Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 02:45 GMT+7

Chuyện về người lính quân hàm xanh dám nghĩ, dám làm

Biên phòng - Tới Đồn Biên phòng Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk, bạn sẽ thấy vườn thanh long chín đỏ bên cổng đồn. Ngỡ đó là vườn cây của người dân, nhưng thực ra, vườn thanh long lại nằm trong khu vườn thanh niên của đồn. Đằng sau vườn thanh long trĩu quả đó ẩn giấu câu chuyện về một người sĩ quan Biên phòng với đầy sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm.

jpd3_7a
Đại úy Vũ Văn Dương thường xuyên xuống cơ sở, kiểm tra và nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân trên địa bàn. Ảnh: Kim Nhượng

Người ấy chính là Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo, một người lính luôn đi đầu trong việc triển khai các mô hình thí điểm giúp người dân thoát đói, giảm nghèo. Nhờ những ý tưởng táo bạo của anh mà người dân vùng biên giới đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn.

Đã từng tới nhiều địa bàn biên giới trên cả nước, nhưng riêng với địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến. Mảnh đất Tây Nguyên thật sự khắc nghiệt, cái nắng, cái gió của mùa khô làm cho những cánh rừng khô cong; mùa mưa, những cánh rừng lại rậm rạp, um tùm, xanh ngắt. Thượng úy Nguyễn Thanh Bình, trợ lý Ban Vận động quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Lắk, là người trực tiếp đưa tôi đi địa bàn. Suốt quãng đường đi, chúng tôi say sưa trò chuyện, chẳng mấy chốc Đồn Biên phòng Ea H,leo đã hiện ngay trước mặt. Đón chúng tôi tại cổng đồn là Đại úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H,Leo. 

Đứng trước vườn cây thanh long, nghe Đại úy Dương nói chuyện, chúng tôi mới biết đây chính là mô hình mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H,leo trồng thí điểm, từ đó nhân rộng mô hình cho dân. Bằng cách tự tìm tòi, học hỏi qua sách báo, Đại úy Vũ Văn Dương đã giúp cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế, giàu lên nhờ trồng cây ăn quả thanh long này. 

Cái nắng gắt gao của mảnh đất biên giới xã Ia Lốp cũng không ngăn cản được sự nhiệt tình của Đại úy Vũ Văn Dương, khi đưa chúng tôi tham quan các mô hình phát triển kinh tế do chính anh và cán bộ chiến sĩ đồn Ea H,leo đặt nền móng. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Hoàng Long, 52 tuổi, tại Giồng Trôm, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Qua trò chuyện, được biết, gia đình anh quê gốc tận Bến Tre, lên đây lập nghiệp từ những năm 1990 trong diện đi phát triển vùng kinh tế mới. Những năm mới đến, cuộc sống gia đình anh cũng như bao hộ khác, cực kỳ khó khăn, thiếu thốn.

Thật may mắn, đúng lúc vợ chồng anh nản chí muốn rời bỏ mảnh đất này mà đi thì những người lính Biên phòng đã đến và động viên anh ở lại. Chính Đại úy Dương cùng anh em trong đồn đã vận động, giúp đỡ anh trồng cây thanh long để phát triển kinh tế.

Anh Long tâm sự: “Nếu không có anh em Biên phòng, không có anh Dương, chắc gia đình tôi sẽ nghèo khó mãi. Các anh thuyết phục, vận động người dân làm kinh tế, rồi lo cho dân từ cây giống cho tới phân bón. Mỗi lần gieo trồng, anh em đồn lại đến hỗ trợ, giúp tưới cho cây. Vợ chồng tôi hiện tại đã có hơn 1,3ha vườn cây thanh long, hàng năm đem lại hiệu quả kinh tế cao”. Nói xong, anh tươi cười bảo: “Hiện tại, giá thanh long từ 15 đến 20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi một vụ cũng lãi được vài trăm triệu đồng”. 

Anh Long cho tôi biết thêm, ngoài việc vận động người dân trồng thanh long để phát triển kinh tế, Đại úy Dương còn nghiên cứu mô hình trồng cây hương nhu trắng và trồng thí điểm tại đồn, nếu phát triển tốt, người dân nơi đây sẽ chuyển đổi sang trồng cây hương nhu thay vì trồng bắp, trồng mì vì những cây này không đem lại hiệu quả kinh tế. Vượt qua đoạn đường dài khoảng 5km, vườn cây dược liệu hương nhu trắng đã hiện ra ngay trước mắt chúng tôi. Đây là giống cây dược liệu lấy tinh dầu do Đại úy Vũ Văn Dương cùng đồng đội bỏ tiền túi ra mua giống, thuê đất (thuê 3ha, cây giống mua hết 54 triệu đồng, thuê đất trong 7 năm với giá 20 triệu đồng).

Cùng với đó, tiền chăm bón, tiền mua dây, mua ống, téc nước để phục vụ việc tưới cây vào mùa khô, lên tới hơn 23 triệu đồng. Tính ra, anh cùng đồng đội đã đầu tư vào đây hơn 200 triệu đồng. Đại úy Vũ Văn Dương cho chúng tôi biết: “Hương nhu trắng là loại cây lấy tinh dầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, một năm đã được thu hoạch và cứ 4 tháng thì cắt tỉa cành một lần, như vậy, một năm thu hoạch được 3 lần”. Nghe Đại úy Vũ Văn Dương say sưa kể về dược liệu hương nhu, tôi hỏi: “Anh có thấy mình liều lĩnh không khi dám bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư mà cây chỉ trong giai đoạn trồng thử nghiệm, chưa nhìn thấy được hiệu quả?”. 

xs7m_7b
Đại úy Vũ Văn Dương (bên phải) cùng đồng đội kiểm tra cây hương nhu trắng sau một tháng gieo trồng. Ảnh: Kim Nhượng

Cứ ngỡ anh sẽ thở dài hay hoang mang, nhưng không, vẻ mặt của anh rất hồ hởi: “Đây mô hình mới, mình đã nghiên cứu kỹ về cây hương nhu này, nó phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Ngoài ra, mình còn làm việc với Công ty TNHH Ba Bi Ô Tây Nguyên, đồng chí Giám đốc công ty giúp đỡ nhiệt tình và công ty sẽ lo đầu ra”.

Rồi anh trầm tư nói: “Nếu mô hình không thành, tất nhiên vốn liếng lẫn công sức đổ xuống sông, xuống biển hết, nhưng nếu BĐBP không dám đứng ra làm thì người dân sao dám làm? Tiền thua lỗ mất đi chỉ là một phần, điều đáng sợ nhất là mất đi niềm tin của nhân dân, nếu nói mà không làm thì dân sẽ không tin”. Nói xong, anh tếu táo: “Thế mới nói bộ đội đi trước, làng nước theo sau”. 

Chia tay xã biên giới Ia Lốp, tôi cùng Thượng úy Nguyễn Thanh Bình quay trở lại thành phố. Nhưng mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gương mặt ngăm đen, chai sạn của Đại úy Vũ Văn Dương cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi hiểu, cái nắng, cái gió và cả những khó khăn, thiếu thốn nơi đây cũng không thể làm lung lay ý chí của những người lính Biên phòng.

Dường như, càng khắc nghiệt bao nhiêu, càng khó khăn, thiếu thốn bao nhiêu thì lại càng tôi luyện cho người lính nơi đây bản lĩnh, sự vững vàng, đặc biệt hơn nữa là trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Lòng thương mến, trân trọng của người dân biên giới đã giúp họ vượt qua tất cả để bám trụ tại vùng biên giới khó khăn này...

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO