Biên phòng - Chiều 25-4, giờ địa phương (khoảng 11 giờ 30 phút, giờ Hà Nội), Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh tại Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Rusky, thành phố Vladivostok, Liên bang Nga. Tại Hội nghị này, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm qua, sau lần gặp gần nhất hồi năm 2011 giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Trước khi tiến hành hội đàm, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un đã có cuộc gặp ngắn công khai trước báo giới kéo dài khoảng 15 phút. Cuộc hội đàm kín diễn ra ngay sau đó giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, dài gấp đôi so với thời gian dự kiến ban đầu là 50 phút. Sau hội kín là hội đàm mở rộng đã diễn ra với sự tham dự của các quan chức Chính phủ hai bên.
Tại cuộc gặp ngắn công khai trước báo giới, Tổng thống Vladimir Putin hoan nghênh các nỗ lực của lãnh đạo Triều Tiên trong giải quyết vấn đề hồ sơ hạt nhân và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cũng như với Hàn Quốc, đồng thời ông cũng bày tỏ ủng hộ đối thoại liên Triều. Tổng thống Vladimir Putin chỉ ra rằng, Nga và Triều Tiên có nhiều tiềm năng để phát triển quan hệ kinh tế-thương mại, văn hóa-nhân đạo, song cần có rất nhiều nỗ lực.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng thế giới. Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh, cuộc hội đàm Nga-Triều lần này là sự kiện quan trọng để cùng nhau đánh giá tình hình và trao đổi quan điểm.
Theo giới quan sát, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un là một mũi tên bắn trúng nhiều mục tiêu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ có cơ hội để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với nền kinh tế trong nước đang trì trệ, mà còn gửi đi những thông điệp khác nhau tới Mỹ và Trung Quốc, đồng thời củng cố những thành tựu ngoại giao của ông trong suốt thời gian qua. Do đó, hành trang theo Chủ tịch Kim Jong-un đến Hội nghị ở Vladivostok có hai nỗi lo cấp bách. Hiện vẫn còn hơn 10.000 lao động Triều Tiên có phép tại Nga, nhưng họ sẽ bị trục xuất vào cuối năm nay do hết thời hạn cho phép cư trú trong khi nghị quyết về biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc cũng bắt đầu có hiệu lực.
Vấn đề của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là tìm cách duy trì lực lượng lao động này ở xứ bạch dương, bởi họ mang về cho Bình Nhưỡng hàng trăm triệu USD/năm. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng tính đến khả năng thiếu hụt lương thực vào mùa hè này. Phía Nga cho thấy, họ sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho quốc gia láng giềng (có thể lên đến 50.000 tấn lúa mì). Tháng trước, Moskva cũng đã chuyển hơn 2.000 tấn nông sản này đến Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng hy vọng sự ủng hộ của Nga sẽ gây sức ép buộc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt, vốn đang là vấn đề nan giải trong các cuộc thảo luận giữa hai bên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết, các lệnh trừng phạt chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân. Do vậy, mối quan hệ thân thiết hơn với Nga có thể cho Triều Tiên tấm bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, thắt chặt quan hệ với Triều Tiên, Nga sẽ làm giảm áp lực trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Nga rõ ràng cũng không mong đợi việc Bình Nhưỡng nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức mà Moskva mong muốn Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán trên cơ sở xây dựng lòng tin.
Đó là lý do vì sao cuộc gặp ở Vladivostok mang ý nghĩa đòn bẩy quan trọng đối với cả Triều Tiên và Nga.
Thu Uyên