Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 05:37 GMT+7

Chuyện nghề và làng nghề vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Lịch sử nghề truyền thống và các làng nghề truyền thống đã có từ ngàn xưa, có thể nói rằng, được bắt đầu từ việc chế tác công cụ đá mới (thời kỳ đồ đá) cách đây vạn năm. Hàng ngàn năm về trước, nghề thủ công truyền thống trên đất nước ta đã đạt đến những thành tựu rực rỡ của văn minh nhân loại, nghệ thuật đúc trống đồng là một ví dụ. Hàng trăm năm về trước, nghề thủ công truyền thống trên đất nước ta đã đạt đến mức hưng thịnh, phong phú, đa dạng và tinh xảo.

 318.gif
Xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm, một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa. Ảnh: Thái Vũ

Các nghề gốm sứ, rèn đúc, chạm khắc kim loại, gỗ, đá, dệt, thêu, nhuộm, đan lát đã để lại cho đời những sản phẩm mẫu mực về tay nghề, về khả năng lưu thông trên thị trường. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp không nhỏ trong kho tàng vô giá các nghề thủ công truyền thống của quốc gia. Cho đến ngày nay, các sản phẩm dệt, nhuộm, thêu ghép hoa văn thổ cẩm trên vải; các nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu đá, đồng, tre, nứa, gỗ, vỏ bầu khô; các công cụ săn, bắn, bẫy chim, thú, cá; các sản phẩm mây tre đan gia dụng của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khiến cho chúng ta khâm phục. Đáng tiếc rằng, trong những thập kỷ gần đây, do có nhiều yếu tố tác động, nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam bị mai một, sa sút rất nhiều.

Cả nước ta hiện có khoảng 1.500 làng nghề với khoảng 1,4 triệu thợ thủ công thì số làng nghề và thợ thủ công ở vùng dân tộc thiểu số lại quá nhỏ bé, ít ỏi. Sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống của vùng dân tộc thiểu số lưu thông trên thị trường lại ngày càng thiếu vắng. Lâu nay, chúng ta thường chỉ nhìn nghề và làng nghề thủ công truyền thống dưới góc độ kinh tế, giải quyết việc làm, có thêm thu nhập cho người lao động. Thậm chí, ta còn coi đó là nghề phụ, dành cho lao động phụ để có thu nhập phụ cộng vào thu nhập chính do chăn nuôi, trồng trọt tạo ra.

Nếu nhìn nghề truyền thống chỉ đơn thuần là nghề lao động kiếm sống, thì khả năng kiếm sống ấy sa sút tất yếu, nghề ấy cũng sẽ bị sa sút theo. Nếu nhìn nghề truyền thống, ngoài giá trị kiếm sống do nó mang lại vẫn còn một giá trị tiềm ẩn lớn lao đó là giá trị văn hóa, thì cho dù hiệu quả kinh tế không cao nhưng nghề đó hay nói đúng hơn là giá trị văn hóa của nghề truyền thống đó phải được bảo tồn, phát huy và phát triển phù hợp trong những điều kiện nhất định. Xin dẫn ra một vài ví dụ ở vùng dân tộc thiểu số. Trước đây, do tập quán chăn thả gia súc, mỗi con trâu, con bò đều đeo chiếc mõ bằng ống bương, đi đến đâu mõ khua lốc cốc, làng nào cũng có người biết nghề làm mõ. Nay phải khoanh nuôi bảo vệ rừng, chuyển từ tập quán chăn thả sang chăn dắt, trâu bò không còn đeo mõ nữa. Thế là lâu dần mất nghề làm mõ trâu, không ai còn nhìn thấy cái mõ trâu, không còn được nghe tiếng lốc cốc trâu về lúc ban chiều nữa, thật là buồn. Một ví dụ khác, ở Tây Nguyên vốn có nghề săn bắt, thuần dưỡng voi thủ công truyền thống, ngày nay, chúng ta xếp voi là loại động vật quý hiếm cấm săn bắt. Khi cần di dời một đàn voi dữ khỏi rừng Tánh Linh, người ta không để ý đến ở ta có nghề săn bắt voi truyền thống (nghệ nhân A Ma Công đã từng bắt trên 300 con voi ở Đắk Lắk). Họ thuê thợ nước ngoài tốn bạc tỷ về bắt voi theo lối công nghiệp bắn đạn thuốc mê, sát hại liền hai con voi để rồi mới di dời được năm con khác, những con bắt được ấy cũng tan đàn, mất hút trong vùng rừng biên giới. Bài học lịch sử để lại thất truyền nghề đúc đồng truyền thống. Bài học đương đại nhỡn tiền còn đó. Các thợ đúc đồng, làng nghề đúc đồng ngày nay có thể đúc hàng vạn chiếc cồng chiêng mới, nhưng chưa ai đúc nổi một chiếc cồng Mường có âm thanh ngân vang mượt mà thánh thót như cồng Mường cổ. Càng không thể đúc nổi một dàn cồng chiêng với đủ các cung bậc giai điệu của âm thanh mà các nghệ nhân đúc đồng đã chế tác từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Nếu cứ đà này, có lẽ không còn có nghệ nhân tạc tượng mồ, chế tác súng kíp, súng hỏa mai, bẫy săn voi, kiềng bắt hổ báo... Sẽ không còn người làm ra đàn đá, đàn nước, đàn nứa... Sẽ không còn thợ dựng nhà rông, nhà sàn, nhà dài, nhà gươl truyền thống.

Ngày nay, máy bơm nước và hệ thống kênh mương đã triệt tiêu cái xe nước, cọn nước, guồng nước. Máy xay xát đã triệt tiêu cối giã gạo nước ven suối và theo đó, nghề làm ra nó cũng bị mất theo. Trong khi đó, chúng ta lại quên rằng xe nước, cọn nước, guồng nước là cách tận dụng khôn ngoan năng lượng rẻ tiền siêu sạch, vốn sẵn có ở miền núi và dễ khai thác, sử dụng, không gây ô nhiễm và thấm đượm giá trị nhân văn. Chạy theo cái mới mà bỏ qua những cái cũ còn phù hợp, còn thích nghi là một việc làm có thể nói là phiến diện, nhất là những cái cũ ấy lại là nghề truyền thống.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến sự mai một của nghề truyền thống, chúng ta phê phán sự kém cỏi lai tạp, thiếu thẩm mỹ, kém hiệu quả của sản phẩm từ nghề và làng nghề truyền thống. Nhưng chúng ta có rất ít những nghiên cứu nghiêm túc những giải pháp, đề xuất xác đáng cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa nghề, văn hóa làng nghề truyền thống. Lẻ tẻ có ý kiến nêu ra thì cũng bị rơi vào quên lãng. Trong khi đó, không ít tổ chức quốc tế chính phủ và phi chính phủ của nhiều quốc gia lại rất quan tâm tới vấn đề này, đã có một số tiểu dự án nhỏ từ nước ngoài đầu tư rải rác cho nội dung này.

Mong rằng, những vấn đề nêu trên tiếp tục được nhận thức, được quảng bá, được quan tâm đúng mức để văn hóa nghề và văn hóa làng nghề truyền thống có vị trí xứng đáng trong kinh tế, trong văn hóa của đất nước.

Ngô Quang Hưng

Bình luận

ZALO