Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 11/06/2023 04:37 GMT+7

Kể chuyện truyền thống:

Chuyện của một Tiểu đội trưởng

Biên phòng - Trung đoàn 14 của BĐBP những năm từ 1979 đến 1989, tình nguyện đi chiến trường Campuchia giúp bạn truy quét, tiễu trừ tàn quân Pôn Pốt và bảo vệ biên giới. Lập công xuất sắc, Trung đoàn và các đơn vị trực thuộc: Tiểu đoàn 218, Tiểu đoàn 220, Đại đội 6 (của Tiểu đoàn 218) và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

261c_15a
Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ảnh: Thanh Lâm

Nhiều người lập chiến công xuất sắc rồi trở thành liệt sĩ, thương binh. Nhưng vì thất lạc hồ sơ, hoặc vì nhiều lí do khác ở chiến trường ác liệt nên chưa được nêu tên. Dù thế, mấy mươi năm qua, những thương binh này vẫn phát huy rất tốt phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" và nghĩa tình đồng đội trong cuộc sống thời bình. Cán bộ, chiến sĩ cũ của Trung đoàn vẫn quan tâm chăm sóc lẫn nhau, vẫn thương yêu nhau như anh em ruột thịt, như cha con. Thượng sĩ Văn, Tiểu đội trưởng một tiểu đội ở Tiểu đoàn 220 và cán bộ cấp trên của anh là như vậy.

Dạo đó ở Pua Xát, vùng biên giới Campuchia - Thái Lan, tàn quân Pôn Pốt còn khá đông. Thông thuộc địa hình, chúng thường xuyên dùng mìn và bộ binh phục kích, tập kích các phương tiện cơ giới và bộ đội ta cơ động trên đường và các lối mòn trong rừng. Chúng còn gài mìn xung quanh các vị trí đóng quân của ta.

Quyết tâm chung của các đơn vị quân tình nguyện là tổ chức cho bộ đội bung ra dò gỡ mìn của địch, trong quá trình phát triển, gặp địch và hang ổ của chúng thì tập kích, truy quét, gặp đường mòn địch hành quân thì phục kích, tiêu diệt địch. Quán triệt quyết tâm của lãnh đạo và chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị nhiệt liệt hưởng ứng phong trào thi đua học tập cấu tạo, tính năng tác dụng, cách tháo gỡ các loại mìn của địch và xuất kích lập công, phá tan âm mưu của địch.

Thượng sĩ Văn cùng tiểu đội của mình đã dò gỡ được hàng trăm quả mìn của địch, rồi cài lại, "tương kế tựu kế", phục kích địch. Kết quả: Một toán 7 tên và một toán 5 tên địch đã vướng mìn, bị tiêu diệt. Làm chủ được kĩ thuật dò gỡ mìn, vậy mà có lần Văn đã bị dính mảnh mìn của địch. Vết thương ở phần mềm. Thiếu thuốc điều trị, đề phòng vết thương của Văn bị nhiễm trùng, gây hậu quả xấu, cấp trên đã quyết định cho Văn về Phnôm Pênh điều trị. Chiến trường xa, địa hình phức tạp, Văn phải chờ máy bay trực thăng của Bộ Chỉ huy mặt trận đến tải thương.

Được biết đơn vị đang chuẩn bị xuất kích với quy mô đại đội do chính Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, Văn vội vã lên Sở Chỉ huy Tiểu đoàn xin các thủ trưởng cho tham gia chiến đấu. Tiểu đoàn trưởng không đồng ý. Chính trị viên cũng  không cho. Nài nỉ không được, Văn xúc động nói:

- Báo cáo các thủ trưởng: Bị thương nhưng em còn đủ sức đi chiến đấu để trả thù cho đồng bào ta ở Tây Ninh, An Giang... bị địch sát hại và cướp bóc; trả thù cho các đồng đội của chúng ta đã anh dũng chiến đấu và bị thương vong; trả thù cho chính em nữa. Mong các thủ trưởng quan tâm chiếu cố cho em toại nguyện.

- Biết vậy - Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Kim Khanh nói - Còn nhiều dịp để chiến đấu. Nhiệm vụ của đồng chí lúc này là về tuyến sau điều trị. Đó là điều chúng tôi cần quan tâm nhất đối với đồng chí. Là chỉ huy, chúng tôi phải chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Rõ chưa?

- Báo cáo: Rõ! Nhưng em chưa nói hết. Biết là thủ trưởng Khanh trực tiếp chỉ huy trận này nên em tha thiết xin được tham gia. Chúng em khâm phục sự từng trải trận mạc và năng lực chỉ huy của thủ trưởng. Chúng em cũng rất quí trọng đức độ và tình yêu thương mà thủ trưởng dành cho chúng em. Được chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của thủ trưởng là điều em luôn mong ước...

Đến lúc này, Chính trị viên Đinh Văn Bình mới lên tiếng:

- Anh Khanh ơi! Đồng chí Văn xác định động cơ và tinh thần chiến đấu rất tốt. Đề nghị anh cho Văn chạy thử tại chỗ xem sao?

- Hoan hô thủ trưởng - Vừa cười, vừa nói rồi Văn chạy tại chỗ.

Khoảng một phút sau, Tiểu đoàn trưởng cười nói:

- Được. Sức khỏe của đồng chí lúc này vậy là được. Chúng tôi đồng ý. Về chuẩn bị đi, đồng chí Tiểu đội trưởng thân mến!

Xuất kích đã hơn hai tiếng đồng hồ, đơn vị đã dò gỡ được trên 100 quả mìn của địch, nhưng chưa thấy bóng dáng một tên địch nào. Nắng gay gắt, mồ hôi ướt đầm lưng áo mọi người. Đang dẫn đầu tiểu đội trong đội hình phân đội tiến công, bỗng Văn hô to: "Mìn"! Ngay sau đó là tiếng nổ xé tai. Khói mù mịt trùm kín người Văn. Đạp phải mìn KP2, Văn vẫn đứng yên tại chỗ, chịu thương vong một mình, chứ Văn không nhảy đi. Nếu rời chân ra, quả mìn sẽ tự tung lên cao 1,4m rồi phát nổ, gây thương vong cho nhiều người.

Quả nhiên khi đó, sau tiếng hô to của Văn, cả phân đội đã kịp nằm xuống tránh mảnh. Ngoài Văn ra, không ai bị thương. "Đây là một hành động dũng cảm, ngoan cường, một nghĩa cử anh hùng, Văn ơi"! - Thủ trưởng Khanh vừa nói, vừa chạy lên bế Văn vào lòng rồi cùng y tá băng bó cho Văn. Hai chân Văn nát bét, máu chảy ra nhiều. May, chiều hôm đó có máy bay trực thăng của cấp trên lên Pua Xát, Văn được chuyển về Phnôm Pênh điều trị.

Bị cưa cụt cả hai chân, phải mang chân giả và đi nạng, Văn được hưởng chế độ thương binh hạng đặc biệt.

Hơn 10 năm sau... Đất nước thanh bình, biên giới bạn cũng yên ổn. Vào một buổi sáng chủ nhật, dịp Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI đang họp, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội được nghỉ ở nhà. Hai cựu chiến binh Trung đoàn 14 BĐBP tìm đến nhà ông. Đó là thượng sĩ Văn và Thự (y tá C7, người đã cùng ông Khanh băng bó cho Văn ở chiến trường). Vui mừng, xúc động, ông Khanh thân tình hỏi han sức khỏe và gia cảnh hai vị khách, hỏi đến cả những đồng đội cùng quê Ninh Bình với khách. Thật vui! Vì ai cũng khấm khá. Riêng Văn còn có nỗi niềm...

rzq6_15b
Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia xây dựng cuộc sống mới.
Ảnh: Thanh Lâm

Trong thời gian điều dưỡng ở Biên Hòa, Văn yêu rồi cưới cô giáo của trường THCS ở gần Trại điều dưỡng... Khi cậu con trai lên 7 tuổi, Văn đem con về quê Gia Viễn, Ninh Bình để được gần mẹ già và bè bạn quê hương. Hẹn vợ khi nào làm xong nhà mới, anh sẽ xin chuyển vùng cho vợ về quê mình dạy học. Vậy mà đã mấy lần nộp hồ sơ xin chuyển vùng cho vợ, Văn vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết. Ông Khanh hỏi:

- Lạ nhỉ? Cậu có trình bày rõ với họ rằng cậu là thuơng binh nặng cần có người chăm sóc theo đúng chế độ quy định và xin cho vợ cậu vừa dạy học, vừa chăm sóc cậu không? Có hả? Vậy mà chưa được giải quyết. Cậu về đem ngay hồ sơ cho tôi...

Ngay trong kì họp Quốc hội lần ấy, ông Khanh gửi hồ sơ của Văn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Hai tháng sau, Văn và gia đình được thỏa nguyện. Đại diện chính quyền, Hội Cựu chiến binh và bà con ở quê đến chung vui. Nghe Văn kể chuyện những lần gặp nguy hiểm, khó khăn trong đời, được các thủ trưởng và đồng đội cứu chữa, gỡ nguy rồi giúp đỡ, đảm bảo hạnh phúc cho mình, ai cũng cảm phục tấm lòng nhân hậu của những người lính từng kinh qua chiến trường ác liệt, mà tiêu biểu là Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh - Thủ trưởng cũ của Văn.

Lê Thanh Lâm

Bình luận

ZALO