm nhiên liệu cho người dân ở địa phương... Một bài toán được đặt ra là cần vận chuyển nguyên vật liệu để xây lò và bếp đun từ nơi khác đến vì không có sẵn ở địa phương. Vậy là, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng cán bộ Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã phải vượt quãng đường hàng chục km để mua và vận chuyển nguyên vật liệu giữa cái nắng hè oi ả để ngay sáng hôm sau, các học viên có thể làm bài thực hành.

Và sau 3 ngày nỗ lực của tất cả mọi người, 3 cán bộ Biên phòng và 2 người dân đã thành thạo việc làm lò, ứng dụng ngay vào thực tế để hoàn thiện 5 chiếc lò đốt rác đạt yêu cầu. Với kích thước 1x1x2m; ngăn đốt rác rộng chừng 0,8m; từ đáy cách mặt đất khoảng 10cm đổ mặt bê tông và làm cửa khều tro; cách 30cm có gác các thanh sắt để đưa rác vào đốt..., 5 chiếc lò đốt rác này được đặt tại các khu vực thường tập trung đông người như trụ sở UBND xã, khu vực chợ, trên trục đường chính. Lúc đầu, nhân dân trên địa bàn còn băn khoăn về công dụng của các lò vì thấy nó có kích thước nhỏ. Nhưng rồi thực tế đã khiến bà con trầm trồ kinh ngạc về khả năng xử lý rác nhanh gọn, hiệu quả qua cách làm này.

Là người có sáng kiến xây dựng loại lò này, ông Đỗ Đức Khôi cho biết: “Lò đốt rác sử dụng công nghệ đốt rác liên tục bằng không khí tự nhiên (rác đốt rác), không cần dùng nhiên liệu. Đáng nói là, chiếc lò này có thể đốt rác tươi với độ ẩm trên 40%, tỷ lệ đốt đạt đến 90% nên tiết kiệm chi phí vận hành và giảm thời gian lưu chứa rác. Người dân dùng một ít củi hoặc lá khô dưới các thanh sắt, khi châm lửa đốt, rác sẽ cháy hết trong vòng 20-30 phút, rất tiện và đảm bảo môi trường sống của bà con, kinh phí xây lò lại tiết kiệm, chỉ mất khoảng từ 3-4 triệu đồng/lò”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Côn, BĐBP Cao Bằng phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ hội viên phụ nữ xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh làm bếp đun cải tiến (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Thế Tùng

Từ những chiếc lò đốt rác mini đầu tiên ấy, ngay sau đó, nhóm thợ “quân dân kết hợp” của Ngọc Côn lại tiếp tục tay bay, tay gạch để xây bếp đun cải tiến ít khói, tiết kiệm nhiên liệu cho 10 hộ dân trong xã. Với nhiều ưu điểm như ít khói, tiết kiệm chất đốt, giảm được từ 40 đến 70% khói bụi; giảm từ 40 đến 50% lượng chất đốt; thời gian đun nấu nhanh hơn, loại bếp này đã được người dân đón nhận rất nhiệt tình.

Chị Hứa Thị Mạnh ở xóm Pò Peo - Phia Muông chia sẻ: “Sau những buổi tuyên truyền, bà con đã có ý thức thu gom rác và mang đến lò đốt rác tập trung, không đốt cạnh nhà như xưa, giúp cho đường làng, ngõ xóm sạch hơn. Bên cạnh đó, từ ngày được Hội LHPN và BĐBP làm cho bếp đun cải tiến thì tiết kiệm củi mà đun nấu nhanh. Quan trọng nhất là ít khói, tránh ô nhiễm môi trường”.

Năm 2021, xã Ngọc Côn đã cán đích “nông thôn mới”. Ông Triệu Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngọc Côn chia sẻ: “Từ các hoạt động hỗ trợ ý nghĩa của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các xóm, bản đều có lò đốt rác mi ni. Đáng mừng nhất là nhận thức của người dân đã được nâng lên, môi trường sống ở Ngọc Côn được cải thiện rõ rệt khi rác thải sinh hoạt được tập kết, xử lý thường xuyên. Vui hơn nữa là trong mỗi nếp nhà, khu bếp nấu nướng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, hạn chế khói bụi rất nhiều. Từ hoạt động có ý nghĩa này đã góp phần giúp địa phương chúng tôi hoàn thành được một trong những tiêu chí khó - tiêu chí môi trường để tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO