Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Chuyện kể trên đường biên “chặn dịch”

Biên phòng - Sau hơn nửa tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã thấm sâu vào trái tim, nhịp thở của mỗi người lính Biên phòng. Trên mọi miền biên cương của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP âm thầm chịu đựng những thử thách khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, địa hình, những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần để căng mình chặn dịch. Những câu chuyện cảm động chúng tôi ghi được trên tuyến biên giới Gia Lai dẫu chưa thể phản ánh hết nỗi vất vả nhọc nhằn của lính Biên phòng trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đủ làm lay động trái tim của mọi người…

fn5b_10c
Trung úy Hà Lương Vũ, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thái Kim Nga

Nín thở giữa “chảo rang” Ia Lốp

Đối với các đơn vị BĐBP Gia Lai nói chung, Đồn Biên phòng Ia Lốp nói riêng, gần một tháng vừa qua thực sự là “thử thách kép” dành cho sức chịu đựng khi cùng một lúc trải nghiệm 2 đợt cao điểm: Cao điểm khô hạn và cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Nằm đơn độc giữa cánh rừng khộp, lều bạt, tăng võng ở các chốt phòng dịch của lính Biên phòng luôn nóng hầm hập như “chảo rang” kéo dài từ lúc mặt trời ló dạng cho đến khi khuất núi.

Thượng tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai chia sẻ với chúng tôi: “Nhìn cán bộ, chiến sĩ căng mình giữa cái nắng như thiêu như đốt, chịu đựng sự thiếu thốn trong sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi rất trăn trở và thương anh em vô cùng. Có những điểm chốt xa đồn Biên phòng, anh em phải lội bộ cả tiếng đồng hồ gùi nước về dùng, vất vả lắm nhưng vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong suốt thời gian cao điểm chống dịch vừa qua, trên tuyến biên giới tỉnh Gia Lai không để xảy ra tình trạng người dân qua lại biên giới trái phép, mọi biểu hiện vi phạm đều được chúng tôi phát hiện, xử lý kịp thời...”.

Trở lại với “chảo rang” Ia Lốp - nơi vốn được mệnh danh là “Biên phòng đệ nhất nóng”. Ở đây, lính Biên phòng âm thầm chống dịch không chỉ bằng mệnh lệnh của cấp trên, mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim” mình. Ẩn giấu bên trong làn da sạm nắng là những tâm tư tình cảm, buồn - vui lẫn lộn của người lính mang quân hàm xanh trên “mặt trận” chống dịch. Ở đó có nụ cười thật tươi vào mỗi chiều tắt nắng khi quê hương đất nước mình vẫn bình yên trong cơn đại dịch, nhưng cũng có “khoảng lặng” khi nghĩ đến gia đình, người thân. 

Câu chuyện của Trung úy Hà Lương Vũ, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp khiến mọi người càng thấm thía tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Anh kể: “Sáng ngày 13-4, nhận tin vợ chuyển dạ được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Pleiku (cách đơn vị khoảng 100km) mà lòng tôi nôn nao vô cùng. Mặc dù trước đó đã nhiều lần gọi điện về động viên cô ấy, nhưng nói thật, suốt ngày hôm đó, tôi phải nín thở chờ tin vì vợ sinh con đầu lòng, trong khi sóng điện thoại di động trên này thì cứ chập chờn. Mãi đến tối, tôi mới nhận được tin vợ phải đẻ mổ, rất may là mẹ tròn con vuông, tất cả đều bình an, hạnh phúc...”.   

Nỗi day dứt của người từ biên giới

Gác chuyện riêng để làm việc chung, quyết tâm bám trụ trên biên giới cùng đồng đội chặn dịch, “cuộc chiến” này cam go không kém những trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới gần 40 năm về trước. Trên đường biên cột mốc, mồ hôi, nước mắt người lính đã rơi xuống trong sự kìm nén để phía sau lưng mình, nhà nhà được bình an.

Ngày 13-4, tại chốt phòng, chống dịch Covid-19 nằm sát bên sông Pô Cô, Thượng úy Nguyễn Văn Dũng, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Phà 8 thuộc Đồn Biên phòng Ia Chía nhận được tin bố vợ hiện cư ngụ tại xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai nhập viện cấp cứu và qua đời do bị xuất huyết não. Đêm hôm đó, nước mắt của người nơi tuyến đầu “chặn dịch” đã rơi trong nỗi day dứt khôn nguôi. Không thể trực tiếp về chịu tang cha, Thượng úy Nguyễn Văn Dũng xin phép đơn vị được lập ban thờ ngay tại nơi anh đang làm nhiệm vụ để tạ lỗi với người đã mất.

Câu chuyện của hai anh em ruột Thượng úy Vũ Quang Thiều, nhân viên Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ia Nan và Thiếu tá Vũ Ngọc Hưng, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Gia Lai cũng tương tự như thế. Ngày 12-4, hai anh em nhận được tin bố của mình ở quê bị đột quỵ phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cha mẹ già yếu nơi quê xa, chưa một lần được làm tròn chữ hiếu, vậy mà giờ lại phải tạm nén lòng ở lại thực hiện nhiệm vụ. 

35gb_10b
Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy BĐBP Gia Lai trao Giấy khen của Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thái Kim Nga 

Ngày nào Thượng úy Vũ Quang Thiều và Thiếu tá Vũ Ngọc Hưng cũng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe cha, động viên người thân trong gia đình, nhưng nỗi trăn trở trong lòng thì chẳng bao giờ nguôi ngoai. Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Vũ Ngọc Hưng cho biết: “Tình trạng sức khỏe của bố tôi đã có những tiến triển tốt lên, nhưng phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Do yêu cầu nhiệm vụ, lúc bố cần mình nhất lại không được ở bên cạnh. Chúng tôi hứa với bố bao giờ dịch bệnh lắng xuống sẽ xin phép chỉ huy đơn vị về thăm bố...”.

Tạm gác lại chuyện riêng gia đình để bám trụ vững vàng trên biên giới chặn dịch. Với tâm thế và sự cống hiến thầm lặng của người lính Biên phòng, cùng sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, chắc chắn “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 sẽ sớm đi vào hồi kết.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO