Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Chuyện thời chiến ở rừng sâu

Biên phòng - Trong những năm tháng chiến tranh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng như hầu hết các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào thường chọn những nơi hiểm trở, xa xôi nhất ở rừng sâu để hoạt động. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn được cán bộ An ninh vũ trang (nay là BĐBP) bảo vệ 24/24 giờ.

n9zk_6a
Các cựu chiến binh An ninh vũ trang thăm Gò Rô, huyện Trà Bồng. Tại nơi này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động khởi nghĩa giải phóng miền Tây. Ảnh: Văn Chương

Bà Phạm Thị Hồng Cúc, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhớ lại, vào một ngày cuối tháng 5 năm 1967, không khí làm việc ở cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi diễn ra đều đặn trong một cánh rừng rậm. Thỉnh thoảng, trên bầu trời vang lên tiếng ù ù của máy bay trinh sát OV10-Pronco. Tiếng máy bay nhỏ dần thì không gian lại trở nên tuyệt đối yên tĩnh giữa âm thanh của chim chóc và muông thú, tiếng suối róc rách. “Trưa nay, anh Thuần đón Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền đến thăm và làm việc”, đó là kế hoạch trong ngày của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi. “Anh Thuần” là mật danh của Ban Tổ chức, còn “bà Hảo” là mật danh của Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Bí thư Tỉnh ủy đến làm việc tại “anh Thuần” thường thông báo một số tình hình trên chiến trường, giao nhiệm vụ trong thời gian tới, việc tăng gia sản xuất, tải lương, vác đạn. Các cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy thường luân phiên đi xuống miền xuôi để cõng gạo, muối, cá khô. Đoàn tải lương rời bìa rừng lúc trời sẩm tối và phải trở về rừng trước khi trời sáng. 

Giữa rừng sâu, cơ quan không có tiếng kẻng, những tia nắng mặt trời yếu ớt xuyên qua tán rừng rậm với ánh sáng thẳng đứng và sương mù tan hết thì đó là lúc đã vào gần giữa trưa. Bữa cơm đãi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi diễn ra trên chiếc bàn dài được kê bằng cành cây. Bàn ăn không có ghế nên tất cả mọi người đều đứng. Món ăn ngon nhất mang đậm hương vị của núi rừng được dọn ra, đó là rau ranh nấu với ốc đá, nhưng gia vị hơi nhạt để tiết kiệm muối ăn. Mâm cơm có cả gạo trắng lẫn gạo đỏ, củ lang. Trong bữa cơm, 2 người lính An ninh vũ trang luôn nghe ngóng âm thanh từ mọi phía và khẩu AK không rời vai.  

Bữa cơm trưa đãi Bí thư Tỉnh ủy trong rừng, thỉnh thoảng mới có được món ngon nhất của miền xuôi đưa lên, đó là cá nục khô, cá cơm khô. Nhưng nếu ai bắt đầu hâm hấp nóng, sắp lên cơn sốt rét rừng thì những món ngon đều trở thành vị đắng ngắt. Từ Bí thư Tỉnh ủy đến anh em nhân viên, ai cũng đều trải qua 3-4 trận sốt rét rừng. Câu chuyện trong bữa cơm có khi là truyền nhau những vị thuốc Nam giúp chữa sốt rét, như: Lá mãng cầu, hy thiêm thảo, lá ngải cứu, ké đầu ngựa...

Bà Phạm Thị Hồng Cúc nhớ lại, ông Phạm Thanh Biền là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào thời điểm đó, nhưng nhân viên ở cơ quan gặp ông thì đều gọi là “anh Thưởng”. Bí thư Tỉnh ủy lúc đó thường mặc bộ quần áo chàm màu nâu, hoặc màu xám, đầu đội mũ vải như một người nông dân. Người ngoài có thể nhận ra đây là một người lãnh đạo vì đi bên cạnh Bí thư Tỉnh ủy là 2 người lính mặc áo bà ba đen, khoác súng AK. Cơ quan Tỉnh ủy càng ở sâu trong rừng thì càng bí mật, nhưng ngược lại, cuộc sống của anh em càng khổ, vì đường tiếp tế xa xôi. 

Tháng 5 năm 1967 là thời điểm Tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị vũ trang của xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cùng quân chủ lực chuẩn bị cho một trận đánh then chốt, giáng đòn chí tử vào Lữ đoàn Rồng Xanh thuộc đơn vị thủy quân lục chiến của Nam Triều Tiên. Những bức điện tín được gửi đi từ rừng sâu. Bà Cúc nhớ lại, đó là thời gian ác liệt nhất và cơ quan Tỉnh ủy phải di chuyển liên tục.

Trong cuốn Quảng Ngãi, lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975) và cả cuốn Lịch sử BĐBP Quảng Ngãi hầu như không đề cập đến từng vị trí của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong thời chiến tranh, chỉ đề cập việc ra đời của lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy tại xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng và đó cũng chính là trụ sở của Tỉnh ủy. Ông Phạm Thanh Biền, Bí thư Tỉnh ủy thời đó hiện nay vẫn còn sống và đã gần 100 tuổi. Cách đây vài tháng, ông nói rằng, Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang là người bạn, người anh thân thiết với ông trong những năm tháng chiến tranh.

Ông Biền kể lại, những địa điểm xây dựng cơ quan Tỉnh ủy nằm ở độ cao hơn 500 mét so với mức nước biển thì ít muỗi hơn và anh em trong cơ quan tránh được bệnh sốt rét. Cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang cũng giữ được sức khỏe để bảo vệ đường dây từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam về cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Có những lần địch dò ra sóng điện đài của Tỉnh ủy nên đánh bom dữ dội, cả cơ quan lại chạy lên hang đá Ông Tơ ở huyện Trà Bồng và di chuyển khắp nơi. 

iwx9_6b
Bà Phạm Thị Hồng Cúc từng công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 1965 đến 1975. Ảnh: Văn Chương

Những ngày giải phóng càng cận kề thì cơ quan Tỉnh ủy Quảng Ngãi được di chuyển dần về hướng đồng bằng để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình, giảm bớt thời gian để lo công tác hậu cần, lo lương thực cho đơn vị. Vị trí cơ quan Tỉnh ủy về miền xuôi gần nhất là khu vực xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Từ chợ Đồng Ké, lương thực và thực phẩm của miền xuôi được tiếp tế thuận lợi hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cơ quan Tỉnh ủy lại tiếp tục di chuyển lên núi, vì địch càn quét.

Năm 1975, đất nước giải phóng, bà Cúc và những cán bộ làm việc nhiều năm ở Tỉnh ủy Quảng Ngãi khi về miền xuôi phải tập dần mới quen được cảm giác ngủ giường. Vì thời còn ở trên rừng, hằng đêm ngả người trên chiếc võng đung đưa dưới bóng cây hoặc trong căn hầm chữ A. Còn ông Phạm Thanh Biền thì mỗi lần kể chuyện quá khứ vẫn ám ảnh những câu chuyện anh em đi rừng bị hổ vồ.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO