Biên phòng - Chiều 9/4, tại Hà Nội, Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tổ chức Họp báo giới thiệu chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Mạch nguồn ví, giặm”.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt “Mạch nguồn ví, giặm” với mong muốn góp phần khắc họa những cống hiến nghệ thuật của 5 nhạc sĩ tiêu biểu, gồm: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây là những nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Trong đó, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong năm người đã sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã dành nhiều thời gian rong ruổi khắp ba miền, chắt lọc các làn điệu dân ca để viết nên những ca khúc bất hủ như: Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Dư âm...
Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với nhiều bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như: “Hoa sữa” là ca khúc trong phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Lênh đênh” là ca khúc trong phim “Đời hát rong”. Trong khi đó, bài “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Với quan niệm sáng tác “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, dù không được đào tạo bài bản qua các trường âm nhạc nhưng ông lại có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Mùa xuân gọi bạn, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Tiến hát giữa rừng Pắc Bó, Xuân về trên bản, Xa khơi…
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò,… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Bản tình ca bên một dòng sông…
Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách rất khéo léo, tài tình. Hầu hết những bài hát nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan tỏa rất lớn, như: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương...
Các nhạc sĩ đã đi xa nhưng những ca khúc của họ vẫn mãi trường tồn và ngân lên cùng năm tháng. Chương trình nghệ thuật là tình cảm trân trọng, sự tri ân và tôn vinh đối với các nhạc sĩ.

Chương trình nghệ thuật "Mạch nguồn ví, giặm" do NSND Nguyễn Tiến Thọ tổng đạo diễn; nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật; Đài Truyền hình Nghệ An chịu trách nhiệm sản xuất; với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ: Thanh Lam, Phạm Phương Thảo, Tiến Lâm, Đức Long, Anh Thơ, Bùi Lê Mận, Huyền Trang…
Phát biểu tại buổi họp báo, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết, “Mạch nguồn ví, giặm” là chương trình nghệ thuật phi lợi nhuận theo hình thức xã hội hóa. Đêm nhạc tôn vinh 5 nhạc sĩ cũng là tôn vinh dân ca ví, giặm và tôn vinh mảnh đất xứ Nghệ đã sản sinh ra những người nhạc sĩ tài hoa ấy. Đồng thời, khuyến khích, động viên các nhạc sĩ trẻ phát huy để xứng danh với các thế hệ cha ông.
Chương trình được tổ chức vào tối 14/5/2023 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội); được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Nghệ An (NTV); tiếp sóng trên Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Quốc hội.
Hà Phương