Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 11:28 GMT+7

Chuyện ghi ở Túng Sán

Biên phòng - Tôi đề nghị được vào xã Túng Sán để thực tế, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) “nhắc nhở” ngay: “Túng Sán là xã duy nhất của Hoàng Su Phì chưa có đường bê tông vào trung tâm xã. Đường xa và khó đấy…”.

43rd_10a
Trẻ em Túng Sán vui đến trường. Ảnh: Mai Hoàng

Cơn mưa lớn trước đó đã cả tuần, nhưng gần 20km đường vào Túng Sán vẫn vô cùng khó đi. “Con chiến mã” của anh Nghiệp, cán bộ Phòng Dân tộc Hoàng Su Phì lúc chồm lên, chúi xuống vì những cung đường gập ghềnh toàn đá; lúc lại trơn trượt bởi những đoạn đường đất như được thoa mỡ...

Chỉ cho tôi xem hệ thống ống cống ven đường để cho cỏ mọc, anh Nghiệp cho hay, con đường này thuộc dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4C nối Hà Giang - Lào Cai, nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên tuyến đường thi công dang dở. Đây cũng là tuyến đường độc đạo kết nối xã Tân Tiến và Túng Sán với trung tâm huyện và các xã khác.

Chật vật với những đoạn đường xóc lộn ruột, sau gần một giờ, chúng tôi mới vào đến UBND xã Túng Sán. Chủ tịch UBND xã Túng Sán, anh Đàm Đức Phương cho biết: Hiện, Túng Sán có 631 hộ, với 3.149 khẩu, thuộc 6 dân tộc khác nhau, trong đó có 264 hộ đồng bào Cờ Lao – một trong số những dân tộc rất ít người của Việt Nam.

Cuộc sống lạc hậu, đói nghèo, thất học của người Cờ Lao ở Túng Sán ngày nào, giờ đã là chuyện của quá khứ. Với nhiều chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trong đó có những chính sách dành riêng cho dân tộc ít người, đến nay, số hộ đói nghèo thuộc dân tộc Cờ Lao đã giảm đi rõ rệt. Trẻ em Cờ Lao đến tuổi đi học đều được đến trường. Dân tộc Cờ Lao ở Túng Sán đã có những người học hết lớp 12 như anh Cáo Diu Chợ, hiện đang làm Bí thư Đoàn xã Túng Sán; anh Min Phà Sánh, Trưởng Công an xã Đản Ván...

Đặc biệt, thay vì bỏ học sớm để lấy chồng, đã có những cô gái Cờ Lao quyết tâm theo học lên trung cấp, cao đẳng, tiêu biểu như em Vằng Pắng Khó, Min Thị Khen đang học cao đẳng sư phạm. “Để hạn chế tảo hôn, bên cạnh việc tuyên truyền đến tận hộ gia đình, mỗi thôn đều quy định rõ trong quy ước thôn, nếu kết hôn chưa đủ tuổi, sẽ không được đăng ký kết hôn” - Bí thư Đoàn Cáo Diu Chợ cho biết. Cũng theo anh Chợ, với cách làm này, chỉ riêng thôn 6 Chúng Phùng, nơi có nạn tảo hôn nhiều nhất, số cặp tảo hôn đã giảm từ 30 cặp năm 2012, xuống còn 2 cặp năm 2017.

Trở lại câu chuyện giảm nghèo ở Túng Sán, Chủ tịch Đàm Đức Phương nhắc đến con đường thi công dở dang và cho rằng: Đường xấu là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của Túng Sán. Bởi người dân muốn ra huyện mua gì hoặc có nông sản muốn mang bán đều gặp trở ngại.

Thực tế, Túng Sán là xã có tiềm năng về phát triển du lịch và một số loại cây công nghiệp. Hiện, riêng diện tích chè shan tuyết của Túng Sán là 269ha (230ha đang cho thu hoạch); diện tích thảo quả là 328ha (128ha đang cho thu hoạch). Mấy năm gần đây, Túng Sán đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình trồng ngô che phủ ni lông, cây dong giềng, chăn nuôi... cho kết quả khá tốt.

“Đường hôm nay chị đi là đã khô ráo, những hôm mưa to gió lớn, người dân trong xã muốn ra huyện khổ sở gấp nhiều lần. Túng Sán hoàn toàn có thể thu hút khách du lịch, nếu có con đường thuận lợi” – Chủ tịch Đàm Đức Phương khẳng định. Chia sẻ của anh Phương nhắc tôi nhớ tới những nếp nhà xinh xắn, ẩn hiện dưới tán cây, bên những quả đồi trên đường vào Túng Sán, xa xa là những thửa ruộng bậc thang đẹp như mơ với đỉnh núi Tây Côn Lĩnh lững lờ mây phủ. Với phong cảnh thiên nhiên như vậy, cùng những nét đẹp văn hóa, tâm linh độc đáo của 6 dân tộc anh em cùng chung sống..., Túng Sán hoàn toàn hấp dẫn đối với những du khách thích trải nghiệm và khám phá.

Dẫn tôi đi một vòng quanh các thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Phúc Thực cho hay, anh được phân công về Túng Sán công tác theo Đề án 500 tri thức trẻ, nhiều năm gắn bó với Túng Sán, anh cảm nhận rất rõ những thay đổi trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của người dân, sau những tác động thường xuyên của các cấp ủy chính quyền, các tổ, hội trong xã. Câu chuyện phát triển cây chè ở Túng Sán là một ví dụ.

Nằm ngay dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh trên dãy Hoàng Liên Sơn, Túng Sán có độ cao và khí hậu rất phù hợp với cây chè shan tuyết. Hàng trăm năm qua, cây chè shan tuyết đã có mặt ở khắp các nương đồi ở Túng Sán. Lớn lên nhờ tinh túy của đất trời nên chè Túng Sán có chất lượng rất ngon, hương vị đặc trưng.

x1uk_10b
Phụ nữ Cờ Lao chế biến chè shan tuyết. Ảnh: Mai Hoàng

Trước kia, người dân Túng Sán còn thờ ơ với việc chăm sóc, thu hái chè. Hàng trăm gốc chè cổ thụ chất lượng có tuổi đời vài chục đến cả trăm năm chỉ được thu hoạch sử dụng trong gia đình, trong phạm vi xã, giá trị thu được rất thấp. Vậy nhưng, mấy năm gần đây, dưới sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, cộng với giá chè shan tuyết ngày một tăng, Túng Sán đã có hơn 60% số hộ dân tham gia thu hái chè, toàn xã đã có gần 40 máy vò, máy sao chè. Khái niệm chè hữu cơ cũng đã bắt đầu được phổ biến ở Túng Sán.

Tíu tít với mẻ chè đang làm, chị Tráng Thị Hạnh (người dân tộc Cờ Lao), sống ở thôn 2 Phìn Sư cho biết: Cả trăm gốc chè của nhà chị đều phải dùng thang mới có thể leo lên để hái. Mỗi năm, chè cho thu hoạch 3 vụ vào các tháng 3, 5, 7 (âm lịch). Cây chè sinh trưởng tốt là nhờ khí hậu phù hợp, không phải chăm sóc hay bón bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Hàng năm, chỉ cần đốn bớt cành để cây nảy cành và ra búp mới.

Với giá 1kg chè tươi dao động từ 10.000 - 15.000 đồng, loại 1 tôm 1 lá lên tới 40.000 - 50.000 đồng; chè khô giá dao động khoảng 80.000 - 150.000 đồng/kg; có loại chè thương hiệu lên tới 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nhiều gia đình ở Túng Sán đang tập trung vào làm chè; có thêm thu nhập mua sắm vật dụng trong gia đình, đầu tư cho con cái học hành, góp phần vào thay đổi diện mạo của Túng Sán...

Đường về Túng Sán đến nay vẫn còn xa và khó, nhưng quyết tâm của chính quyền và nỗ lực của đồng bào ở Túng Sán đang cho thấy, trong lúc đợi con đường giao thông hoàn thiện, người Túng Sán đã chủ động mở ra được con đường thoát nghèo cho chính mình.

Mai Hoàng

Bình luận

ZALO