Biên phòng - “Đội đua thuyền nam xã Hải Ninh đoạt giải Nhất là xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Dân ở ngoài đó bây giờ giàu ghê gớm, họ sống tình nghĩa, thực chất, cơn đại hồng thủy năm 2020, dân Hải Ninh đưa thuyền vào cứu người dân các xã Duy Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh” - ông Lê Tùng, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình xem đua thuyền trên sông Nhật Lệ tắc lưỡi khen.

Từ chi tiết này, tôi phóng xe máy chạy dọc xã Hải Ninh, thấy nhà biệt thự, 2-3 tầng mọc lên sát nhau ở các thôn, hai bên đường xe ô tô đời mới đậu khá nhiều. “Biệt thự ở đây toàn mới xây dựng nên thiết kế đẹp hơn ở thị trấn Quán Hàu. Nhiều thôn giàu lên bền vững, họ kết hợp với nguồn tiền từ nước ngoài gửi về và phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” - Thiếu tá Phạm Thái Hòa, tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP Quảng Bình góp thêm thông tin.
“Vốn đầu tư nước ngoài” 150 tỷ đồng/năm
“Người dân ở mấy xã phía trong đồn thổi xã Hải Ninh giàu to nhờ đất tăng giá?” - tôi hỏi thẳng ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh. Ông Liệu cười giải thích: “Có bán đất, nhưng chỉ khoảng 10% đóng góp vào xây dựng nhà cửa và phát triển các dịch vụ trong toàn xã. Ngày trước, giá trị 1m2 đất ven đường chỉ 1 triệu đồng, hiện nay tăng lên 10-15 triệu đồng/m2. Với giá này không đủ bà con xây nhiều biệt thự như vậy. Xã Hải Ninh có 3 ngành chính tạo ra nhiều của cải: Khai thác thủy sản, nuôi tôm trên cát, xuất khẩu lao động. Xã có trên 600 người đang làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), hằng tháng vẫn có thêm người làm thủ tục đi lao động nước ngoài. Mỗi năm, số lao động ở nước ngoài gửi tiền về gia đình trên dưới 150 tỷ đồng”.
Với một xã bãi ngang như Hải Ninh, nguồn lực trên giống như “vốn đầu tư nước ngoài” trực tiếp vào các thôn, tích lũy nhiều năm với số tiền lên cả ngàn tỷ đồng. Từ số tiền này, bà con đầu tư kinh doanh, dịch vụ, xoay xở cho đồng vốn tiếp tục tăng thêm. “Nhiều người có vốn khá, họ đi qua các xã khác, thậm chí có người vào tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... để kinh doanh, đầu tư sản xuất, mang tiền về Hải Ninh xây nhà biệt thự” - ông Liệu tâm sự.
Đại bộ phận con em xã Hải Ninh đi xuất khẩu lao động đều thuộc nhóm “thiệt ăn, thiệt làm” và biết tiết kiệm chắt chiu từng đồng vốn. Anh Nguyễn Văn Hững, thôn Tân Định, xã Hải Ninh kể: “Năm 2016, hai vợ chồng em đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Mình con nhà nghèo đi làm thuê phải cố gắng tiết kiệm tối đa, chỉ mua những thứ tiêu dùng rẻ nhất, nên mỗi tháng hai vợ chồng còn dư ra 50 triệu đồng. Năm 2019 về nước, xây nhà trị giá 1,3 tỷ đồng, còn ít vốn mua hệ thống âm thanh, loa... phục vụ đám cưới ở trong xã. Bây giờ có thêm xe ô tô tải, xe con”.
Tình người trong gian khó
Chuyện làm giàu ở bãi ngang Hải Ninh còn được người dân các địa phương khác học tập, noi gương bởi tinh thần “tương thân, tương ái”, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Xã Hải Ninh cách sông Kiến Giang khoảng 7km, nơi xảy ra cơn đại hồng thủy năm 2020, nhấn chìm nhiều xã ở hạ lưu con sông này.
Anh Nguyễn Văn Hững - người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích cứu người trong đợt lũ năm 2020 chia sẻ với tôi: “Tôi nghe mấy người bạn gọi điện bảo, các xã ở bên sông bị chìm trong nước lụt, chạy xe máy vào xem. Thấy nước lên gần chóp nhà, tôi về thôn gọi thêm mấy người, đưa xe ô tô chở thuyền vào cứu bà con ngay lập tức. Lúc đầu chỉ ưu tiên cứu người già ở xã Duy Ninh trước, trong quá trình đi cứu, thuyền bị thủng 4 lần, vừa khắc phục, vừa đi cứu tiếp. Về sau, xã Hải Ninh huy động thêm 21 thuyền và đông đảo lực lượng, chia nhóm qua các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh cứu người, phát nước uống, cơm hộp”.
Trong những ngày thiên tai dồn dập, lực lượng thanh niên xã trực tiếp lái thuyền đi cứu dân, còn phụ nữ và người lớn tuổi đóng góp gạo, thức ăn, phân chia về các thôn nấu cơm, để vào từng suất, đưa lên xe ô tô chạy vào giao cho các thuyền để chở đến người dân ở những vùng nước ngập sâu cần cái ăn.
“Đa số người dân xã Hải Ninh tự nguyện đóng góp sức người, sức của cứu trợ bà con ở các xã ngập lụt. Trụ sở UBND xã trở thành điểm tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước đóng chai... của bà con gửi cứu dân vùng lụt và cung cấp bữa ăn miễn phí cho tất cả người dân gặp hoạn nạn đến khi cuộc sống trở lại bình thường” - ông Phạm Văn Liệu nói thêm.

“Mở đường” cho thủy sản bãi ngang
“Trước đây, xã Hải Ninh không có đường giao thông, mần (làm) cá ngoài biển vô bờ đưa lên nồi to kho, nướng, phơi, cả đêm gánh bộ đi qua nhiều đồi cát, mặt trời mọc mới tới chợ Cưởi (huyện Lệ Thủy) bày ra bán. Bán xong đi về nhà là trời tối. Còn vô bán chợ Hiền Ninh, đi từ 2 giờ sáng, buổi trưa quay trở về trời nắng như đốt, phải trèo qua những đồi cát cao. Nhiều khi làm ra thủy sản bán không ai mua phải đổ bỏ, cuộc sống quá cực” - bà Mai Thị Bòn, thôn Cửa Thôn, xã Hải Ninh nhớ lại.
Xã Hải Ninh có đường nối với quốc lộ 1A, dân ở bãi ngang chỉ sắm những thuyền 2 mũi nhỏ, đánh bắt cách bờ khoảng 10 hải lý trở vào, sản lượng không đủ lớn để xe ô tô từ nơi khác đến “ăn hàng” như các cảng cá lớn. “Mẹ tôi mất sớm, ba đi đánh cá về, tôi phải mang cá khoai, cá bờm trắng, ruốc... bán ở bến giá rẻ như bèo. Bí quá, tôi gửi thông tin các sản phẩm đến những người bạn hồi học cùng trường sư phạm, mấy bạn ấy đồng ý bán giúp, tôi cứ đóng thùng gửi xe ra Hà Tĩnh, Nghệ An... Cá bán được giá cao, dần dần trở thành đầu ra quan trọng cho ngư dân xã Hải Ninh” - bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vươn Đoàn, xã Hải Ninh kể câu chuyện bắt đầu khởi nghiệp.
Việc kinh doanh thuận lợi khi “đủ lông, đủ cánh”, bà Đoàn thành lập Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản đầu tiên ở xã Hải Ninh, đầu tư hệ thống kho lạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản ra các tỉnh miền Bắc và xuất khẩu. “Nhờ có kho lạnh, mùa khai thác cá bờm trắng của ngư dân chỉ được mấy tháng mùa Hè, tôi phải tập trung thu mua hết cá. Phải phơi khô thật nhanh, sản phẩm đạt chất lượng cao, cất vào kho lạnh để xuất khẩu dần vào những tháng mùa mưa. Hôm qua, đủ một tháng kết sổ, tôi thanh toán mỗi chủ thuyền trong xã từ 100-150 triệu đồng tiền mua cá bờm trắng. Hợp tác xã mở đại lý thu mua cá ở 2 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy). Tôi đang thuê đất để mở rộng xây dựng kho lạnh lớn hơn nữa” - bà Đoàn thông tin thêm.
Cá bờm trắng từ chỗ chỉ 50.000 đồng/kg, nay đã tăng từ 350.000-400.000 đồng/kg khô. Hiện nay, Hợp tác xã Vươn Đoàn thu mua nhiều loại thủy sản, số bán thị trường trong nước, số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Người dân Hải Ninh không còn cảnh “được mùa, mất giá”.
Hải Luận