Biên phòng - Dáng người nhỏ, nước da ngăm đen, nói năng không mấy lưu loát nhưng dũng cảm, luôn sẵn sàng sát cánh với cán bộ, chiến sĩ BĐBP đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm để biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc luôn bình yên. Ông là ngư dân Nguyễn Văn Mọi, trú tại làng Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mọi chia sẻ với phóng viên truyền hình về kinh nghiệm chống hải tặc tại một chương trình giao lưu. |
Nhớ lại khoảng thời gian những năm 2002 trở về trước, ông Nguyễn Văn Mọi cho hay: “Ngày ấy, trong làng Đá Chồng, ngư dân bỏ nghề gần hết. Nhiều gia đình lâm vào cảnh “tán gia bại sản” vì cứ giong thuyền ra khơi là hải tặc lại liên tiếp cướp giữ tàu, giữ người đòi tiền chuộc mạng”.
Ông Mọi kể, năm 1996, ông có chiếc tàu 18 tấn, vừa ăn Tết xong, xuất hành chuyến đầu năm, thu được một lượng lớn tôm cá. Đang mừng thầm trong bụng, năm mới chắc làm ăn khấm khá thì ngay ngày hôm sau tàu của ông bị bọn hải tặc bắt giữ, đòi tiền chuộc. Chạy ngược, chạy xuôi khắp mọi nơi, gia đình ông mới vay đủ tiền chuộc tàu và phải nửa năm sau mới trả hết nợ nần. Không chỉ riêng ông Mọi mà bố nuôi của ông (Sáu Xuân) cùng nhiều gia đình khác trong làng cũng cơ cực, lao đao vì hải tặc. Theo ông Mọi, gia đình ông Sáu Xuân có hai chiếc tàu trên 20 tấn, năm 1994 bị cướp một lần, đến năm 1997 tiếp tục bị cướp lần thứ hai, phải đi vay nặng lãi mấy chục lượng vàng để chuộc tàu về. Cuối cùng đành bán tàu trả nợ, rồi bỏ luôn nghề đi biển.
Mặc dù luôn phải đối mặt với nạn cướp biển, nhưng ông Mọi và những ngư dân còn lại lúc đó vẫn phải bám biển mưu sinh, đơn giản vì một lẽ là không biết làm nghề gì khác ngoài nghề đi biển. Chúng tôi hỏi, tại sao gặp nguy hiểm nhiều lần như thế mà ngư dân không báo cho BĐBP hay Hải quân... giúp đỡ? Ông Mọi cho hay: “Bà con đều tìm mọi cách để báo cho các đơn vị Biên phòng điều lực lượng ra ứng cứu. Thế nhưng, tàu của tội phạm tốc độ cao, thấy bóng các chiến sĩ Biên phòng là nó đã cao chạy xa bay. BĐBP vừa rút đi là chúng lại xuất hiện. Thấy cảnh đó, tụi tui tức ói máu mà không biết phải làm sao cả?”.
Sau nhiều ngày suy nghĩ tìm cách triệt phá tội phạm, ông Mọi bàn với bạn bè tự nguyện đem tàu ra “làm mồi” nhử tội phạm. Khoảng đầu năm 2002, sau khi nghe ông đề xuất ý định, được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang, Đồn BP Xà Lực đã cử cán bộ, chiến sĩ ém sẵn trên tàu cải trang. Chờ khi tàu của bọn hải tặc đến sát liền tổ chức trấn áp, ngăn chặn.
Nhớ lại trận hải chiến năm 2002, ông Mọi kể: “Hôm đó, chúng tôi gặp 4 tên hải tặc hung hăng đi trên chiếc ca nô. Tui cố tình lái tàu chạy chậm, dụ tụi nó tới sát nơi tàu của các chú Biên phòng đang ém quân sẵn. Khi biết lọt vào phục kích của BĐBP, bọn hải tặc chống trả quyết liệt. Hai bên đấu súng giữa biển hơn 10 phút, tới khi một tên bị bắn chết ngay tại chỗ thì chúng mới chịu buông súng đầu hàng”.
Chúng tôi hỏi: “Lúc cận kề với hiểm nguy, ông có thấy sợ không?”. Ông Mọi thật thà nói: “Đã liều đem mạng mình ra làm mồi “nhử” chúng nó thì phải chấp nhận thôi. Nếu lỡ may mình có chết mà chúng nó bị bắt thì bù lại, bà con ngư dân trong làng, anh em thân thuộc của tôi sẽ được yên ổn làm ăn lâu dài, không nơm nớp lo sợ gì nữa”.
Theo ông Mọi, sau vụ BĐBP bắt sống hải tặc năm 2002, lần lượt những băng nhóm tội phạm trên biển khác không lâu sau cũng tự giải tán hết. Từ đó tới nay, vùng biển quanh đảo Phú Quốc không còn bóng dáng tên “hải tặc” nào hoạt động nữa. Ngư dân luôn yên tâm bám biển làm ăn. Thông qua những tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn do BĐBP lập ra ở làng Đá Chồng, bà con thường xuyên liên lạc, kịp thời thông báo cho các đơn vị Biên phòng diễn biến tình hình trên biển. Ngoài ra còn giúp đỡ nhau mỗi khi gặp phải hoạn nạn hoặc gọi cho nhau để cùng đánh bắt khi gặp luồng cá lớn và cam kết không xâm lấn vùng biển nước ngoài, không khai thác nguồn lợi theo kiểu tận thu, hủy diệt...
Luôn dũng cảm, sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP triệt phá, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên biển, với những thành tích xuất sắc của mình, ông Nguyễn Văn Mọi vừa vinh dự được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen. Với ông, sự bình yên của biển, đảo Tổ quốc là động lực, là niềm tin để ông tiếp tục cống hiến cho xã hội.