Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Chuyển đổi số ứng phó đại dịch

Biên phòng - Trong 8 tháng năm nay, con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động của dịch Covid-19 đã lên đến 85.500. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian ghi nhận làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vượt qua các thách thức do đại dịch gây ra. Ảnh: Minh Họa

Trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mô hình nền kinh tế số hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết khi hơn 80% lãnh đạo doanh nghiệp xác định chuyển đổi số ngày càng cấp thiết; 65% doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số và những giải pháp ưu tiên cao trong doanh nghiệp hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững tạo ra được các thông lệ tốt trong thực hiện chuyển đổi số như Viettel, FPT, Agribank, Vinamilk, Samsung Việt Nam, Ericsson Việt Nam, Traphaco...

Những kinh nghiệm này được chia sẻ, nhân rộng sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm thấy các cơ hội kinh doanh mới, vượt qua các thách thức do đại dịch gây ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ lo ngại khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện còn khá mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế số. Một trong những điểm hạn chế tầm nhìn của doanh nghiệp chính là sự chưa phân tách rõ được sự khác nhau giữa khái niệm “chuyển đổi số” và “số hóa”.

Thực tế, đa số doanh nghiệp mới thực hiện số hóa là chuyển đổi thuần túy dữ liệu và tài liệu hiện có sang định dạng kỹ thuật số. Trong khi chuyển đổi số đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số để biến đổi các quy trình của doanh nghiệp; phân tích, đánh giá, tái cấu trúc, đưa ra những chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tập đoàn Microsoft nhìn nhận, chuyển đổi số tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế nhờ gần 70 triệu dân sử dụng Internet và hạ tầng công nghệ thông tin tương đương nhiều quốc gia phát triển. Mạng di động 4G và 5G, điện toán đám mây (Cloud) song song với các nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, dữ liệu lớn (Big Data) và internet vạn vật (IoT)... đang được trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ứng dụng và phát triển hiệu quả.

Nền tảng công nghệ, cơ chế chính sách đã có nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng bước vào “sân chơi” này để tạo nên sự bứt phá bởi trong chuyển đổi số, thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất.

Từ kinh nghiệm các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công cho thấy, các nhà quản trị căn cứ vào đặc điểm doanh nghiệp, tổ chức của mình để đánh giá và lựa chọn mô hình chuyển đổi số phù hợp trên 5 nền tảng quan trọng gồm: định hướng chiến lược; quản trị tập trung; giải pháp công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (IT/OT); nhân lực trình độ cao và sự liên kết hỗ trợ.

Các nền tảng trọng tâm trên sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh được nâng cao nhờ cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu hóa được chuỗi cung ứng... Điều quan trọng nhất là đội ngũ lao động tiếp cận và làm chủ công nghệ sẽ góp phần tăng năng suất lao động lên đến 21% (số liệu khảo sát năm 2020).

Rõ ràng, công cuộc chuyển đổi số hiện nay không chỉ là cuộc chơi của những doanh nghiệp lớn, mà khả năng tiếp cận đã mở rộng hơn đến những doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Sự ưu việt của công nghệ và chuyển đổi số trong thời đại mới vì vậy cũng thể hiện khía cạnh nhân văn của các mục tiêu phát triển bền vững, chính là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO