Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 10:34 GMT+7

Chuyến công du “cứu” thỏa thuận hạt nhân

Biên phòng - Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang có chuyến thăm châu Âu, bắt đầu từ ngày 2-7, giờ địa phương. Chuyến công du lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Iran trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo này đang chờ đợi nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

bxeq5ug2vk-1380_19df4e60-5454-577c-950a-56b3cf45ef7c@yahoo.com_anh_bai_chinh
Tổng thống Rouhani (bên trái) và Tổng thống Alain Berset trong cuộc họp báo ngày 3-7 vừa qua. Ảnh: AFP

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Rouhani là Thụy Sĩ-quốc gia đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran, khi mà Mỹ và Iran không có quan hệ ngoại giao chính thức. Tại đây, Tổng thống Iran đã có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Alain Berset ngày 3-7. Phát biểu tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Rouhani cho biết, Tehran sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc miễn là những lợi ích của nước này được đảm bảo. 

Về phía ông Berset, nhà lãnh đạo của quốc gia Trung Âu cũng miêu tả Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) là một chiến thắng ngoại giao lớn với thế giới và kêu gọi những nước đã kí kết thỏa thuận tiếp tục thực thi đầy đủ thỏa thuận. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một loạt vấn đề khác như tình hình Trung Đông và mối quan hệ song phương.

Sau chuyến thăm Thụy Sĩ, ông Rouhani đã tới thủ đô Viên (Áo) vào ngày 4-7. Áo hiện là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) và đây là cũng là nơi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết vào năm 2015 sau 11 năm đàm phán khó khăn.

Chuyến công du châu Âu của nhà lãnh đạo Iran diễn ra trong bối cảnh tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền Tehran. Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục chính quyền Tehran không rút khỏi văn kiện này. Hồi tuần trước, Thứ tưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tiết lộ 3 nước châu Âu và EU đã cam kết đưa ra một gói giải pháp thiết thực để đảm bảo các lợi ích của Iran trong thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi đó, cuộc đọ sức giữa Mỹ và Iran về JCPOA đang diễn ra hết sức căng thẳng. Ngày 2-7, Mỹ quyết tâm gia tăng sức ép đối với Iran thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của nước này xuống 0% bất chấp sự phản đối của một số nước nhập khẩu dầu mỏ. Các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ chính thức khôi phục từ ngày 6-8 đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực xe ô tô và kim loại, và ngày 4-11 đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng. 

Phản ứng trước tuyên bố trên, Tổng thống Rouhani cảnh báo nguồn cung dầu trong khu vực có thể bị tổn hại nếu Mỹ tìm cách gây sức ép đối với các đồng minh của Washington để ngăn chặn việc mua dầu thô từ Iran. Theo ông, tuyên bố này của Mỹ "không có nghĩa lý gì" đối với dầu thô của Iran không xuất khẩu được, song dầu xuất khẩu của khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Dù ông Rouhani không nói cụ thể, nhưng trước đây giới chức Iran đã đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz, một tuyến vận tải dầu lớn, nếu Mỹ có hành động thù địch chống Iran. 

Chính vì thế, chuyến công du của ông Rouhani được xem là cơ hội “cứu” JCPOA cũng như giải tỏa những bế tắc cho việc xuất khẩu dầu của Iran trong thời gian tới.

Thu Uyên

 

Bình luận

ZALO