Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Chuyện ghi ở “cổng trời” Ea Rớt

Biên phòng - Tọa lạc giữa bốn bề đồi núi, thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk được người dân địa phương gọi là “cổng trời”. Nơi đó mùa hè nắng chói, mùa mưa dường như cô lập với xung quanh. Chuyến công tác tự chạy xe máy trên con đường độc đạo, dốc núi quanh co vô cùng hiểm trở lên “cổng trời” Ea Rớt giữa mùa khô mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị chưa từng có.

Lớp học tại điểm trường Tiểu học Cư Pui 2, thôn Ea Rớt (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Lê Hường

Thôn biệt lập

Từ trung tâm xã vào thôn Ea Rớt chỉ 16km, nhưng chúng tôi phải chạy xe máy hết gần 2 giờ đồng hồ. Lần đầu tiên, tôi tự lái xe trên con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn quanh những quả đồi, lớp bụi đất mịn như bột dày đến nửa lốp xe che hết mặt đường, mỗi lần vấp phải ổ gà, ổ voi, chiếc xe máy nhảy chồm chồm, chao đảo. Có những khúc cua tay áo khiến cả người lẫn xe nghiêng ngả, có những đoạn dốc thẳng đứng 45 độ, một bên là núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm, người đi phải giữ bình tĩnh và gồng hết sức để qua.

Vượt qua đèo Ea Lang - đoạn dốc cao khó đi nhất, chúng tôi dừng nghỉ, người dẫn đường là anh Y Bây Niê nói: “Lên đến đây, tôi nhẹ cả người, sợ cô không quen đường, tôi lo thom thóp. Từ đây vào thôn không còn xa mà đường cũng dễ đi hơn rồi”.

Hơn chục năm làm cán bộ văn hóa xã và mấy năm nay làm Bí thư chi bộ thôn Ea Rớt, anh Y Bây Niê nhớ nằm lòng từng đoạn đường khó, những ổ gà, ổ voi. Anh kể: Ngày xưa, đây là con đường khai thác gỗ của các công ty lâm nghiệp, sau này rừng đưa về Nhà nước quản lý. Con đường được mở rộng thêm, nhưng vẫn là đường đất rất khó đi. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa chỉ có cách duy nhất là đi bộ, bởi những ổ voi, ổ gà trở thành ao, bụi đất thành sình lầy quánh dính, có chỗ nước trên núi đổ xuống thành dòng suối. Người ta phải buộc xích vào lốp xe để hạn chế độ trơn trượt, nhưng đôi lúc vẫn phải khiêng xe. Có lần, tôi phải gửi xe đi bộ vào mất 4 giờ đồng hồ mới tới.

Đến điểm trường, đôi tay tôi mỏi nhừ, toàn thân bụi phủ một lớp vàng khè, lột lớp đồ bảo hộ gồm khăn trùm, áo khoác ra, ai nấy quầng mắt đen xì như đeo chiếc kính gọng đen. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm thấy chúng tôi thì tay bắt mặt mừng, ông bảo: “Ngoài con đường độc đạo này, còn một cách khác để rời thôn Ea Rớt là đi bằng sà lan, bè gỗ qua suối Đất đến xã Cư Êlang, huyện Ea Kar. Khi về, các cô qua bè mà về. Đi đường vòng xa hơn nhưng bằng phẳng, an toàn”.

Tiếp lời Bí thư Đảng ủy xã, ông Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt nói thêm: Con đường đất đi lại khó khăn nên thương lái vào đây thu mua nông sản thường đi bằng bè, bên kia bờ suối có một bãi tập kết nông sản. Mùa khô, lòng suối chỉ khoảng 50-60m, mùa mưa, nước dâng cao, khoảng cách hai bờ suối 90-100m, thôn Ea Rớt như một ốc đảo. Nước lớn nên việc di chuyển bằng bè qua suối rất nguy hiểm. “Cũng may nước suối chỉ dâng cao mà không chảy xiết, người dân, trẻ nhỏ trong thôn cũng biết bơi nên chưa có người rớt xuống suối tử vong bao giờ, chứ ở đây bè bị lật nhiều lần rồi, phương tiện lao động, xe máy thì hư hỏng nhiều vô kể” - ông Vàng Seo Măng cho biết thêm.

Gian nan hành trình “gieo” chữ

Thôn Ea Rớt thành lập từ năm 2004, chủ yếu là người Mông từ miền Bắc di cư vào. Toàn thôn hiện có 168 hộ, với hơn 1.000 nhân khẩu, sống bằng nghề nông. Cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, từ đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế...

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, thôn được đầu tư một dãy lớp học, một ngôi nhà cho thầy cô giáo ở lại, song, điều kiện học tập của các em còn nhiều thiếu thốn. Với quyết tâm gieo chữ vùng đất khó, các thầy cô giáo cùng chính quyền địa phương tìm mọi cách vận động, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ trẻ đến trường. Ở đây, các em chỉ học mầm non, cấp 1, còn cấp 2 phải ra trung tâm xã và đi học cấp 3, các em phải thuê nhà trọ để học.

3 năm luân phiên qua lại dạy giữa trường chính và điểm trường thôn Ea Rớt, thầy giáo Vũ Hồng Vĩnh, giáo viên thể dục Trường Tiểu học Cư Pui 2 cảm nhận sâu sắc cái khó của học trò. Thầy Vĩnh nói: “Chúng tôi di chuyển từ điểm trường chính vào đây vất vả nhất là mùa mưa, phải quấn xích vào lốp xe máy cho đỡ trơn, nhiều lúc còn phải khiêng vác xe lên vì bùn lầy quánh đặc bánh lái. Khó khăn là thế, nhưng chỉ cần các em đến lớp đông đủ là chúng tôi có động lực để tiếp tục bám trường. Các chị thấy đó, các cháu đi học giày dép không có, đa phần đi chân đất, quần áo lấm lem, cả lớp chỉ được một vài em có bộ đồ học sinh đàng hoàng đến lớp. Chúng tôi luôn tranh thủ kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ các em. Mong rằng, chuyện học của các em sẽ được quan tâm nhiều hơn”.

Theo thầy Trần Ngọc Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, học sinh nơi đây rất hiếu học, phụ huynh cho con đi học rất đầy đủ, đạt tỉ lệ hơn 95%. Hiện tại, điểm trường Ea Rớt có 6 lớp, gồm 5 lớp khối tiểu học và 1 lớp mầm non với 165 học sinh đều là người Mông. Tại đây có 6 giáo viên đứng lớp và 2 giáo viên dạy bộ môn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo đều rất nỗ lực vì thương học trò nghèo khát khao học chữ.

Xuống phà qua suối Đất rời Ea Rớt, chúng tôi đau đáu theo ánh nhìn của các em học sinh đồng bào Mông ở “cổng trời” Ea Rớt. Thầm nghĩ, lần sau trở lại, mọi thứ sẽ thay đổi tích cực hơn, như lời đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm nói: “Chỉ cần làm được đường nhựa, giao thông thông suốt, người dân Ea Rớt sẽ bớt khổ, cuộc sống sẽ ngày một đi lên”.

Lê Hường

Bình luận

ZALO