Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 10:19 GMT+7

Chuyển đổi số nông nghiệp

Biên phòng - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực rất lớn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn với vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Đại dịch làm ngưng trệ sản xuất, xuất khẩu, giao thương của nhiều mặt hàng nông sản, cộng thêm tác động kép của thiên tai, khiến cho khu vực nông nghiệp ngày càng trở nên chông chênh.

Ngành sản xuất gạo sẽ có cơ hội lớn khi được tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Ảnh: Trương Thúy Hằng.

Trong ứng phó dịch bệnh, những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan mật thiết như công nghiệp chế biến và hệ thống phân phối càng bộc lộ rõ sự yếu kém như mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, thiếu bền vững và thiếu liên kết chuỗi giá trị.

Thế nên, cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu cho tương lai nông nghiệp. Yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp phải là cuộc chuyển đổi về chất, ứng dụng ngày càng nhiều hơn công nghệ, tăng hàm lượng chất xám vào nông sản; lấy nhu cầu thị trường làm định hướng đầu tư, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, lấy năng lực của các tác nhân trong chuỗi cung ứng nông sản như doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân làm động lực.

Thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả toàn ngành.

Tiêu biểu như công nghệ IOT, Big Data, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng trong trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. Công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS trong quản lý và khai thác hải sản; công nghệ RAS, công nghệ biofloc, công nghệ nano trong nuôi trồng thủy sản...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra yếu điểm lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp là kết nối cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường không rõ về sản xuất đã dẫn đến hệ quả “được mùa, mất giá”, nông sản ùn ứ phải hỗ trợ tiêu thụ.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, để tránh bị động, đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thiếu kết nối cung cầu thì sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần đẩy nhanh việc số hóa, kết nối hệ thống dữ liệu số.

Từ câu chuyện quả vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang phân phối trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho thấy, sàn thương mại điện tử không chỉ kết nối nông dân với người tiêu dùng, mà còn kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.

Khi áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải “trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất như truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp, cho phép nông dân bán nhiều thứ chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần.

Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Bên cạnh phương thức phân phối hàng hóa truyền thống, nền tảng số được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài giúp 9 triệu hộ nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, xa hơn nữa là hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới.

Rõ ràng, để chuyển đổi số trong nông nghiệp, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tạo tư duy chuyển đổi số cho người dân. Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất, tạo ra luồng sinh khí mới cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO