Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 09:05 GMT+7

Chuyện kể mùa tuyển quân

Biên phòng - Để có ngày hội tòng quân tươi vui, đúng ý nghĩa, trước đó cả mấy tháng trời, những cán bộ làm công tác tuyển quân phải chuẩn bị khá công phu và vất vả. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các cán bộ làm công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ đã chủ động khắc phục khó khăn, tranh thủ thời gian tiến hành công tác tuyển chọn từ rất sớm, đảm bảo chặt chẽ trong từng khâu, từng bước.

Đại úy Minh và các chiến sĩ mới trong lễ giao nhận quân năm 2021. Ảnh: Ngọc Bình

Muôn vàn khó khăn

Là người nhiều năm thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn công dân nhập ngũ, Đại úy Nguyễn Đăng Chiến, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần, BĐBP Hà Giang tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.

Anh Chiến chia sẻ: “Để tuyển chọn công dân có chất lượng, điều đầu tiên là phải nắm chắc lí lịch chính trị và tâm tư nguyện vọng, tư tưởng của công dân tuyển chọn nhập ngũ. Một điều quan trọng nữa là phải nắm được phong tục tập quán, đặc điểm địa bàn. Có như vậy mới nắm chắc thắng lợi trong công tác tuyển quân”.

Ở miền núi, thanh niên thường lập gia đình sớm. Công dân trong diện tuyển nghĩa vụ rất nhiều người đã có vợ, vì thế, việc nhập ngũ hay không có khi là do người vợ quyết định. Chính vì thế, mới có câu chuyện dở khóc dở cười.

“Có công dân, khi chúng tôi tới thâm nhập để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, cả bố mẹ và công dân đều nhất trí nhập ngũ. Gần tới ngày phát lệnh nhập ngũ, do người vợ tác động, công dân này liền đổi ý, không nhập ngũ nữa. Rút kinh nghiệm những lần sau, chúng tôi phải lấy số điện thoại của gia đình và công dân trong diện nhập ngũ, thường xuyên liên lạc, nắm bắt tư tưởng và động viên bản thân công dân đó” - anh Chiến kể.

Anh Chiến bảo, bây giờ có điện thoại di động nên việc liên lạc động viên công dân nhập ngũ thuận tiện hơn trước kia rất nhiều. “Tôi còn nhớ, quãng năm 2002, 2003, không có điện thoại, không có đường, không có điện, mỗi lần đi tìm hiểu lý lịch công dân nhập ngũ phải đi đường mòn, lối mở nên rất vất vả. Có khi phải đi đến 3 lần mới gặp được gia đình của công dân. Hồi đó còn phải xác minh lý lịch tới 3 đời, nên tuyển được 1 công dân đủ điều kiện rất khó khăn và mất thời gian”- anh Chiến nhớ lại.

Cho đến bây giờ, việc đi lại vẫn là một trong những trở ngại đối với những người đi tuyển chiến sĩ mới như anh Chiến. “Có nhiều khu vực đường đi lại vẫn còn rất khó khăn. Ngay như xã biên giới Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, chúng tôi phải đi bộ 30 phút, trèo bờ ruộng xuống mới tới được nhà công dân thuộc diện tuyển chọn nhập ngũ. Hay như xã Pa Vệ Sủ, chúng tôi cũng phải đi xe máy 2 tiếng đồng hồ” - anh Chiến cho hay.

Điều khiến anh Chiến vui nhất là nhiều chiến sĩ do anh tuyển chọn, được rèn luyện trong quân đội, sau khi giải ngũ về địa phương đã trở thành công an viên, trưởng thôn, bí thư thôn, xóm, đóng góp hữu ích cho cộng đồng. Những người đó, sau này giúp đỡ anh rất nhiều trong công tác tuyển chọn chiến sĩ mới.

Tuyển người nào chắc người đó

Năm 2021, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên tuyển chọn 140 chiến sĩ mới. Thiếu tá Trần Phi Hổ, Trưởng ban Quân lực, Phòng Tham mưu, BĐBP Điện Biên cho biết, công tác tuyển, nhận chiến sĩ mới năm nay được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ trưởng các cấp, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hiệp đồng của Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên.

Đặc biệt, nhờ tuyên truyền tốt, số công dân đang trong độ tuổi nhập ngũ đã có chuyển biến rõ rệt về nhận thức, xác định tốt vai trò trách nhiệm của công dân trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh thuận lợi, công tác tuyển, nhận chiến sĩ mới cũng gặp khó khăn do diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Địa bàn tỉnh Điện Biên mặc dù đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, không có các ca nhiễm mới, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch trở lại do có nhiều lao động đi làm thuê từ các địa phương khác về.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ giao nhận quân tại tỉnh Hà Giang năm 2021 thu hẹp về quy mô tổ chức, các tân binh lên đường nhập ngũ không có người nhà tiễn. Ảnh: Văn Chiến

Bên cạnh đó, việc tuyển chọn công dân nhập ngũ gặp nhiều khó khăn do đối tượng trong độ tuổi tuyển chọn nhập ngũ phần lớn đi làm thuê ngoại tỉnh, nguồn tuyển chọn ít. Tuy vậy, với ý thức trách nhiệm, cán bộ tuyển quân BĐBP Điện Biên đã không ngại khó, ngại khổ, chủ động thực hiện sớm và chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Kết quả, BĐBP Điện Biên hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân.

Trong khi đó, BĐBP Thừa Thiên Huế tuyển chọn công dân theo phương châm thực hiện chắc từng khâu, từng bước, chất lượng là hàng đầu. Năm nay là lần thứ 3, Đại úy Võ Xuân Minh, Phòng Chính trị, BĐBP Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn công dân nhập ngũ. Theo anh Minh, để công tác tuyển quân đạt hiệu quả cao nhất, nhất thiết phải thực hiện tốt quy tắc “3 gặp, 4 biết”. Đó là gặp địa phương, gặp gia đình, gặp cá nhân; biết lai lịch chính trị, biết trình độ học vấn, biết nguyện vọng, biết tư tưởng.

Đối với Đại úy Minh, điều khá thuận lợi trong công tác tuyển chọn tân binh năm nay là cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiệt tình, quan trọng hơn cả là các công dân đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Theo anh Minh, bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyển quân cũng có những khó khăn do điều kiện khách quan và chủ quan. “Đó là có gia đình rất bận, khi mình đến để thâm nhập, tìm hiểu lý lịch phải chờ cả buổi mới gặp được. Có những người già không nhớ được năm sinh hay các mốc sự kiện. Nhiều khi mình phải suy luận, hỏi những người thân để có được thông tin chính xác và hợp lý nhất” - anh Minh chia sẻ.

“Có những gia đình không hiểu quy trình tuyển quân, không biết BĐBP đóng quân ở đâu, làm những nhiệm vụ gì. Lại có gia đình tưởng thực hiện nghĩa vụ quân sự nghĩa là được tuyển chọn phục vụ lâu dài trong BĐBP. Tôi phải giải thích chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, các quy định, kỷ luật quân đội, cũng như chế độ ra quân đối với đối tượng nghĩa vụ quân sự. Vất vả hơn cả là khi đi tuyển quân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đường đi lại khó khăn, người dân đi làm nương xa, có khi phải chờ cả ngày, có khi phải đến 2-3 lần mới gặp được” - anh Minh cho biết thêm.

Dẫu vất vả, nhưng những cán bộ làm công tác tuyển quân trong BĐBP vẫn luôn đề cao tính chủ động, cố gắng khắc phục mọi khó khăn để có được những tân binh chất lượng, giúp cho ngày hội tòng quân hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO