Biên phòng - Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, thông tin hạn chế, nhưng ở nhiều nơi vốn được coi là “vùng lõm” trên biên giới, tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt mức 100%. Đồng bào La Hủ, Đan Lai, Chứt, Rục, Mày… đã tự tay bỏ lá phiếu bầu cho đại biểu đủ tài và tâm huyết, góp phần làm đổi thay quê hương biên giới.

Đã cuối tháng 5 nhưng ở bản Là Si (xã Tá Pạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) buổi sớm vẫn chìm trong hơi lạnh và sương mù. Ông Vàng Gạ Chờ vừa đi thăm lúa về, đứng ở con dốc đầu bản, phóng tầm nhìn ra xa. Những mái nhà lợp tôn, thưng gỗ và lá cờ Tổ quốc treo phía trước đỏ rực. Khung cảnh bản biên cương rợp bóng cờ bay thế này được trang hoàng từ trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày hội non sông đã qua cả tuần, nhưng ông Chờ vẫn không quên được.
Buổi sáng hôm ấy, nhà ai cũng dậy từ rất sớm. Ông Chờ thay bộ quần áo mới, cùng cháu nội của mình ra điểm bầu cử thì đã thấy mọi người đến rất đông. Ai cũng muốn bỏ phiếu trước vì đã chọn được đại biểu mình tin tưởng. Nhiệm kỳ này, Thiếu tá Khoàng Ló Giá, cán bộ Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tá Pạ, tham gia ứng cử đại biểu HĐND xã Tá Pạ. Ông mừng lắm, vì ai chứ Thiếu tá Khoàng Ló Giá đã làm ở xã Tá Pạ nhiệm kỳ 2016-2021, giờ lại ứng cử để tiếp tục gắn bó với bà con, ông Chờ tin rằng, người sĩ quan Biên phòng này sẽ có nhiều đóng góp làm thay đổi cuộc sống của bà con ở biên giới này.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh chia sẻ: Bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có 43 hộ dân với 154 nhân khẩu. Toàn bản có 92 cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu bầu cử, nhưng do một số cử tri đi làm ăn xa nên sáng ngày 23-5 chỉ có 69 cử tri người Chứt đến điểm bỏ phiếu. Do điểm bầu cử cách bản Rào Tre 6km nên BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương dùng xe ô tô, xe máy vào tận nhà đón người dân đi bầu cử. Ở Rào Tre, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, nhiều em đã về xã, về huyện, về tỉnh để học cao hơn. Đồn Biên phòng Bản Giàng từng mở lớp xóa mù chữ, tuy nhiên, do ít khi sử dụng đến chữ viết nên có một số người đã tái mù chữ. Với những trường hợp này, cán bộ ở Tổ công tác Biên phòng Rào Tre và chính quyền địa phương có phương thức tuyên truyền riêng về bầu cử, đó là đến tận nhà giải thích về Luật Bầu cử, đọc cho nghe tiểu sử về các đại biểu ứng cử... Khi người dân bầu cử, tổ bầu cử bố trí người hướng dẫn, hỗ trợ cử tri không biết chữ thực hiện quyền công dân của mình.
Bà Hồ Púc nói: “Không đọc được chữ, nhưng mẹ vẫn bỏ phiếu được vì đến nơi có cán bộ đọc tên cho. Còn chọn đại biểu nào thì mẹ đã chọn được từ lúc BĐBP đọc cho nghe về tiểu sử của người ấy rồi”.
Bản Khe Bu, Khe Nà (xã Châu Khê), Khe Búng, Cò Phạt (xã Môn Sơn), huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có 100% là đồng bào dân tộc Đan Lai. Giao thông vào 2 bản Khe Bu, Khe Nà đi lại khó khăn, riêng Đồn Biên phòng Châu Khê, BĐBP Nghệ An không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại. Muốn vào bản Cò Phạt, bản Búng (xã Môn Sơn) - vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, người ta phải đi thuyền máy ngược sông gần 3 tiếng đồng hồ. Với điều kiện như vậy, cho đến giờ, nhiều người vẫn coi đây là “vùng lõm” trên biên giới Nghệ An. Cũng bởi vậy mà xã Châu Khê, Môn Sơn được tổ chức bầu cử sớm từ ngày 21-5. Và đồng bào Đan Lai ở đây thực sự đã có một ngày hội lớn khi được tự mình lựa chọn bầu cho những người mình tin tưởng vào Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ sáng sớm, gần 1.000 cử tri người dân tộc Đan Lai ở bản Khe Bu, Khe Nà, Khe Búng, Cò Phạt cùng với Đồn Biên phòng Châu Khê, Môn Sơn đã đến các điểm bầu cử. Tại khu vực bỏ phiếu, tổ công tác bầu cử yêu cầu cử tri thực hiện giãn cách và sát khuẩn, đeo khẩu trang khi bước vào khu vực bỏ phiếu. Ông Viêng Thanh Toán là người có uy tín của bản Khe Bu được lựa chọn là người bỏ những lá phiếu đầu tiên của bản. Ông Toán chia sẻ: “Những năm vừa rồi, cuộc sống của người Đan Lai ở Khe Bu tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Người Đan Lai chúng tôi dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng luôn một lòng tin vào Đảng, Chính phủ. Bởi vậy, việc tham gia bầu cử lần này chúng tôi không chỉ nghĩ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân. Chúng tôi phải lựa chọn bầu những người xứng đáng để gửi gắm kỳ vọng, mong muốn của mình”.

Thời gian diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng vào dịp người dân bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) thu hoạch lúa. Cánh đồng lúa nước 10ha Rục Làn đã hơn 10 năm nay mang cái ấm no cho đồng bào Rục, Sách, Mày ở nơi đây. Đó là một trong những việc đã tạo thêm lòng tin của người dân với Đảng, chính quyền. Bởi vậy, dù đang bận bịu, nhưng đến ngày trọng đại của đất nước, người dân ai cũng gác lại việc nhà để đi bầu cử.
Ông Cao Xuân Vêng (sinh năm 1952, bản Ón) tuy không biết chữ nhưng ông không ngại ngần vì ở đó có Thiếu tá Phan Văn Hậu sẽ giúp ông. Thiếu tá Phan Văn Hậu ở tổ công tác địa bàn 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ đã nhiều năm. Mùa lúa nào cũng thế, nhà ông cứ gặt xong, mang ra điểm tập kết, Thiếu tá Hậu sẽ cho vào máy tuốt, ông chỉ việc đóng bao mang về phơi khô cất lên gác. Đã có tuổi nên sức khỏe ông Vêng không được tốt lắm, đi lại khá khó khăn.
Biết được điều ấy, Thiếu tá Phan Văn Hậu đã nói với ông là có thùng phiếu phụ, nhưng khi biết tất cả mọi người đều tự đến điểm bỏ phiếu, ông Vêng đã nói: “Bố sẽ tự đi bầu cử, không cần mang hòm phiếu phụ đến đâu”. Nói vậy, nhưng buổi sáng ngày 23-5, Thiếu tá Phan Văn Hậu đã đi xe máy đến chở ông ra điểm bầu cử, hướng dẫn ông bầu cử xong rồi lại chở ông về tận nhà.n
Trúc Hà