Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 11:06 GMT+7

Chuyển đổi số để có đầu ra cho nông sản bền vững

Biên phòng - Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhận định này được các tổ chức tín dụng quốc tế uy tín đưa ra dựa trên các tham chiếu: dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng mạnh, 68 triệu người (trên 65% dân số) sử dụng internet...

Vải thiều (Lục Ngạn, Bắc Giang) tiêu thụ hiệu quả khi lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Internet

Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, mặc dù tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng đại dịch Covid-19 lại được coi là “cú hích” đáng kể đối với TMĐT tại Việt Nam nói riêng. Điều này thể hiện rõ qua sự thay đổi trong xu hướng mua hàng của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người chuyển từ đi chợ truyền thống sang mua trực tuyến. Thanh toán bằng ví điện tử trên nhiều nền tảng như: MoMo, ZaloPay, PayPal... trong các giao dịch TMĐT cũng đang phát triển nhảy vọt tại thị trường Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động đưa TMĐT vào chiến lược phát triển và xây dựng kênh phân phối trực tuyến. Các sàn TMĐT đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới trong tiêu thụ nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thuận tiện hơn.

Ngoài ra, những gian hàng trên mạng không chỉ giải quyết tiêu thụ nông sản ùn ứ trước mắt, mà còn hướng tới xây dựng một thị trường hiện đại, bền vững trong tương lai. Điển hình như 6 sàn TMĐT lớn là Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Postmart và Shopee đã đồng loạt vào cuộc kết nối tiêu thụ nông sản rất hiệu quả cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua.

Đóng góp quan trọng từ hoạt động chuyển đổi số có thể thấy rõ từ 7.000 tấn vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ trên sàn TMĐT. Mô hình thành công này đang được các tỉnh, thành phía Nam áp dụng hiệu quả trong giải bài toán ùn ứ trái cây trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh.

Với tốc độ tăng trưởng 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng TMĐT 2 con số trong năm 2020. Các chuyên gia dự báo, doanh số TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 18,8% trong năm nay và đạt 26,1 tỷ USD vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ của TMĐT.

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn nhiều rào cản, thách thức khi nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua TMĐT, quy trình bán hàng, marketing... để đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT.

Rõ ràng, đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng TMĐT là việc doanh nghiệp, hộ nông dân có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, họ cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp, hộ sản xuất. Cùng với đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm...

Thế nên khi bắt đầu mở rộng thị trường, không ít doanh nghiệp, người dân quản lý không hiệu quả chuỗi sản xuất dẫn đến việc chất lượng sản phẩm không bền vững và đảm bảo. Vì vậy, họ vẫn phụ thuộc vào những chương trình giải cứu nông sản và các thương lái.

Do đó, bên cạnh hỗ trợ đào tạo nhà nông sử dụng các công cụ số để kết nối với các sàn TMĐT rõ nét hơn, các cấp chính quyền, hiệp hội cần chủ động quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông sản của địa phương ra thị trường. Hướng tới tất cả các sản phẩm khi đến tay người mua hàng đạt tiêu chuẩn về quy cách, đóng gói, có đóng dấu thương hiệu và hình ảnh của chính người nông dân.

Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch trên 40 tỷ USD mỗi năm. Với xu thế thương mại toàn cầu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tăng cường giao dịch trên nền tảng TMĐT sẽ là hướng đi tất yếu, tạo tiền đề xây dựng một thị trường nông sản bền vững.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO