Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 01:42 GMT+7

Chuyện ít biết về Thượng tướng Song Hào

Biên phòng - Cô phóng viên Báo Biên phòng nói với tôi: “Chú viết cho cháu một bài về những kỷ niệm với Thượng tướng Song Hào, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông”. Tôi hỏi: “Sao biết chú mà đặt bài?”. “Dạ, cháu biết chú thân thiết với con của ông và đại diện cho thế hệ đồng đội, cấp dưới tự hào về thủ trưởng cùng thời đó”. Tôi nhận lời. Và rồi những câu chuyện về Thượng tướng Song Hào được sống lại. Đó là sau ngày Hiệp định Geneve được ký kết, hòa bình lập lại trên toàn cõi Việt Nam, nhưng đất nước cũng tạm thời bị chia cắt làm đôi, tại vĩ tuyến 17.

0d3p_12a
Đại hội khu 10 sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947. Chính trị ủy viên Song Hào (đứng, thứ 6 từ phải qua) chụp ảnh cùng thiếu sinh quân Khu 10. Ảnh: Tư liệu

Kỉ niệm từ thuở chống Pháp

Sau ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954, đầu năm 1955, bộ máy lãnh đạo kháng chiến chống Pháp của ta từ Việt Bắc chuyển dần về Hà Nội. Cùng về với các cán bộ lãnh đạo là gia đình họ, được xếp vào ở các căn nhà của sĩ quan Pháp ở các phố bao quanh thành Hoàng Diệu - nơi đóng quân của Bộ chỉ huy quân đội Pháp trước kia.

Trên đường Hoàng Diệu, đoạn đối diện với Câu lạc bộ Quân nhân và ngã tư với đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ) là gia đình các cán bộ cao cấp trong Tổng hành dinh. Gia đình tôi tới đầu năm 1958 mới chuyển về 20 Hoàng Diệu.

Chúng tôi, con em các tướng lĩnh, sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, cũng chỉ 5, 7 tuổi nhưng lập tức kết thân với nhau. Cùng đi học trường cấp 1-2 Lý Thường Kiệt và Phan Chu Trinh, chiều chiều tan học hay kéo nhau về vườn hoa Canh Nông (nay là công viên Lê-nin) đá bóng trên sân sỏi trước tượng đài làm bằng đá hoa cương; hay đêm hè mò mẫm dưới gốc sấu già tìm bắt ve non...

Ngày ấy, cha mẹ tôi hay sang chơi nhà các chú, các bác trong khu, trong đó có nhà chú Lê Quang Đạo và chú Song Hào, cùng sống ở số nhà 28, phố Cột Cờ, ngay sát chân Cột cờ Hà Nội. Anh Kháng Chiến khi đó đã lớn, còn nhớ những điều cha tôi (Thiếu tướng Trần Tử Bình) kể: “Trong thời kì bí mật, trước Cách mạng Tháng Tám (khoảng tháng 5-1945), trên đường đi họp Xứ ủy, cha và chú Đạo suýt chết vì máy bay Pháp ném bom trước cửa ga Hàng Cỏ. Sớm hôm ấy, cha thức giấc lúc 4 giờ, giục chú Đạo lên đường. Chú còn trẻ nên muốn ngủ thêm. Thế mà khi đi bộ đến Văn Điển, thấy máy bay vè vè bay dọc đường tàu lửa. Mấy hôm sau quay lại, thấy nhà trọ 2 anh em trú đêm ấy đã bằng địa vì bom...”.

Còn chuyện với chú Song Hào thì thế này...

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, các cơ quan đầu não của ta chuyển lên Chiến khu Việt Bắc. Năm 1947, cha tôi là “dự bị Bí thư” (Phó Bí thư) QQQ (mật danh của Quân ủy Trung ương) kiêm Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ (Chính trị Cục, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh) mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư.

Ngày 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, mở đầu cuôc tấn công chiến lược lên Việt Bắc; đồng thời mở 2 cuộc hành binh lớn mang tên Léa và Cloclo.

Trong lịch sử Chiến thắng Sông Lô có ghi: Ngay sau khi quân Pháp nhảy dù và xuất hiện trên đường số 4 và dọc sông Lô, ngày 13-10, Bộ Tổng chỉ huy đã khẩn trương điều chỉnh lại lực lượng, gồm các tiểu đoàn chủ lực của Bộ và Khu. Nhiệm vụ cụ thể: Mặt trận Sông Lô - Đường số 2 do Trần Tử Bình và Lê Thiết Hùng chỉ huy, đánh quân thủy, bộ vận động, ngăn chặn tăng viện tiếp tế, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía Tây. Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3 do Hoàng Văn Thái phụ trách, nhiệm vụ tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng và nống ra xung quanh thị xã Bắc Cạn; bảo vệ cơ quan Trung ương. Mặt trận đường số 4 do Võ Nguyên Giáp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

Cha tôi kể: “Lúc đó, Tư lệnh Khu 10 Bằng Giang và Chính trị ủy viên Song Hào đã phối hợp chặt chẽ với cha và bác Lê Thiết Hùng từ Bộ Tổng tư lệnh cử về. Ngày 10-10-1947, binh đoàn Communal với 35 tàu chiến từ Hà Nội theo sông Hồng, ngược Việt Trì và quặt vào sông Lô. Quân dân Khu 10 đã chuẩn bị pháo binh đánh chặn nhưng chưa bắn chìm được tàu nào vì pháo toàn bắn vọt tầm. Chúng càng nghênh ngang tiến lên. Nhà cửa, làng mạc bị đốt cháy, dân chúng bị pháo tàu bắn chết... U uất, căm hờn.

Bộ chỉ huy mặt trận họp rút kinh nghiệm. Chỉ huy pháo binh Doãn Tuế đề nghị đưa pháo xuống sát bờ sông, rồi dùng kĩ thuật ngắm thẳng nòng vào tàu địch. Ngày 12-10, tại Bình Ca, khẩu ba-dô-ca do quân giới Việt Nam chế tạo, được bố trí ở sát bờ sông, khi chiếc LCVP đầu tiên vừa đến thì bị quân ta bắn chìm...

Đến ngày 21-11-1947, binh đoàn Communal phải rút quân khỏi Tuyên Quang, gọng kìm phía Tây của quân Pháp đã bị bẻ gãy”.

Ngay sau Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch đã kí lệnh tấn phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Trung tướng cho Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng.

Từ ngày đó, tình bạn chiến đấu của cha tôi với chú Song Hào càng thêm thắm thiết. Sau này, khi anh Chương, con cả của cô chú, sang Liên Xô học tập, lúc qua Bắc Kinh có đến thăm và chụp ảnh với cha tôi.

Sau khi cha tôi mất (đầu năm 1967), cô chú vẫn thường qua thăm hỏi mẹ tôi và gia đình. Có sự an ủi của đồng đội cha mà mẹ và anh chị em chúng tôi nguôi ngoai phần nào.

Những năm tháng chống Mỹ

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động nhận công tác khác, ngày 3-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL, bổ nhiệm Trung tướng Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Hòa bình cũng chỉ được chừng chục năm. Ngày 5-8-1964, sau “sự kiện vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... phải sơ tán xa Hà Nội và các thành phố lớn.

Mãi hàng chục năm sau này mới biết, cuối năm 1964, tại văn phòng Tổng cục Chính trị đã có cuộc họp quan trọng do Chủ nhiệm Song Hào chủ trì cùng các Phó Chủ nhiệm Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu... Sau cuộc họp đã ra quyết định: Để đảm bảo an toàn cho hậu phương Quân đội, khẩn trương tập trung con em các gia đình cán bộ trung cao cấp đang chiến đấu ngoài chiến trường và gia đình có công lên Trường Văn hóa Quân đội ở Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang) học tập, rèn luyện, chuẩn bị lớp kế cận cho 10, 20 năm sau.

Và tháng 3-1965, những học sinh lớp 5, 6, 7 đầu tiên đã được đón lên doanh trại ở Trại Hòe. Đến ngày 15-10-1965, tại An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), tròn một năm sau ngày chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, đã chính thức thành lập Trường Văn hóa Quân đội mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Trong số học sinh của trường có 4 chị em con Trung tướng Song Hào.

Nhà trường được sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục Chính trị. Còn nhớ, khi đóng quân ở An Mỹ, chúng tôi - những chú học sinh trẻ mặc áo lính - kính trọng khi thấy Chủ nhiệm Tổng cục đầu đội mũ cối căng lưới ngụy trang, quần xắn móng lợn, chân đi dép lốp lên kiểm tra nhà trường. Khi xuống đại đội lớp 9, lớp 10, thấy các cháu học sinh đang tuổi lớn, sắp nhập ngũ, ăn tiêu chuẩn gạo 15kg không đủ no; ông đã quyết định cho tăng tiêu chuẩn lên 21kg gạo một tháng.

Gặp các thầy dạy con mình, ông dặn: “Các đồng chí coi con tôi như con em các đồng chí khác, đừng ưu tiên mà phải nghiêm khắc đưa các cháu vào kỉ luật Quân đội”.

Chính nhờ có sự quan tâm của Quân đội, Tổng cục Chính trị và Chủ nhiệm Song Hào mà thầy cô nhà trường đã giáo dục để 1.200 học sinh ngày đó, sau 50 năm trưởng thành, có hơn 900 người nhập ngũ, hơn 1.000 kĩ sư, bác sĩ, cử nhân, hàng trăm sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang với 4 trung tướng, 15 thiếu tướng... Học sinh Nguyễn Thiện Nhân  học khóa 5, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Chuyện Trung tướng đi học

Ngày học tập ở trường, phụ trách đại đội 5 chúng tôi có thầy Doãn Mậu Hòe. Năm 1967, thầy nhận nhiệm vụ ra chiến trường. Sau năm 1975, chúng tôi thành lập Ban liên lạc và đi tìm lại thầy cô đã từng giảng dạy mình, tìm lại bạn bè từng sống và học tập với mình.

Vậy mà đến năm 2010, 43 năm sau ngày chia tay thầy đi B, chúng tôi mới tìm được. Gặp thầy mới biết, thầy không chỉ dạy chúng tôi mà còn dạy 6 vị tướng của QĐND Việt Nam. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu và Trung tướng Phạm Kiệt.

Thầy kể, khi nhận nhiệm vụ dạy văn hóa cho các vị cán bộ cao cấp của QĐND vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được góp phần nâng cao trình độ văn hóa của các thủ trưởng vì phải hoạt động bí mật nhiều năm, rồi tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp mà thất học; lo vì bản thân quá trẻ (mới có 24-25 tuổi) mà lại phải làm thầy của các vị tướng già, thủ trưởng của mình.

Thầy kể: “Thầy dạy 6 vị tướng học tại nhà riêng, ở nhiều trình độ khác nhau: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh học Toán, Lý, Hóa cấp II; Trung tướng Phạm Kiệt học Văn, Toán cấp I; còn Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Trung tướng Lê Quang Đạo và Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu học Hóa, Lý cấp III. Và lớp học thì ghép theo nhà: Ông Thái, ông Mậu cùng nhà, học một lớp. Ông Song Hào, ông Đạo cùng nhà, học một lớp...

Trong công việc, các thủ trưởng rất nghiêm túc, nhưng khi lên lớp, các thủ trưởng có mặt rất đúng giờ và luôn gọi thầy là “thầy” và xưng tôi. Các thủ trưởng cùng Chủ nhiệm học tập say sưa, luôn luôn làm bài tập đầy đủ và đặt câu hỏi cho thầy. Đó cũng là niềm khích lệ để thầy chuẩn bị giáo án tốt hơn”.

Xin góp vài câu chuyện đời thường của Thượng tướng Song Hào, như vài nét chấm phá không chỉ về vị cán bộ cao cấp trong QĐND Việt Nam, mà còn về phụ huynh của bạn chúng tôi, nhân 100 năm Ngày sinh của ông!

Trần Kiến Quốc

Bình luận

ZALO