Biên phòng - Những kỷ niệm, ký ức về một thời đào hào, hầm, đánh địch ở đồi C1, tiến quân giải phóng sân bay Mường Thanh còn vang mãi trong tim của người Tiểu đội trưởng Phạm Quang Trung năm nào. Nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn luôn năng nổ với nhiều công tác xã hội ở địa phương, luôn là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Bước sang tuổi 88, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, nét mặt cương nghị, Tiểu đội trưởng Phạm Quang Trung hào hứng kể về những ngày tháng khoét núi, đào hầm, đánh địch ở Điện Biên Phủ...
Ông Trung sinh ra và lớn lên tại xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trong một gia đình nông dân nghèo. Trong kháng chiến chống Pháp, làng quê của ông ở gần điểm đóng quân của địch. Năm 1949, giặc Pháp tràn vào làng cướp bóc, bắn phá, đốt hết nhà cửa của người dân. Cuối tháng 2-1951, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, ông Trung tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi.
Sau vài tháng huấn luyện tại Đại đội địa phương 915 Yên Hưng đóng tại Nam Mẫu (thành phố Uông Bí), tân binh Phạm Quang Trung được lệnh lên Tây Bắc và sau đó được biên chế tại Đại đội 53, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Ngày 17-3-1954, Đại đội 53 được lệnh đánh chiếm bản Trại, bản Mọ - nơi có đông quân Pháp chiếm đóng. Sau hai trận đánh ở bản Trại, bản Mọ, Đại đội 53 được lệnh tiếp tục tham gia một số trận và chuẩn bị lực lượng đánh địch, bắt tù binh ở sân bay Mường Thanh.
Nhớ về trận đánh giáp la cà với địch trên trận địa, ông Trung nhìn lại các kỷ vật, đôi mắt xa xăm rồi kể lại: Một buổi sáng, năm 1954, tôi được lệnh cùng anh em đi bắt tù binh ở cứ điểm sân bay Mường Thanh. Lúc đó, tôi được điều động làm Tiểu đội trưởng. Sân bay Mường Thanh là một cứ điểm rất quan trọng của Pháp. Bộ đội ta phần lớn chỉ có vũ khí thô sơ, trong khi địch được trang bị vũ khí hiện đại.
Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng các vũ khí và được chính trị viên đơn vị nhắc nhở rất kỹ về trách nhiệm, tôi rất lo lắng, nhưng trong lòng quyết tâm cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Vài tiếng đồng hồ, xuyên qua các lùm cây, trèo lên các hầm, cùng dây thép gai chi chít, chúng tôi lọt được vào trận địa sân bay Mường Thanh và bò được qua đường băng. Từ phía xa, có một tốp lính Pháp đi tuần, chúng không để ý, anh em lại tiếp tục tiến sâu vào bên trong. Không may cho chúng tôi lại va chạm với một toán lính Pháp thứ hai. Vậy là quân Pháp xả súng xối xả, nã pháo kích cấp tập vào trận địa. Sau hai giờ chống trả quân giặc ác liệt, quân Pháp dồn lực lượng tấn công chúng tôi điên cuồng.
Trong trận đánh đó, ông Trung bị một quả đạn pháo bắn vào hông trái, vết thương khá sâu và mất nhiều máu. “Lúc đó, tôi ngất lịm đi. Trận đánh địch ở sân bay, đơn vị tôi có hơn 100 người thì hy sinh gần một nửa. Các anh em trong đơn vị đã cõng tôi về đến doanh trại. Tôi lập tức được chuyển lên cáng rồi đưa vào Quân y Trung đoàn để chữa trị. Tại đây, tôi được bác sĩ phẫu thuật gắp mảnh đạn pháo ra khỏi cơ thể. Nằm chữa trị hơn 1 tháng, tôi quyết định xin cấp trên cho trở về tiểu đội tiếp tục chiến đấu” – Ông Trung kể.
Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Chính trị viên tiểu đoàn đến đơn vị Phạm Quang Trung để động viên anh em. Thời điểm này, Phạm Quang Trung được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là giây phút vỡ òa trong sự sung sướng, hạnh phúc, khóe mắt người lính trẻ Phạm Quang Trung rưng rưng nhưng cũng đầy lo lắng vì trọng trách của mình.
“Sau vài ngày đánh địch ở một số cứ điểm, tôi được tin Điện Biên Phủ giải phóng. Chiều hôm ấy, chúng tôi không kìm được sự sung sướng, ôm nhau nhảy múa reo mừng hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!” - Ông Trung nhớ lại.
Và cũng chính trong giờ phút lịch sử đó, nhiều người đã bật khóc khi nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh trước đó ít ngày, vĩnh viễn nằm lại lòng chảo Mường Thanh. Sau ngày giải phóng Điện Biên, đơn vị của ông Trung được lệnh áp giải trao trả tù binh cho quân Pháp tại sân bay Mường Thanh...
Năm 1960, ông Trung phục viên trở về quê hương. Ông được bầu làm Tổ trưởng tổ hợp tác xã, đồng thời là một trong những người tích cực tham gia xóa nạn mù chữ ở địa phương. Ông còn nhớ, những đêm trăng sáng tham gia dạy học cho những người không biết chữ.
Lúc bấy giờ, gần như người dân các thôn thức trọn đêm để học. Phong trào học chữ quốc ngữ của thôn cứ vậy kéo dài suốt nhiều năm. Gia đình ông Trung luôn tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương và đóng góp tích cực cho xã hội. Gia đình ông nhiều năm được xã công nhận là gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo.
Ông Phạm Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liên Vị cho biết: “Ông Phạm Quang Trung là một cựu chiến binh Điện Biên Phủ với nhiều thành tích đáng nể. Ông không chỉ là một người năng nổ hoạt động thời chiến mà rất hăng hái tham gia các phong trào của địa phương như phát triển kinh tế, xóa mù chữ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...”.
Long Vũ