Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Chuyển hướng kiểm soát dịch bệnh

Biên phòng - Trước những kết quả tích cực trong kiểm soát đại dịch Covid-19, mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình, chuyển biện pháp phòng chống dịch bệnh này từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ảnh: minh họa

Hiện, dịch Covid-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A, mức đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đặc điểm dịch tễ của bệnh nhóm A kèm theo những quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, hạn chế rất nhiều các hoạt động sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội.

Nếu chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, là mức nguy hiểm thì sẽ không còn việc áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hay tạm ngừng kinh doanh. Động thái này cũng phù hợp với tình hình thực tế khi nhiều hoạt động của đời sống xã hội đã trở lại trạng thái bình thường.Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, Covid-19 dù vẫn còn có khả năng nguy hiểm và phức tạp, nhưng giờ đã chuyển sang một giai đoạn khác, chuyển từ chính sách “Zero Covid” sang phương thức quản lý, kiểm soát rủi ro. Kinh nghiệm phòng, chống dịch và năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được tăng cường, nhất là thành công của chiến lược vaccine, là những yếu tố hết sức quan trọng để điều chỉnh kịp thời các biện pháp, quy định, quy chế, quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí hiện hành để phù hợp tình hình, diễn biến mới.

Đến nay, cả nước đã triển khai tiêm được gần 209 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho người từ 18 tuổi trở lên lần lượt là 100%, 99,8%; tỷ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi lần lượt là 99,8% và 95,1%; tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên 50%; việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.

Thực tế, nhiều quốc gia đã chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu, tiến tới chung sống bình thường với dịch bệnh. Các chuyên gia cảnh báo, việc chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B nếu tiến hành chậm sẽ gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng tới ổn định đời sống, cũng như phát triển kinh tế.

Ngoài những sự lãng phí có thể nhìn thấy bằng trực quan, như chi phí để vận hành hệ thống y tế sẵn sàng cho các tình huống; chi phí cho mua sắm, bảo quản vật tư trang thiết bị phục vụ các kịch bản xấu nhất..., còn có rất nhiều sự lãng phí gián tiếp, lãng phí vô hình về thời gian, về nhân lực và chất xám, về chi phí cơ hội... mà doanh nghiệp, người dân phải trả, phải chịu để đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của phòng chống dịch.

Ở góc nhìn kinh tế, nếu chậm chuyển dịch Covid-19 sang nhóm B sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhiều chuyên gia đề nghị, căn cứ tình hình dịch bệnh, Chính phủ cần giao thời hạn cụ thể, với sự hỗ trợ của các cơ quan làm chính sách cùng với Bộ Y tế, đẩy nhanh tiến độ thực thi kế hoạch chuyển đổi bệnh từ nhóm A sang nhóm B.

Điều này không đồng nghĩa rằng chúng ta chủ quan với dịch bệnh mà là có cái nhìn phù hợp hơn về nó; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để không bị động, bất ngờ trước các tình huống, nhất là những biến chủng mới của Covid-19.

Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Chính sách mới về phòng, chống dịch chậm trễ ngày nào, sẽ gây lãng phí nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước ngày đó.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO