Biên phòng - Sáng 14-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”. Diễn đàn có 2 phần, gồm phiên tham luận và phiên thảo luận.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Hội báo toàn quốc 2022 cho rằng: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, tất cả ngày càng trở thành những khái niệm thân thuộc, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ, toàn diện cuộc sống của con người. Trong xu thế đó, sự bùng nổ của công nghệ truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội đang tiếp tục đặt tạo ra những cơ hội lẫn thách thức lớn đối với báo chí.
Với chuyển đổi số, báo điện tử trên nền tảng đa phương tiện sẽ được tăng cường khả năng truyền tải, khả năng tương tác trực tiếp với công chúng. Góp phần tăng sự hấp dẫn với những sáng tác về nội dung và hình thức phù hợp mà những nhà báo đã và đang rất nỗ lực và mong mỏi.
Tại diễn đàn, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết: Nói đến chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Khả năng thích nghi với một tương lai digital (kỹ thuật số) của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách. Chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp và trong một số trường hợp, tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Khi thực hiện chuyển đổi số, các công ty có cơ hội rà soát lại mọi điều, từ các hệ thống nội bộ cho đến các tương tác với khách hàng, cả trực tuyến và trực tiếp.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa mà thôi. Xây dựng một chiến lược chuyển đổi số là công việc đơn giản. Hiện thực hóa mới là điều khó khăn, và đa số các cơ quan báo chí bị mắc kẹt dọc đường - một thực tế xảy ra suốt 2 thập niên vừa qua.
Chìa khóa thành công đầu tiên là giúp nhân viên hiểu rõ con đường đi của tổ chức và hiểu rõ tại sao cần có những thay đổi. Chìa khóa thành công thứ hai là các lãnh đạo nhấn mạnh sự cấp bách trong việc thực hiện các chuyển đổi trong đơn vị, và điều này cần được thông tin rõ ràng tới tất cả mọi người. Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả, và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.
Chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch quảng cáo dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt cần chuẩn bị cho một “thế giới không cookies” thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp các sản phẩm in/digital.

Tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, điều quan trọng nhất cần xác định bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó, bạn đọc lên mạng, báo chí lên mạng và báo chí muốn lên mạng, báo chí phải chuyển đổi số. Tuy nhiên các cơ quan báo chí cần vượt qua 3 thách thức lớn, đó là chọn lựa công nghệ phù hợp, chi phí đầu tư hợp lý, đội ngũ nhân lực tinh thông.
Trong đó, thách thức về công nghệ là vấn đề quan trọng. Muốn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đứng trước nhiều phương án khác nhau: Tuyển chuyên gia, kỹ sư công nghệ (phần cứng và phần mềm) để hình thành lực lượng công nghệ tại chỗ phục vụ chuyển đổi số. Hoặc thuê công ty công nghệ thực hiện việc chuyển đổi số trọn gói, cơ quan báo chí chỉ vận hành. Khi điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi đặt hàng công ty công nghệ giải quyết.
Ngoài ra còn một phương án nữa là, tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ, thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.
Về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng: Cần bảo vệ bản quyền báo chí, thực hiện thu phí bạn đọc, tổ chức đào tạo, trao đổi nghiệp vụ định kỳ về chuyển đổi số. Thu phí bạn đọc báo online không chỉ tăng nguồn thu bền vững mà còn phải tăng chất lượng nội dung, hạn chế chạy theo view, chạy theo số lượng tin bài.
Thùy Trang