Biên phòng - Nếu hành trình đi hết vùng biển của Tổ quốc và ra vùng biển quốc tế, bạn sẽ gặp bao điều kỳ diệu. Đó là những đàn cá hàng chục tấn nổi trên mặt biển. Khi ngư dân đánh lưới thì cá heo vào giành giật cá. Thời tiết ở đất liền mùa đông, còn các bãi ngầm giữa Biển Đông như đang vào mùa thu.
Tàu làm nhà cho cá
Ngày thứ 2 cuộc hải trình của tàu QNa 91327 TS ra bãi ngầm nằm giữa Biển Đông, tất cả ngư dân lên nóc tàu ngồi cạnh nhau, mắt không rời mặt biển để tìm "cây cá". "Cây cá" là những đồ vật to trôi nổi trên mặt biển, hàng chục tấn cá ngừ đến núp bóng. Nếu tàu ngư dân câu mực, câu cá phát hiện ra "cây cá" thì điện cho tàu đánh lưới và thỏa thuận ăn chia 4/6 hoặc 5/5.
Các ngư dân kể lại, trong phiên biển trước, tàu cá QNg 94713 TS, do ngư dân Trương Văn Chính ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi làm Thuyền trưởng đã được tàu câu cá ngừ đại dương điện đàm "bán" cho 1 cây cá khoảng 20 tấn. Tàu lao đến và chạy vòng cung bủa lưới vây đàn cá. Ngư dân thường vây lưới và nuôi cá sống, sau đó mới xúc từng mẻ lên tàu. Nhưng do cá nhiều, lưới dồn ép, cả tấn cá chết chìm xuống đáy, lưới căng và nặng như móc phải đá tảng. Các ngư dân phải dồn nước vào nhiều can nhựa, lặn xuống kê dưới bọc cá, sau đó dùng dây hơi thổi nước ra để biến can thành phao nâng đỡ túi cá. Vì túi cá quá nặng có thể "vật" tàu chìm như đã từng xảy ra.
Ngư dân còn có "chiến thuật" biến tàu thành nhà cho cá ở. Theo đó, tàu ra các bãi ngầm neo lại 3-4 ngày và cho ngư dân ăn chơi ngắm cảnh. Cá thấy bóng tàu thì tụ lại ngày càng đông. Nhắc chuyện "cây cá", ngư dân Trần Tương cho biết, trong chuyến biển trên tàu vỏ gỗ, trước khi chuyển qua tàu vỏ thép, các ngư dân nghe gió nên chạy từ bãi ngầm vào đất liền. Giữa lúc sóng to, gió lớn, bão đuổi theo sau lưng thì ngư dân phát hiện cá bám theo tàu. "Cá đen đặc như một hòn đảo bên dưới tàu vậy" - ông Tương hồi tưởng.
Tàu QNa 91327 TS dừng lại, thuyền trưởng Tiến động viên anh em "đánh một giác cho đã đời". Bọc cá 20 tấn kéo vào gần tàu, trong lúc gió ào ạt thổi, sóng phủ lên đầu. Các ngư dân chạy đua với thời gian để kéo lưới. Nhưng vì quá gấp gáp nên bịch cá bị toác đáy, toàn bộ cá trôi lại xuống biển. Các ngư dân la lên vì nuối tiếc, sau đó lại tiếp tục chạy vào đất liền. Tàu vào cửa biển Kỳ Hà thì cũng là lúc bão bắt đầu hoành hành trên biển.
Vùng biển hoang sơ
Chiều ngày 23-10, tàu dừng tại tọa độ 15 độ 30 phút vĩ độ Bắc - 113 độ 56 phút kinh độ Đông. Khi máy tàu dừng hẳn, không gian lập tức bao trùm bởi âm thanh vù vù của gió quạt trên lá cờ, tiếng sóng biển xào xạc, cảm giác yên bình lan tỏa trong lòng. Hai sợi dây câu thả sau đuôi tàu bắt đầu dính cá ngừ to như bắp chân, cá chủa màu vàng rộm. Cá dính câu báo hiệu tàu đã vào vùng cá khơi.
Nếu tàu tới gần Hoàng Sa thì vẫn có cảm giác mùa đông như trong bờ, vì gió lạnh, mưa phùn căm căm và bầu trời đầy mây đen bao phủ. Nhưng tiến ra bãi ngầm phía Đông Nam quần đảo thì biển nơi đây tinh khiết với màu xanh trong như ngọc, sóng trắng xóa luôn cồn cào suốt ngày đêm; mùa đông u ám được thay thế bằng biển và trời xanh ngát, mây trắng ùn lên phía chân trời như những lùm cây ở rìa làng trong đất liền.
Suốt những ngày ở bãi ngầm, tàu rất ít di chuyển, chỉ đánh cá tại tọa độ 15 độ 36 phút vĩ Bắc - 113 độ 44 phút kinh đông. Vào mùa đông, bãi ngầm vắng vẻ, chỉ có tàu của ngư dân Việt Nam. Mùa khác thì còn có tàu cá của Trung Quốc. Mỗi khi nghe đài báo gió thì tất cả tàu cá Trung Quốc "biến" đi rất nhanh. Trước khi đi, ngư dân Trung Quốc ra hiệu nể phục tàu cá của Việt Nam không sợ gió bão mà vẫn trụ lại và kiếm được nhiều cá.
Những ngày ở bãi ngầm, khi Đài Duyên hải miền Trung dự báo sẽ có gió mùa Đông Bắc, phía đường chân trời lập tức xuất hiện rồng nước. Đó là cột nước khổng lồ đang quay tít hút nước từ mặt biển lên đám mây đen trên trời. Nhìn xa, cột nước không thấy rõ, chỉ thấy chiếc đuôi từ trên trời có lúc dài, lúc ngắn như cái lò so đang uốn lượn để thọc xuống mặt biển. Hiện nay khoa học đã lý giải được nguyên nhân xuất hiện vòi rồng. Còn thời trước đây, ngư dân quan niệm là thần biển hút nước lên bầu trời để tạo ra giông tố.

Những "cư dân" kỳ lạ
Ngư dân đi biển thường cầu mong trời yên biển lặng. Nhưng có lẽ, các loài sinh vật dưới biển lại có cảm hứng ngược lại với con người. Khi có gió giông, mặt biển ở bãi ngầm lập tức trở thành "vũ trường". Các loại cá lao vun vút trên mặt nước. Cá đi thành từng bầy như đón mừng cơn mưa trên biển. Bầy cá chuồn không ngừng lướt trên đầu những con sóng rồi nhảy từng đàn. Ánh đèn tàu soi xuống mặt biển tạo thêm hiệu ứng cho những màn nhảy thêm lóng lánh đẹp mắt.
Khi đài báo gió mùa Đông Bắc thì trên tàu đột ngột xuất hiện những chú cò trắng mà ngày thường chỉ thấy ở đồng quê. Các ngư dân cho biết, nếu báo gió giật cấp 7 thì không hiểu cò ở đâu bay đến phủ rợp cả nóc tàu rồi bám vào khắp nơi. Chim hải âu non cũng tỏ ra thân thiện bay vào trong tàu, đậu trên vai ngư dân không hề sợ hãi. Sau chim là chuồn chuồn vàng, châu chấu, bọ ngựa. Chuồn chuồn bay khắp nơi, bám lên tàu, đậu lên áo quần, rúc vào tai các ngư dân như để tìm nơi trú ngụ.
Trong đêm, khi ngư dân kéo cá và reo hò, bầy cá heo đã đến và tham gia bằng màn nhảy múa bì bõm ngay gần tàu. Cá heo có vẻ khá thân thiện, nhưng cũng háu ăn, khiến ngư dân lo lắng. Đêm 24-10, khi bọc cá được gom về gần tàu, mấy chú cá heo bám theo và liên tục gặm lưới để giành mồi. Ông thuyền trưởng chạy đi chạy lại và la to: "Ôi, bà cá heo cứ tới cạp lưới để kiếm cá ăn". Cùng thời điểm trên, tàu cá QNa 91027 TS đánh lưới gần đó thông báo đang kéo cả chục tấn cá. Nhưng sau đó, các ngư dân bên tàu đó cũng la lên, "chừ cá heo nó tới xé lưới giành ăn. Trời ơi, mi ác quá, xổ hết cá ra biển rồi, chỉ còn 3 tấn".
Dù cá heo phá rối để giành giật thức ăn, nhưng ngư dân không ai tỏ vẻ căm ghét loại cá dễ thương này mà chỉ đứng nói với vẻ giận dỗi. Vì trong tín ngưỡng của người dân vạn chài, cá heo cũng được xếp vào loại cá ông Nam Hải đại tướng quân, thường kè theo giúp đỡ ngư dân bị trôi dưới biển. Cá heo cũng là loại nằm trong sách đỏ cấm đánh bắt.
Lê Văn Chương