Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Lật lại Hồ sơ vụ án:

Chuyên án H182 và hành trình tóm gọn băng nhóm “trộm đêm” trên tàu nước ngoài

Biên phòng - Đồng hồ điểm 11 giờ, đêm 16-1-1982, đội tuần tra của Đồn Biên phòng 32 (nay là Đồn Biên phòng Tràng Cát, BĐBP thành phố Hải Phòng) vẫn lặng lẽ đi qua xã Nam Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Từ bãi sú ven biển xuất hiện 3 bóng người đang lễ mễ vác những chiếc bao tải từ chiếc thuyền gỗ đậu sát mép nước lên mặt đê. Theo nhận định của đội tuần tra, đây có thể là đối tượng vi phạm pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động trên biển.

Trong màn đêm tĩnh mịch, chỉ nghe thấy tiếng gió rít từ biển bỗng vang lên giọng nói đanh thép của cán bộ Biên phòng: “Đề nghị tất cả đứng yên! Chúng tôi yêu cầu kiểm tra thuyền”.

Dưới ánh đèn pin, các bao tải hàng được mở ra, những xếp vải ngoại các màu được bọc kỹ bày ra.

- Các anh lấy vải này ở đâu?

- Dạ, chúng tôi mua về để bán kiếm ít lãi.

- Tại sao các anh phải bốc vác lúc nửa đêm? Đề nghị các anh cho kiểm tra giấy tờ mua hàng.

- Ông anh thông cảm - Một người đàn ông bỗng tiến lại gần cán bộ Biên phòng và chìa ra tờ tiền, nói nhỏ: “Biếu các anh ít tiền bồi dưỡng!”.

- Tôi cảnh cáo các anh về hành động vừa rồi, đề nghị các anh mang hết số hàng này về đơn vị để chúng tôi giải quyết.
Lập tức, 3 người đàn ông bỏ hàng tháo chạy. Toàn bộ số hàng được chở về Đồn Biên phòng 32, gồm gần 900 vỏ chăn hoa, khăn trải bàn, ga trải giường.

Sáng hôm sau, Đồn Biên phòng 32 nhận được đơn trình báo mất thuyền của anh Phùng Văn Gạch. Chiếc thuyền có số đăng ký là 50ĐC, chủ thuyền là anh Phùng Văn Ngôi - anh ruột của anh Gạch. Cùng ngày, Đồn Biên phòng 32 lại nhận được thông báo của Công an thành phố Hải Phòng, vào đêm 15-1-1982, tàu Mác-rây-phi-ét của nước Cộng hòa dân chủ Đức đậu cách phao số 0 khoảng 20 hải lý đã bị kẻ trộm đột nhập lấy 3.398 thứ hàng đựng trong 21 bao tải.

Từ lá đơn trình báo mất thuyền, bản thống kê tài sản mất trộm trên chiếc tàu Mác-rây-phi-ét đem so sánh với số hiệu chiếc thuyền và hàng hóa thu được đêm 16-1-1982 hoàn toàn ăn khớp. Rõ ràng, đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu về chính trị. Nếu không sớm khám phá, nghiêm trị thủ phạm thì chúng sẽ tái diễn mức độ cao hơn gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh xã hội và chính quyền địa phương. Chuyên án mang bí số H182 được Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng xác lập và giao cho Đồn Biên phòng 32 phối hợp triển khai cùng truy bắt thủ phạm.

Ban chuyên án đã tổ chức chuyển giao số hàng đã thu được cho bạn và cử tổ trinh sát đến tàu xem xét hiện trường. Bọn tội phạm để lại tang vật duy nhất trên tàu là chiếc sào tre dài khoảng gần chục mét, có câu liêm sắt ở đầu. Lần theo chiếc thuyền không chủ, các trinh sát Biên phòng xác định chủ thuyền đúng là Phùng Văn Ngôi. Sau khi có một số thông tin về vụ án, trinh sát đã lên danh sách các đối tượng có liên quan đến vụ trộm cắp trên tàu và đưa vào diện tình nghi, trong đó có đối tượng tên Bưỡng.

Khi cơ quan điều tra có lý do gọi Bưỡng đến để hỏi một số vấn đề có liên quan đến chiếc tàu của Phùng Văn Ngôi, Bưỡng đã vô tình để lộ một số nghi vấn. Tuy nhiên, Bưỡng vẫn khẳng định mình không liên quan gì đến vụ án này. Tuy nhiên, trinh sát đã khẳng định chắc chắn giọng nói của Bưỡng giống hệt giọng nói người đàn ông đã đưa tiền hối lộ đêm 16-1. Trước thái độ của Bưỡng, trinh sát Biên phòng nhận định: Không thể ép y nhận tội mà sẽ tạo tình huống nghiệp vụ để Bưỡng cúi đầu nhận tội. Đó là khi Thượng úy Đàm Ngọc Hòa bước vào, đối chất với người chỉ huy đội tuần tra đêm hôm đó, Bưỡng hết đường chối cãi, nhưng vẫn không chịu khai ra đồng bọn.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của Phùng Văn Gạch về việc chiếc thuyền số đăng ký là 50ĐC, chủ thuyền là Phùng Văn Ngôi bị mất tích, trinh sát đã nghi ngờ ngay chủ thuyền Ngôi vì tên này cũng “có tiếng” là một “thợ biển” sừng sỏ. Khi được gọi lên cơ quan để điều tra, cán bộ Biên phòng đã khẳng định, Ngôi chỉ đạo Gạch khai báo thuyền mất tích để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Trinh sát còn thông báo cho Ngôi biết, tên Bưỡng đã khai nhận sự thật. Lúc này, Ngôi ngồi im lặng và cúi đầu nhận tội, rồi khai thêm đồng phạm nữa là Thơ, Sớt và Nguyễn Đức Phác, một “lái tàu biển” sừng sỏ ở huyện Thủy Nguyên.

Ban chuyên án quyết định lệnh bắt Phác để đấu tranh, tìm toàn bộ tổ chức và thủ đoạn của chúng nhằm loại trừ hoạt động phạm pháp của cả bọn. Nhưng để bắt Phác nhanh, gọn, không đánh động đồng bọn là khó, do địa bàn Phác cư trú địa hình thoáng, dễ tẩu thoát. Chính vì vậy, đội đánh án quyết định sẽ điều Phác ra khỏi địa bàn để bắt giữ.

Để bắt giữ Phác, Ban chuyên án cử trinh sát hóa trang thành các chiến sĩ trắc địa pháo binh, đem thước máy về Dương Quan, Thủy Nguyên đo đạc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã tác động làm cho Phác vượt khỏi vòng kiểm tỏa của nhóm đối tượng côn đồ ở Bến Bính, sang Hải Phòng rồi bị cơ quan chức năng tạm giữ, điều tra. Ngay sau khi bị lực lượng chức năng sờ gáy điều lên để hỏi, trinh sát cố tình để cho Phác nhìn thấy tập hồ sơ đề “Bản khai cung của Bưỡng, Ngôi và đồng bọn”. Khi nhìn thấy, Phác đã giật mình rũ ra như một tàu lá chuối và nhanh chóng khai nhận: Ngày 14-1-1982, Phác, Thơ, Biển và Luật chèo thuyền đến đầu rừng nhập hội trên chiếc thuyền 50ĐC, đã có 5 tên là Ngôi, Bưỡng, Sớt, Măng, Trưng đang chờ. Gặp nhau, chúng bàn bạc “công việc” rồi cả đám kéo nhau đi nghỉ.

Sáng ngày 15-1, chúng giả vờ lên núi chặt củi, chờ trời tối cho thuyền chạy về phía chiếc tàu Mác-rây-phi-ét, cách tàu 2km thì dừng lại bàn bạc cách đột nhập lên tàu để trộm hàng. Chúng đã nghĩ ra cách lấy sào tre buộc câu liêm đánh đu lên tàu rồi thả dây xuống kéo đồng bọn lên. Các tên Phác, Sớt đứng dưới chỉ huy và cảnh giới, 2 tên Biển và Luật giật cánh cửa kho vác các bao hàng chuyển xuống cho những tên đứng dưới. Khi thuyền đã “đầy hàng”, chúng rút về thuyền 50ĐC. Khi cách bờ khoảng 5km, chúng dừng lại và chia hàng. Thuyền của Phác và Biển chạy về phía Hoàng Châu, thuyền của Ngôi và Bưỡng chạy về phía Đình Vũ. Ngày hôm sau, chúng neo đậu thuyền, nghỉ ngơi ngoài biển, chiều tối chúng mới chạy vào bờ, khi vào đến cổng Nam Triều thì bất ngờ bị đội tuần tra của Đồn Biên phòng 32 phát hiện.

Hôm sau, khi tẩu thoát trót lọt, Ngôi, Bưỡng đã tụ họp tìm cách đối phó, Ngôi giao cho em trai là Gạch làm đơn trình báo mất thuyền, Ngôi lấy giấy thông hành đi Chí Linh, Hải Dương. Bưỡng cũng rời khỏi nhà ngay. Chúng thề quyết không khai báo, tố cáo nhau.

Tuy nhiên, mọi thủ đoạn che giấu tội lỗi của chúng đã bị cơ quan trinh sát Biên phòng phanh phui, 10 đối tượng và những kẻ liên quan đã bị phát hiện, đón bắt. Ta đã thu lại hàng hóa trả lại cho tàu Mác-rây-phi-ét, kết thúc vụ án. Vụ án này đã rút ra những bài học quý báu cho công tác trinh sát và phá án của Ban chuyên án. Ta đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp đấu tranh liên hoàn, biết “cắt dây” và “nối dây” đúng lúc, kết hợp kết quả xác minh và nghiệp vụ hỏi cung buộc đối tượng phải khai sự thật. Đặc biệt, các trinh sát đã khôn khéo trong việc tham gia đấu tranh chuyên án, mưu trí linh hoạt trong tiếp cận, bắt đối tượng bộc lộ ý định, điều đối tượng theo ý trinh sát; phối hợp ăn khớp, bắt gọn đối tượng đầu sỏ.

Mai Anh (Theo hồ sơ trinh sát)

Bình luận

ZALO