Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Chuyện "nhặt" trên các tổ chốt Biên phòng

Biên phòng - Trên tuyến biên giới Tây Nam, từ đầu tháng 2-2020, hàng trăm tổ chốt Biên phòng đã kịp dựng lên để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan qua biên giới. Không khô cứng, nguyên tắc như vẻ ngoài ta nhìn thấy, ở mỗi tổ chốt đều có những câu chuyện hay, xúc động về cuộc sống, sinh hoạt, công tác của người lính Biên phòng.

0e1faihkqn-27476_f_k92jneuq0_1
Đại úy Bùi Văn Thi đang kể chuyện giải cứu chim non. Ảnh: Yến Ngọc

Chốt chim

Tại tuyến biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang, tôi đặc biệt ấn tượng với tên gọi chốt chim. Đại úy Bùi Văn Thi, chốt trưởng giải thích: Đây là chốt số 6, thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Gia. Nhưng do ở đây có rất nhiều chim nên mọi người thường gọi là chốt chim cho dễ nhớ... Không phải là cả một khu rừng rộng lớn. Ở đây chỉ có vài chục cây xanh các loại như lộc vừng, si, xoài... mọc liền nhau, tạo thành một mảnh xanh nổi bật giữa xung quanh là ruộng lúa bạt ngàn. Cách đó chừng 100m là biên giới, là cột mốc 285. Đại úy Thi cho biết, tổ chốt này có cách đây khoảng 10 năm, vừa chốt chặn trên biên giới, vừa bảo vệ việc xây dựng cột mốc 285. Từ tháng 2-2020, chốt kiêm thêm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ ngày có tổ chốt, đã thấy chim làm tổ trên cây. Chủ yếu là chim sẻ, chim sáo. Lượng chim đến làm tổ ngày càng nhiều hơn.

Vì có bộ đội bảo vệ, không ai dám bắn, bẫy chim. Và vì ngày nào bộ đội cũng mang thóc, gạo, cơm để “đãi” chim rừng. “Ăn cơm bộ đội riết nên chúng cũng quen ăn mặn luôn. Mà cũng quen cữ nha. Cả ngày bay đi đâu không biết, nhưng cứ đến giờ ăn của bộ đội là bay về, nhao nhao đợi sẵn trên cây. Nhiều hôm còn ăn tranh cả cơm của chó”- Đại úy Thi kể.

“Chúng ríu rít cả ngày, từ sáng tới khuya, rất vui tai. Có tiếng chim, nhiều lúc cũng vui, đỡ nhớ nhà. Tiếng chim còn thay cả kẻng báo thức, vì chưa tới 5 giờ sáng chúng đã kêu ầm ĩ rồi.” - Đại úy chuyên nghiệp Phạm Hữu Thực nói. Có lẽ ở mãi với bộ đội, lại được “nuông chiều” nên những chú chim ở đây cũng ít sợ người hơn.

Buổi trưa, khi chúng tôi ngồi nói chuyện với anh em trong tổ chốt tại bộ bàn ghế đá kê dưới gốc cây, hàng chục chú chim cứ vô tư sà xuống nhặt nhãnh, tỉa tót, líu lo xung quanh. Thi kể, mấy hôm trước, gặp cơn mưa đầu mùa, khoảng 200 chú chim non bị quật rớt xuống đất. Đang đêm, cả tổ chốt choàng dậy, đội mưa cứu chim. Bộ đội còn lấy khăn, lấy áo để lót chỗ cho chim nằm, phủ cho chim ấm. Nhưng cũng chỉ cứu được hơn ½. Tiếc quá... Anh em trong tổ chốt đang tìm cách cứu chim khi mùa mưa về. Từ lâu, với anh em tổ chốt số 6, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, BĐBP An Giang, những chú chim sẻ, chim sáo đã trở thành những người bạn thân thiết.

Chốt chuột

Nếu chốt 6 may mắn được ở dưới lùm cây đầy tiếng chim hót líu lo, thì cách đó khoảng 300m, tổ chốt số 7 (cũng thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Gia) lại nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa. Đang là cao điểm của mùa hạn mặn nên nước ở đây là vấn đề cam go. Để có nước sinh hoạt, nấu nướng, anh em phải mang can nhựa sang nhờ chốt 6 chia sẻ. Nhưng khổ hơn là bị chuột quấy phá. Vì nằm giữa cánh đồng lúa bao la (mà có lúa là có chuột) nên mùa này anh em trên các tổ chốt dọc tuyến biên giới Tây Nam đang phải đối mặt với chuột đồng. Chúng xục xạo cả ban ngày lẫn ban đêm. Mỳ tôm, gạo, trứng, đồ ăn của bộ đội sơ sẩy một tý là thành mồi của chúng ngay. Cả quần áo, giày, tất chúng cũng không tha. Vậy nên ở bất cứ tổ chốt nào, sau khi dựng tạm cái lều, phủ xong cái bạt, việc đầu tiên của bộ đội là làm 1 cái chạn để xoong nồi bát đũa. “Làm để hạn chế thôi chứ không tránh được lũ chuột đồng này. Cỡ nào chúng cũng phá được”- Thiếu úy Nguyễn Văn Khá, chốt số 7 chia sẻ. Thấy bộ đội vừa chống dịch lại vừa vất vả đối phó với chuột, bà con đi qua thương tình, đưa cho mấy chục cái rập chuột. Ngày nào bộ đội cũng tóm được mấy chục con chuột béo ú.

a3x8ic40dz-27476_f_k92jnevu1_2
Thiếu úy Nguyễn Văn Khá đang “khoe” chiến tích bẫy chuột. Ảnh: Yến Ngọc
ysmh4p20jc-27476_f_k92jnew32_3
Ở chốt Tà Hưng, mọi thứ đều phải treo lên để “né” giặc chuột. Ảnh: Yến Ngọc

Ở tổ chốt Tà Hưng, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang, tất cả quân tư trang, đồ ăn đều phải bỏ vào thùng xốp đậy kín hoặc treo lên để tránh chuột. Binh nhất Nguyễn Thanh Lộc kể tội lũ chuột: Thứ chúng khoái khẩu nhất là mỳ tôm. Giấu kiểu gì lũ chuột này cũng tìm cách phá. Có hôm đi tuần về, thấy 3-4 con chuột to đu theo dây xuống phá tanh bành thùng mỳ tôm treo lủng lẳng giữa nhà...

Tổ chốt này nằm lẻ loi giữa những cánh đồng nuôi tôm thuộc ấp Rạch Gò, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, ít người qua lại nên chuột càng có nhiều cơ hội phá phách. “Mọi vật dụng sinh hoạt đều phải cho vào thùng, vào hộp treo lên xà nhà để tránh chuột, nên anh em hay gọi chốt này là chốt treo...” - Đại úy Nguyễn Đình Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phú Mỹ nói.

Chốt Bông

Bông là tên một chú chó nhỏ, dễ thương ở chốt Biên phòng nằm cạnh rạch Miễu Ngói Lớn, thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP An Giang. Lúc lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, Bông mới được 1 tháng tuổi, nhưng đã được các chiến sĩ trẻ “biên chế” vô tổ chốt luôn rồi. Thiếu úy Nguyễn Văn Linh, chốt trưởng nói: "Nhỏ vậy thôi, nhưng Bông đã có “thâm niên” gần 3 tháng bám trụ tại tổ chốt rồi đó, canh chuột cừ lắm".

Theo lời kể của mấy anh lính trẻ, Bông rất ngoan. Ban ngày, khi bộ đội đi tuần, Bông đều lăng xăng chạy theo. Đêm nào cũng thức canh gác cùng. “Có em Bông, chuột bọ không dám bén mảng tới, cũng đỡ cho tụi em lắm”. Ở trên chốt, bộ đội ăn uống thất thường, nhưng Bông bao giờ cũng được ưu tiên. Nhiều bữa bộ đội ăn cơm với cá mắm nhưng vẫn chiên trứng cho Bông ăn...

41hx5nzg80-27476_f_k92jnewa3_4
Lúc nào Bông cũng quấn quýt với bộ đội như người bạn thân thiết. Ảnh: Yến Ngọc

Sự có mặt của Bông ở trên tổ chốt, đã góp phần giúp cho bộ đội xua tan đi nỗi mệt nhọc sau những ngày tuần tra, canh gác- Thiếu úy Linh chia sẻ.

Ở mỗi tổ chốt phòng, chống dịch trên tuyến biên giới Tây Nam, nơi chúng tôi có dịp đặt chân tới, đều có những câu chuyện rất đời thường nhưng lắng đọng. Trong khó khăn, gian khổ, các chiến sĩ Biên phòng vẫn tự tìm thấy niềm vui, niềm động viên cho riêng mình, sự thích nghi để cùng nhau vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ...

Phương Vy

Bình luận

ZALO