Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 02:39 GMT+7

Chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu

Biên phòng - Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam bắt đầu thực hiện chuẩn nghèo mới với mức thu nhập cao hơn và chú ý đến nhiều chiều hơn để phù hợp với tình hình xóa đói nghèo của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hua Bum, BĐBP Lai Châu hướng dẫn bà con dân tộc Mảng ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn cách phát hiện và phòng bệnh cho lúa. Ảnh: Đức Duẩn

Theo đó, tiêu chí về thu nhập, khu vực nông thôn nâng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2,0 triệu đồng/người/tháng (mức chuẩn cũ của khu vực nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900 nghìn đồng/người/tháng). Tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản từ 5 chiều lên 6 chiều; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình...

Cách tiếp cận chuẩn nghèo này dựa trên cơ sở phương pháp luận đo lường nghèo đa chiều của nhiều quốc gia đang áp dụng, bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) gắn với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp không nghèo vì thu nhập mà lại nghèo do khó tiếp cận được các dịch vụ cơ bản vì nhiều nhu cầu tối thiểu không thể đáp ứng bằng tiền.

Trước đây, Việt Nam đo lường và đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Nếu thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì thuộc diện hộ nghèo. Với chuẩn đó, nhiều hộ thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm ở cận chuẩn nghèo, nên tỷ lệ tái nghèo cao. Ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ; trong đó, 2,2 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo.

Với cách thức tiến hành khác trước, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 hướng tới sự bền vững hơn, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, không hề đơn giản để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều hằng năm từ 1-1,5%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Bởi, nguyên nhân gây nghèo ở nước ta là những vấn đề hết sức nan giải như: cơ sở hạ tầng yếu kém; thiếu sinh kế; chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp; nguồn lực đầu tư dàn trải...

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thiết kế theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ và có quá nhiều chính sách ưu đãi với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ đó. Nhiều hộ tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại, lười lao động, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo.

Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải đổi mới tư duy, đưa chính sách giảm nghèo vào xử lý các nguyên nhân xảy ra tình trạng nghèo đa chiều; chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu.

Cụ thể, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào “vùng lõi nghèo” và đầu tư vào con người, nâng cao năng lực phát triển của người dân để đến năm 2025, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Phương thức hỗ trợ người nghèo sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.

Với nguồn lực đầu tư trên 75.000 tỷ đồng tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề căn cơ nhất, việc khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng được xác định là mũi đột phá trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO