Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Chuyện về người cựu chiến binh vào tiếp quản căn cứ Chu Lai

Biên phòng - Đối với cựu chiến binh Trần Văn Thụ, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của ông là chuyến hành quân mệt nhoài vào tiếp quản căn cứ Chu Lai (nay thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Lúc bấy giờ, ông và đồng đội như đi lạc giữa những kho sữa, pho mát, đồ hộp nhãn mác nước ngoài.

sgva_10b
Cựu chiến binh Trần Văn Thụ. Ảnh: Văn Chương

Căn cứ quân sự Chu Lai - Chu Lai Army Base hay còn gọi là Căn cứ không quân Chu Lai, là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Hằng ngày, các loại máy bay liên tục lên, xuống như A-4 Skyhawk, F-4 Phantom, A-6 Intruder, C130... thuộc các đơn vị Phi đoàn thủy quân lục chiến số 12 và số 13. Căn cứ này là một khu phức hợp khổng lồ để tiếp lương thực, nhiên liệu, vũ khí cho bộ máy chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. 

Năm 1975, khi những ngày giải phóng miền Nam sắp đến gần, một đơn vị hậu cần của Quân khu 5 chuyên vận tải lương thảo dọc bờ sông Giang nằm ở khu vực huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi được lệnh rút dần về dưới đồng bằng qua địa phận tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ông Trần Văn Thụ, sinh năm 1948, năm đó 27 tuổi. Ông Thụ hiểu rằng, đây chắc chắn là thời cơ giải phóng. Vì thời gian trước, toàn bộ lực lượng hậu cần luôn phải ẩn mình trên núi cao, đêm ngày phải cảnh giới với biệt kích, mìn Claymore địch cài trên tuyến đường vận chuyển lương thực.

Đêm 26-3-1975, đơn vị hậu cần của ông Thụ nhận được quyết định “hành quân khẩn cấp, tiếp quản căn cứ quân sự Chu Lai”. Cánh cổng nơi này mở toang dưới dòng chữ Chu Lai base SO. Viet Nam. Nhiệm vụ của những cán bộ làm công tác hậu cần là thống kê, bảo quản và bảo vệ toàn bộ khí tài, vật tư, chiến lợi phẩm. Giây phút đầu tiên bước chân vào căn cứ, ông Thụ dừng chân nhìn những đụn khói vẫn bốc cao ở các nhà để máy bay F-4 Phantom, A-4 Skyhawk. Khi bước vào các kho quân nhu, mắt chàng trai người Hà Tây (nay là Hà Nội) tròn xoe trước khối lượng vật chất khổng lồ. 

“Đi vào kho thuốc, thuốc con nhộng phải lội tới đầu gối, vì vậy chỉ lấy thước đo rồi thống kê vào sổ” – Ông Thụ thốt lên ngạc nhiên. Bên cạnh thuốc, bông băng cứu thương là kho quân nhu, đồ hộp nhiều đến chóng mặt. Những thùng bìa các tông, bên trong đựng lon thức ăn có ghi dòng chữ meal, combat, individual, tuna fish, các loại bia Hem, Biere Larue... 

Ông Thụ kể, suốt 7 năm sống ở rừng, hằng đêm được giao liên đưa xuống đồng bằng cõng gạo. Bụng đói, thiếu ăn, nhưng người cõng gạo không được phép lấy một nhúm gạo sống bỏ miệng, chỉ được phép đào móc củ chuối và hái rau rừng ăn. Cái đói luôn giày vò, ám ảnh. Vì vậy, khi cánh cửa kho quân lương trong căn cứ Chu Lai bật mở, lính hậu cần và ông Thụ ồ lên.

Những người lính trẻ tinh nghịch ngày đó nằm ngả lưng trên đống sữa nghỉ ngơi và nói chuyện, không còn lo nghĩ đến những ngày nằm ngủ vẫn phải kẹp khẩu súng AK và luôn mơ có một bữa ăn ngon. Đó là kỷ niệm khó quên và có phần hài hước của cựu chiến binh Trần Văn Thụ cùng những người lính trẻ sau ngày đầu tiên đặt chân đến căn cứ Chu Lai vào ngày giải phóng. Những người lính săm soi lon sữa Ông Thọ bột thời đó có ghi dòng chữ SMA, toàn cõi Việt Nam, trong khi thị trường thì chỉ lưu hành ở miền Nam. Kho sữa quá nhiều, hàng chục ngàn lon chất cao lên đến nóc nhà kho.

Ngày 26-3-1975, một người lính từ cổng căn cứ Chu Lai chạy ra quốc lộ 1 liên tục vẫy đoàn quân đi qua để thông báo: “Này, vào Chu Lai nhận đường, sữa rồi tiếp tục tiến quân đi Sài Gòn”. Những người lính trên xe tải nhìn thấy cái vẫy tay nồng nhiệt thì dừng lại với vẻ tò mò. Người chiến sĩ vẫy tay này là ông Trần Văn Thụ. 

x71l_10a
Căn cứ Chu Lai trước năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Cả đoàn quân nghe từ “sữa” thì hưng phấn cả lên. Sữa Ông Thọ được khiêng ra chia cho mỗi đơn vị một ít. Anh em không cần pha nước, cứ đục lon sữa rồi chuyền tay nhau. Những đoàn quân dừng lại nhận sữa rồi lại vẫy tay tạm biệt, tiến về phương Nam. Những giây phút chào đón anh em ngoài Bắc vào, ông Thụ lại nhìn từng khuôn mặt với mong ước gặp được đồng hương. Vì suốt 7 năm tạm biệt gia đình vào miền Nam, ông chưa một lần quay về thăm lại cha mẹ, anh em. 

Một người thanh niên gầy gò, chạy chiếc xe Honda 67 đến gần căn cứ quân sự Chu Lai và nói “chừ ngài đi mô, con xin chở”. Ông Thụ bỗng giật mình khi người dân quá trịnh trọng đến mức gọi bằng từ “ngài”. Nhưng nguyên nhân là cầu vai binh nhì gắn một ngôi sao trên ve áo quân giải phóng của ông Thụ khiến chàng thanh niên này ngỡ ông Thụ là tướng một sao (cầu vai của quân ngụy, 2 ngôi sao là cấp Thiếu tướng). Ông Thụ ngồi sau xe Honda 67, được người đàn ông này chở đi khắp nơi, được tận hưởng không khí những ngày đầu giải phóng của tỉnh Quảng Nam. Đối với cựu chiến binh Trần Văn Thụ, đó là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời binh nghiệp.

Cựu chiến binh Trần Văn Thụ, hiện sống ở thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Sau ngày giải phóng, ông Thụ xin giải ngũ, về quê làm nông, buôn bán ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Cháu trai của ông bị câm điếc, cháu gái cũng bị dị tật nặng do di chứng chất độc da cam, tuy nhiên, đến nay, ông vẫn chưa làm được chế độ cho người con trai bị ảnh hưởng của chất độc da cam. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO