Biên phòng - Trời còn chưa sáng rõ, nhưng bên mé sông Rạch Gốc, phía sau Cơ sở Ba khía muối Châu Sang, đã tấp nập bước chân người. Nếu lắng nghe thật kỹ, thấy cả tiếng lao xao cựa mình của trăm nghìn con ba khía. Ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau này, chuyện vợ chồng anh Sang, chị Đạm khởi nghiệp từ ba khía đã trở thành tấm gương điển hình về sự năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu của nông dân đất Mũi.
Dành tâm huyết cho nghề ba khía muối
Như mọi ngày, vợ chồng anh Châu Ngọc Sang và chị Nguyễn Hồng Đạm (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) lại hối hả, người cân, người tính tiền cho các cô, các chị mang ba khía qua bán.
Sau khi thu mua ba khía, vợ chồng anh Sang, chị Đạm cùng những người giúp việc khẩn trương phân loại, xịt nước rửa ba khía thật sạch, ngâm muối trong vài giờ cho ba khía, sau đó thì cho vào lọ và đổ nước muối đã pha theo tỉ lệ định sẵn... Quy trình thoạt nghe thật đơn giản nhưng để có lọ ba khía muối ngon, đảm bảo vệ sinh thì khâu nào cũng đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, kĩ lưỡng.
Thực tế, con ba khía (gần giống cua biển, nhưng kích cỡ nhỏ hơn) có ở nhiều địa phương, ngay tại tỉnh Cà Mau, cũng có nhiều huyện có ba khía. Tuy nhiên, ba khía Ngọc Hiển (tập trung chủ yếu ở thị trấn Rạch Gốc) mang hương vị đặc trưng, ít nơi nào sánh được. Chính bởi cái vị mặn riêng cộng với vị ngậy của gạch son, vị thịt ngọt béo không lẫn vào đâu của ba khía Rạch Gốc nên những ai sinh ra và lớn lên ở Rạch Gốc, hay có những năm tháng sống ở đất mũi Cà Mau..., nay phải xa xứ, hễ nhắc đến ba khía muối lại cảm thấy cồn cào nỗi nhớ quê, nhớ vị mặn mòi không dễ phai nhạt dù xa xôi, cách trở.
“Sở dĩ ba khía Rạch Gốc ngon nức tiếng là bởi con ba khía ở Rạch Gốc sinh trưởng từ những cánh rừng mắm, rừng đước bạt ngàn của vùng đất mũi Cà Mau với thức ăn chủ yếu là những trái mắm đen ngậm đầy phù sa” - chị Đạm vừa chia sẻ đầy tự hào, vừa chỉ cho tôi thấy những rừng đước, rừng mắm bạt ngàn bên kia sông.
Trò chuyện mới hay, chị Nguyễn Hồng Đạm sinh ra ở huyện Cái Nước, chồng chị - anh Châu Ngọc Sang là người thành phố Cà Mau, nhưng 2 anh chị lại chọn Ngọc Hiển làm bến đỗ cũng bởi một phần do con ba khía. “Như nhiều người dân Cà Mau, tôi rất thích ăn ba khía muối. Chuyển đến sống ở thị trấn Rạch Gốc, được thưởng thức món ba khía muối nổi tiếng của vùng đất này, hai vợ chồng nảy sinh ý tưởng mua ba khía về muối thử. Ban đầu chỉ làm vài hộp cho người thân, bạn bè, sau mọi người khen ngon, đặt mua về ăn và làm quà... Cứ thế, không hẹn mà thành, năm 2013, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang ra đời, chúng tôi chính thức khởi nghiệp với nghề thu mua và chế biến ba khía muối”.
Được biết, trung bình mỗi ngày, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang thu mua khoảng 200kg ba khía, vào ngày “hội ba khía” (mùa ba khía mở hội yêu đương, khoảng rằm tháng 7 đến tháng 10) có thể thu mua 3-4 tấn/ngày. Với mục đích trữ ba khía để muối dần, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang đã đầu tư kho lạnh nhằm đảm bảo độ tươi ngon của ba khía.
“Do ba khía Rạch Gốc ngon có tiếng, nên giá ba khía mua vào ở Rạch Gốc đã bằng giá ba khía muối ở các địa phương khác bán ra. Nếu cạnh tranh về giá, cơ sở của chúng tôi có thể thua. Nhưng chúng tôi tự hào vì khách “mê” ba khía, khi đã thưởng thức ba khía muối Châu Sang dù chỉ một lần đều quay trở lại, dù đó là khách ở Quảng Nam, An Giang hay thành phố Hồ Chí Minh” - chị Nguyễn Hồng Đạm tự tin nói.
Từ con ba khía nhỏ đến khát khao lớn
Theo anh Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc: Mấy năm trở lại đây, huyện Ngọc Hiển đã xuất hiện một số cơ sở chế biến ba khía muối, cung cấp rộng rãi cho các vùng, miền. Trong đó, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang mặc dù ra đời sau, nhưng lại là cơ sở thu mua ba khía với số lượng lớn, góp phần không nhỏ để thực khách phương xa biết đến ba khía muối Rạch Gốc.
Trong lúc ngồi tiếp chuyện với chúng tôi, chị Đạm liên tục có điện thoại đặt mua ba khía. Trái với một số hộ thường thờ ơ với việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông hay bán hàng qua mạng internet, vợ chồng chị Đạm, anh Sang rất vui vẻ đón tiếp phóng viên báo chí, say sưa hào hứng kể về con ba khía. Ngay từ mấy năm trước, chị Đạm đã rất thuần thục việc quay clip, chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng trên zalo, facebook và nắm trong tay rất nhiều mối vận chuyển để chuyển hàng đi khắp Bắc - Trung - Nam khi có khách đặt hàng.

“Là một cơ sở sản xuất nhỏ, không có bề dày truyền thống, lại ở tận đất Mũi xa xôi... nên với chúng tôi, facebook, zalo là kênh bán hàng ít tốn kém và khá hiệu quả. Nhờ bán hàng qua mạng, tôi đã có khách hàng ở khắp nơi” - chị Đạm chia sẻ. Hiện tại, ngoài sản phẩm chính là ba khía muối (đã đăng ký nhãn hiệu), Cơ sở Ba khía muối Châu Sang còn bán cả ba khía xào me và các loại hải sản tự nhiên của địa phương (cá dứa, tôm đất, ốc len, cua biển, cá thòi lòi, cá ngát, ghẹ vuông, cá khoai lưới...). Không chỉ thu mua ba khía cho hàng trăm hộ ở Ngọc Hiển, vào những ngày hội ba khía, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, với thu nhập 200.000 đồng/ngày/người.
Chị Đạm cho hay, gia đình chỉ có anh Sang học đại học và đã trải qua công việc ở Phòng Nông nghiệp của huyện, còn bản thân chị chưa từng học qua trường lớp nào về kinh tế..., nhưng trong buổi trò chuyện, dễ dàng nhận thấy chị Đạm không những tháo vát, mà còn có tầm nhìn xa: “Muốn giữ khách hàng thì sản phẩm phải sạch, phải ngon. Muốn có nguồn nguyên liệu dồi dào thì nhất định không thu mua ba khía con để ba khía còn sinh sôi. Biển cả mênh mông nhưng các loài sinh vật thì không vô tận...” - chị Đạm chia sẻ.
Cũng bởi gắn bó với con ba khía đã nhiều năm, gia đình sống khỏe và kinh tế khá giả hơn nhờ ba khía, nên khi hay tin nghề muối ba khía của Ngọc Hiển được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được tỉnh Cà Mau đưa vào kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chị Đạm, anh Sang vô cùng phấn khởi.
“Tháng 12-2019, nghề muối ba khía của Ngọc Hiển được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thì ngay sau đó, sản lượng tiêu thụ ba khía của cơ sở chúng tôi đã tăng vọt lên tới 3-4 tấn/tháng. Chính vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng thêm một kho lạnh nữa để thu gom ba khía nhiều hơn, đáp ứng kế hoạch mở rộng kinh doanh của cơ sở” - anh Sang phấn khởi cho hay.
Từ những kết quả ban đầu, trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Rạch Gốc Nguyễn Thanh Trúc, chị Đạm, anh Sang mong muốn, Hội Nông dân sớm có hướng dẫn để sản phẩm ba khía muối của cơ sở được tham gia vào Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của huyện Ngọc Hiển. Có như vậy, Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - nghề muối ba khía Ngọc Hiển và sản phẩm ba khía muối mới có thêm điều kiện, cơ hội để tiếp cận với khách hàng, cải thiện đời sống cho người bắt cũng như người thu mua, chế biến ba khía, xa hơn là hướng đến xuất khẩu, phục vụ bà con Việt kiều xa quê...
Phương Tú