Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Chuyện về một đội viên phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu

Biên phòng - Mỗi sáng đi làm, ngang qua vòm sấu xanh có tuổi đời gần 100 năm và cánh cổng vòm của trại Bảo an binh để vào cơ quan, tôi lại bất chợt nhớ đến hình ảnh những nữ sinh Hà Nội quả cảm mặc áo dài trắng đã tiến đến trước cánh cổng này để thuyết phục những thành viên của Đội bảo an buông súng đầu hàng. Qua sự giới thiệu của bác Lê Đức Vân, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, tôi đã có dịp được gặp bà Phan Thị Phúc, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao, phu nhân của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bà Phan Thị Phúc còn là mẫu thân của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm hỏi bà Phan Thị Phúc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).

Trong căn nhà cổ ở phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), không gian tĩnh lặng, thoang thoảng mùi hương nguyệt quế, bà Phan Thị Phúc kể cho chúng tôi nghe về việc bà tham gia cách mạng khi vừa tròn 15 tuổi. Mẹ chết sớm, bố bận làm việc cho chính quyền nên từ nhỏ, bà Phúc đã ở với ông nội và chú ruột là nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Tư Nghĩa.

Năm 15 tuổi, bà Phúc đã được chú tin tưởng giao cho việc liên lạc với các cơ sở cách mạng trong nội thành Hà Nội. Ngày 19-8, sau khi cùng các đội viên của Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu tỏa đi khắp ngả đường biểu tình giành chính quyền, bà Phan Thị Phúc cùng các nữ sinh khác được phân công chuẩn bị cho nhiệm vụ vận động hàng binh.

Một trong những mục tiêu quan trọng được Ủy ban kháng chiến thành phố Hà Nội xác định cần phải đánh chiếm nhanh gọn là trại Bảo an binh nằm trên phố Hàng Bài. Khi đoàn tiến đến trại Bảo an binh, cổng trại được khóa chặt và phía trong có hàng trăm lính bảo an đồn trú.

Dù không chống đối, nhưng họ nhất định không chịu mở cửa, bên ngoài còn có 4 xe tăng của Nhật canh ở 4 góc luôn chĩa súng vào ta. Nói về sự kiện này, ông Nguyễn Phúc Chí (tức Hoàng Đạt), người trực tiếp tham gia đánh chiếm trại Bảo an binh cho biết: “Hai bên giằng co hồi lâu mà không có kết quả, lúc này, đồng chí Thái Hi vội chạy tới Bờ Hồ để gặp các chị em thuộc Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu để yêu cầu họ chọn 10 người đến trại Bảo an binh để thuyết phục”.

“Nhận được yêu cầu của anh Thái Hi, tôi vội chạy tìm một chiếc sào để treo lá cờ cầm tay, đi đến đầu Tràng Tiền thì bị ngăn lại, tôi cầm lá cờ và cứ thế xông tới. Đi vòng một hồi cũng đến được nơi cần đến. Anh em lính bảo an mở cửa ngách để chúng tôi vào, gặp ông Quản Liên là người chỉ huy cao nhất ở đó, ông cười bảo, chúng tôi đang chờ xem cách mạng tiếp quản như thế nào, ai ngờ lại là 4 cô thiếu nữ. Rồi ông Quản Liên cho người dẫn cán bộ cách mạng đi tiếp quản kho súng để phát cho anh em tự vệ. Chúng tôi lúc ấy rất đói, liền đi lấy gạo, hái rau dại và quả sấu trong sân trại để nấu ăn, lính bảo an và anh em tự vệ cùng ăn với nhau, không khí rất hòa hợp” - Bà Phan Thị Phúc nhớ lại.

Toàn quốc kháng chiến, bà Phúc nhận lệnh rút về Sơn Tây và nên duyên với ông Nguyễn Cơ Thạch. Trong câu chuyện vui, bà cười bảo, ông Thạch hồi ấy mới ở tù ra, khô khan và nguyên tắc lắm. Bài hát duy nhất ông thuộc là bài “Cùng nhau đi hồng binh”. “Tuy hai tính cách khác nhau, nhưng chúng tôi có chung một tình yêu đất nước, tình yêu cách mạng. Và chính từ tình yêu lớn ấy đã se duyên, nhen lửa cho tình yêu đôi lứa” - bà Phúc chia sẻ. Hạnh phúc thuở ban đầu của họ là những tháng ngày nếm mật nằm gai trên chiến khu, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, cùng cả nước kháng chiến.

Sau ngày tiếp quản thủ đô, bà Phan Thị Phúc đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm khoa Dược Bệnh viện Việt - Đức. Còn ông Nguyễn Cơ Thạch lại biền biệt với những chuyến công du quan trọng nhằm để thế giới hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của Việt Nam. Năm 1972, Mỹ, ngụy bắn phá miền Bắc ác liệt, đơn vị của bà là nơi nhận cấp cứu các thương binh nặng và nạn nhân của các cuộc ném bom.

Suốt bao tháng ròng, bà ăn ngủ trong bệnh viện, pha chế huyết thanh để cứu người. Mỗi khi còi hú báo động thì lại sơ tán xuống hầm ẩn núp. Thời điểm này, ông Nguyễn Cơ Thạch tham gia đoàn đàm phán của đồng chí Lê Đức Thọ tại Paris (Pháp) về vấn đề kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Còn các con của bà, người đi học nước ngoài, người đi bộ đội chiến đấu và hai người con nhỏ đi sơ tán. Sau này, những người con của bà đều trở thành những nhà ngoại giao xuất sắc.

Cho chúng tôi xem những bức ảnh quý được sao lại một bản, bà Phúc xúc động nói: “Tôi đứng từ xa nhìn thấy Bác nhiều lần lắm, nhưng có 4 lần được gặp trực tiếp. Khi ấy mới thành lập nước, tôi được các chị trong Đội phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu phân công phục vụ tiệc chiêu đãi của Chính phủ. Đúng lúc tôi đang sắp đồ kẹo bánh, Bác xuất hiện hỏi, cháu năm nay bao nhiêu tuổi. Tôi trả lời xong, Bác hỏi học lớp mấy, tôi đáp, cháu mới hết năm thứ nhất Thành Chung, nhưng cách mạng nổ ra nên cháu bỏ rồi. Bác liền nói, cháu phải học thêm nhé, học để phục vụ đất nước. Câu nói ấy của Bác khiến tôi nhớ mãi, sau này dành cả đời học tập”.

Năm 1979, do thường xuyên phải tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi công tác nước ngoài với vai trò là phu nhân, bà chuyển về công tác ở Bộ Ngoại giao và làm việc tại đây cho đến khi về hưu vào năm 1993.

Với những tri thức đã lĩnh hội qua nhiều năm tháng và vốn ngoại ngữ tốt, bà nghiên cứu các tài liệu nước ngoài về kinh tế, quan hệ quốc tế rồi tóm tắt, trao đổi cùng chồng để hỗ trợ ông nắm bắt các xu hướng mới trên thế giới. Bà cũng chính là người đã đề xuất ý tưởng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đề nghị vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Bà Phan Thị Phúc tặng chúng tôi cuốn sách mình vừa hoàn thành, bày tỏ rằng, với bà, viết là một cách trau dồi trí nhớ, rèn luyện sức khỏe tinh thần để đẩy lùi bệnh tật. Bà cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và thành phố Hà Nội quan tâm đến nguyện vọng của những đội viên Đội thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa, để thủ đô có một con đường mang tên Cách mạng Tháng Tám và một đài tưởng niệm mang tên Đài Độc lập.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO