Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 05/10/2023 12:22 GMT+7

Chuyến công du bão táp

Biên phòng - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang có chuyến công du tới ba nước châu Âu, gồm Đức, Pháp và Anh, bắt đầu từ ngày 4-6. Chuyến công du của ông Benjamin Netanyahu được cho là tìm kiếm sự hợp tác với châu Âu đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Mục tiêu là vậy, nhưng bản thân ông Netanyahu cũng gặp nhiều khó khăn bởi từ trước đến nay, lập trường của Israel và châu Âu luôn vênh nhau trong vấn đề Iran.

5b17b3c5f9ff1962cc002fda
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Israel Netanyahu tại Điện Élysée ngày 5-6. Ảnh: Reuters

Không nằm ngoài dự đoán, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu với người đồng cấp nước chủ nhà Đức Angela Merkel, hai nhà lãnh đạo vẫn bất đồng sâu sắc trong vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Phát biểu họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Merkel một lần nữa khẳng định Đức, cùng với các đối tác châu Âu, sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp sự rút lui của Mỹ. Mặc dù vậy, bà cũng cho rằng vấn đề ảnh hưởng của Iran ở khu vực Trung Đông là gây quan ngại, đặc biệt cho an ninh của Israel. Thủ tướng Đức thừa nhận giữa hai bên không tìm thấy điểm chung trong mọi vấn đề, song với tư cách đối tác và bạn bè, các bên cần tìm cách hiểu lợi ích của nhau và vẫn còn một loạt vấn đề chung mà hai bên sẽ tiếp tục cần phải giải quyết. 

Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cũng cho rằng, giữa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng, song không phải ở mục đích mà chủ yếu nằm ở vấn đề cách thức giải quyết vấn đề. 

Tương tự như ở Đức, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris, ông chủ Điện Élysée đã cảnh báo nguy cơ về một cuộc xung đột nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ. Tổng thống Macron tái khẳng định cam kết của Paris duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran nhằm kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Tổng thống Macron cũng kêu gọi các đối tác và đồng minh của Pháp tập trung nỗ lực nhằm thúc đẩy ổn định khu vực bằng cách duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.

Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu cho rằng đã đến lúc phải áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các bước tiến về hạt nhân của Iran bởi mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới hiện nay là vũ khí hạt nhân. Trong một tuyên bố được ghi hình từ Paris, ông Netanyahu nêu rõ: "Hai ngày trước, Đại giáo chủ Ali Khamenei của Iran đã tuyên bố ý định phá hủy Nhà nước Israel. Hôm qua, ông ấy đã nói cách ông ấy sẽ làm việc này bằng hoạt động làm giàu (uranium) không hạn chế để sản xuất một kho bom hạt nhân. Chúng tôi không bất ngờ, chúng tôi sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân". 

Phản ứng trước tuyên bố trên, ngày 5-6, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, đánh giá ban đầu chỉ ra rằng thông báo của Iran về việc tăng khả năng làm giàu uranium không vi phạm các cam kết của nước này trong khuôn khổ JCPOA. EU tái khẳng định cam kết tuân thủ JCPOA về chương trình hạt nhân của Iran, miễn là Tehran cũng đảm bảo tuân thủ nó. 

JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran với các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức). Thỏa thuận quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran duy trì bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, tương lai của JCPOA đã rơi vào thế bấp bênh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Rõ ràng, dù rất cố gắng thuyết phục song ông Netanyahu sẽ khó có thể đạt được mục tiêu đề ra là tìm kiếm “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Một chuyến công du đầy khó khăn và không mấy thành công.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO