Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Chuyện tác nghiệp ở biên giới, miền núi

Biên phòng - Nói đến nghề báo, không ít người sẽ hình dung về một nghề có nhiều thú vị, được đi đây đi đó, được tiếp xúc, được trải nghiệm cuộc sống ở mọi vùng, miền... Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Phóng viên tác nghiệp ở các vùng đồng bằng đã khó, còn phóng viên đi tác nghiệp ở biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, công việc của họ còn trải qua biết bao khó khăn, vất vả mà nếu không có lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết thì khó có thể vượt qua.

bwnj_8b
Phóng viên Nguyễn Viết Lam trên đường vào bản Sa Ná tác nghiệp. Ảnh: Minh Khuê

Đồng cam cộng khổ với đồng bào dân tộc

Phóng viên, Đại úy Nguyễn Viết Lam từng có hơn 10 năm công tác tại Báo Biên phòng, anh đã đến tác nghiệp ở hầu hết các vùng biên cương của Tổ quốc. Có lần Lam bảo, chính xuất thân từ một vùng quê, gia đình nghèo khó đã khiến anh thấy đồng cảm và gắn bó với bà con đồng bào dân tộc miền núi. Cũng chính bởi tình cảm đó mà anh luôn sẵn sàng đến với bà con, kể cả trong hoàn cảnh nguy cấp nhất. Còn nhớ, trận lũ lịch sử sầm sập kéo đến bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa vào tháng 8-2019, Nguyễn Viết Lam là một trong những nhà báo đầu tiên lao vào hiện trường để kịp thời đưa tin, bài và hình ảnh thảm khốc nơi rốn lũ. Thời điểm đó, Sa Ná bị cô lập giữa núi rừng. Ca nô được ưu tiên cho các hoạt động cứu trợ, phóng viên phải tự tìm cách vào được trong bản. Với kinh nghiệm nhiều năm tác nghiệp miền rừng núi, anh nghĩ ngay đến con đường rừng, dù con đường đó theo người dân bản địa nói là phải băng rừng, lội suối đi bộ hết 3-4 tiếng đồng hồ mới tới.

Sau quãng đường rừng mệt mỏi, đến nơi, hiện lên trước mắt anh là một góc bản làng bị san phẳng, ngổn ngang đất, cát, cây gỗ dồn ứ, chất thành đống, những ngôi nhà chỉ còn trơ móng, xiêu vẹo, đổ nát. Nhiều gia đình bị mất người thân. Chứng kiến hình ảnh tang thương nơi tâm lũ, Lam vừa chụp ảnh, vừa phỏng vấn, vừa rơi nước mắt. Thời gian sau đó, anh bám lại Sa Ná một tuần, liên tục đưa những thông tin kịp thời nhất đến công chúng, dù môi trường tác nghiệp tiềm tàng nhiều rủi ro, nguy hiểm. Tuy nhiên, Lam vẫn cho rằng, điều đó không thấm vào đâu so với nỗi đau mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Sau Sa Ná, phóng viên Nguyễn Viết Lam vẫn còn rất nhiều những chuyến đi, đến với nhiều vùng đất, con người mà anh không nhớ mặt, điểm tên hết, nhưng tựu chung lại vẫn là tấm lòng hướng về đồng bào nơi biên giới của Tổ quốc. “Khi đặt chân đến bất kỳ vùng đất nào trên dải biên cương, tôi đều cảm thấy sự gần gũi như chính quê hương của mình vậy. Cho nên, viết về biên giới, con người đang sinh sống, công tác nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong tôi” – Nhà báo Nguyễn Viết Lam chia sẻ.

Trưởng thành từ những chuyến đi

May mắn được về công tác tại Báo Biên phòng - cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, tờ báo gắn bó sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, đã cho tôi nhiều cơ hội được tiếp xúc, gắn bó với số đông bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền của Tổ quốc.  

Gắn bó với Báo Biên phòng, tôi dần quen với những chuyến đi cơ sở, được đặt chân lên những dải biên cương hùng vĩ của Tổ quốc, tận mắt nhìn thấy những công việc giản dị mà cao đẹp của những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang từng ngày, từng giờ gìn giữ chủ quyền đất nước, được ăn, được ở, được hòa mình cùng nhịp đập cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa... Chuyến đi để lại cho tôi nhiều “ấn tượng” nhất là hành trình về với bà con dân tộc ở xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, tháng 4-2015. Đó là chuyến công tác đầu tiên của tôi đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ khi công tác ở Báo Biên phòng. Theo sự chỉ dẫn của các chị đồng nghiệp, buổi tối, tôi một mình bắt xe khách từ Hà Nội lên thành phố Lào Cai. Lên đến Lào Cai thì trời vừa tảng sáng. Ngay khi ấy, chỉ mới 5 giờ sáng, tôi lại tiếp tục bắt xe khách đi Si Ma Cai.

Để đến được trung tâm xã, tôi phải ngược ngàn gần 150km, vượt qua quãng đường dài xóc nảy với rất nhiều ổ trâu, ổ gà... Khi ấy là tháng 4, nhưng trời khá lạnh. Buổi sáng, nhiệt độ xuống chỉ còn 6 độ C. Tôi ngồi co ro trong xe, nhìn ra ngoài chỉ thấy một màu trắng bạt ngàn của sương mù bao phủ...

vt7y_8a
Phóng viên Thanh Thuận tác nghiệp tại biên giới Lào Cai. Ảnh: Ngọc Khôn

Mặc dù đường sá xa xôi, vất vả, nhưng khi đến trung tâm xã, tôi như được tiếp thêm sức mạnh khi nhìn thấy những nụ cười thân thiện, gần gũi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai và người dân. Sau đó, tôi được đồng chí Chính trị viên đơn vị cử đồng chí Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đưa tôi đi địa bàn. Nơi chúng tôi đến là xã Mản Thẩn, một xã vùng cao khó khăn của huyện Si Ma Cai, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Địa hình nơi đây toàn núi đá cao, vực sâu. Đồng bào dân tộc Mông lại thường chọn những nơi cao nhất để làm nhà ở, sinh sống. Đường chúng tôi đi ngày càng lên cao, dốc đá dựng đứng. Xe máy phải lùi số về số 1. Ngồi sau xe máy, những háo hức ngắm cảnh núi rừng trong tôi bỗng chốc nhường chỗ cho việc nhìn đường đi và bám thật chắc vào đồng chí Đội trưởng Đội Vận động quần chúng kẻo bị... rơi khỏi xe. Vượt qua đoạn dốc, chúng tôi lại gặp con đường đất do mới mưa xong nên bùn nhão nhoét, xe máy cũng không thể đi được. Hai anh em cũng chỉ biết động viên nhau đi chân đất, lội bùn cố gắng vượt qua đoạn đường này.

Tới nơi, gặp anh thanh niên người Mông làm kinh tế giỏi, thay vì được mời nước, tôi được anh rót rượu ra một cốc to mời uống. Tôi được đồng chí Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đi cùng nói nhỏ vào tai, tục lệ ở đây là thế, sau khi uống hết rượu mới nói đến chuyện công việc. Khá bỡ ngỡ, tôi nhắm mắt uống nửa cốc, nhưng anh thanh niên tiếp tục khoát tay ý chừng uống cạn cốc. Tôi đành cố tu nốt hết nửa cốc rượu còn lại. Quả nhiên, sau khi uống xong cốc rượu, chuyện công việc giữa tôi và anh thanh niên trôi chảy hẳn. Anh trò chuyện rất cởi mở, còn nhiệt tình đưa tôi đi ra chỗ chăn thả gia súc cách khá xa nhà. Kết quả lần ấy, tôi đã thu được bài viết có chất lượng về người Mông làm kinh tế giỏi ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Công tác lâu dài tại Báo Biên phòng, những chuyến đi miền núi, biên giới sau này đã mang lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, sự hiểu biết về cuộc sống, giúp tôi trưởng thành hơn trên con đường dài phía trước...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO